Buồng trứng đa nang - Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Buồng trứng đa nang - Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Những điều cần biết về bệnh buồng trứng đa nang
Những điều cần biết về bệnh buồng trứng đa nang - Ảnh: BookingCare

Buồng trứng đa nang - Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 30/10/2023 | Cập nhật lần cuối: 30/10/2023
Bệnh buồng trứng đa nang là gì? Có ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe người bệnh? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Khi được chẩn đoán mắc hội chứng  buồng trứng đa nang, nhiều chị em cảm thấy hoang mang, lo lắng vì sợ những ảnh hưởng xấu của bệnh tới sức khỏe sinh sản. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích để có thể hiểu thêm hơn về đặc điểm cũng như các phương pháp điều trị căn bệnh này.

Buồng trứng đa nang là bệnh gì?

Hội chứng buồng trứng đa nang là một hội chứng liên quan tới các rối loạn chuyển hoá và nội tiết. Đây là một nguyên nhân thường gặp gây rối loạn nội tiết ở phụ nữ, đa phần biểu hiện với rậm lông, rối loạn kinh nguyệt và không phóng noãn. 

Nguyên nhân gây bệnh buồng trứng đa nang

Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây  buồng trứng đa nang. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bệnh lý có thể bắt nguồn từ các yếu tố như:

Kháng insulin

Insulin là một loại hormone do tuyến tụy sản xuất, có nhiệm vụ chuyển hóa carbohydrate và lipid thành năng lượng giúp cơ thể hoạt động. Đây cũng là tác nhân duy nhất trong cơ thể có thể làm giảm nồng độ glucose trong máu.

Thống kê cho thấy, có đến 70% phụ nữ mắc bệnh có hiện tượng kháng insulin, nghĩa là các tế bào bên trong cơ thể họ không thể sử dụng insulin một cách đúng đắn. Insulin có tác dụng vận chuyển glucose từ máu vào trong các tế bào để cung cấp năng lượng cho các tế bào hoạt động. 

Khi cơ thể có tình trạng kháng insulin, glucose sẽ không được vận chuyển vào trong tế bào, do  đó, lượng đường trong máu tăng lên, đồng thời cơ thể tăng sản xuất insulin nhiều hơn. Chính lượng insulin dư thừa sẽ tác động đến chuyển hóa ở gan, giảm sản xuất các chất trung gian khiến cho nồng độ androgen tự do tăng lên.  

Béo phì cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng insulin. Cả béo phì và kháng insulin đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Di truyền

Các nghiên cứu cho thấy một số gen có liên quan nhất định đến hội chứng đa nang buồng trứng, do đó nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị gái mắc hội chứng này thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống quá nhiều tinh bột có thể là yếu tố góp phần dẫn đến hội chứng đa nang buồng trứng.

Xét nghiệm chẩn đoán buồng trứng đa nang

Dựa trên chẩn đoán lâm sàng, hội chứng buồng trứng đa nang có thể xác định từ những thông tin liên quan đến triệu chứng, tình trạng sức khỏe hiện tại và tiền sử bệnh lý của người bệnh và gia đình. Các câu hỏi thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, sự thay đổi cân nặng trong một khoảng thời gian nhất định.

Bên cạnh đó, để có thể xác định chính xác bệnh cũng như tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm một số các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán như:

  • Xét nghiệm máu: đo và phân tích nồng độ hormone, từ đó bác sĩ sẽ loại trừ được các trường hợp gây rối loạn kinh nguyệt hoặc tăng Androgen tương tự PCOS. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn cho kết quả mức độ dung nạp glucose, lượng cholesterol và triglyceride lúc đói.
  • Siêu âm: Từ hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể kiểm tra được tình trạng hiện tại của buồng trứng và độ dày của niêm mạc tử cung.

Trong trường hợp được chẩn đoán mắc hội chứng đa nang buồng trứng, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm bổ sung để tìm các biến chứng. Các xét nghiệm bổ sung bao gồm:

  • Kiểm tra huyết áp, dung nạp glucose, mức cholesterol và triglycerid định kỳ.
  • Tầm soát trầm cảm và lo âu.
  • Tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ.
  • ...

Các triệu chứng thường gặp ở người bệnh đa nang buồng trứng

Trong một số trường hợp, hội chứng buồng trứng đa nang không có bất kỳ dấu hiệu nhận biết nào. Người bệnh chỉ có thể phát hiện ra khi đi khám. Tuy nhiên, ở hầu hết phụ nữ mắc bệnh buồng trứng đa nang, các triệu chứng có thể dễ dàng bắt gặp như:

  • Kinh nguyệt không đều
  • Rậm lông và râu, hói tóc 
  • Sạm da, da nhờn, xuất hiện nhiều trứng cá
  • Tăng cân mất kiểm soát, béo phì, khó giảm cân
  • Đau nhức vùng chậu
  • Tâm trạng thay đổi thất thường
  • Vô sinh 
  • Căng thẳng, lo âu.

Phương pháp điều trị buồng trứng đa nang

Điều trị buồng trứng đa nang chủ yếu là điều trị triệu chứng bệnh nhân có, theo mong muốn của bệnh nhân: muốn điều chỉnh kinh nguyệt hay muốn có thai.

 Tuân thủ các phương pháp điều trị có thể hỗ trợ người bệnh giảm thiểu các triệu chứng một cách tối đa và phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh hiệu quả:

  • Duy trì mức cân nặng hợp lý
  • Giảm cân nếu đang bị thừa cân
  • Rèn luyện thể chất thường xuyên
  • Điều trị bằng thuốc
  • Phẫu thuật
  • Thụ tinh ống nghiệm

Các biến chứng thường gặp của  hội chứng  đa nang buồng trứng

Buồng trứng đa nang không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản ở nữ giới mà căn bệnh này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn tới các biến chứng nguy hiểm:

  • Vô sinh có liên quan đến rối loạn chức năng rụng trứng.
  • Nồng độ estrogen tăng cao, làm tăng nguy cơ tăng sản nội mạc tử cung và có thể là ung thư nội mạc tử cung.
  • Nồng độ androgen thường tăng cao làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, béo phì và gây rậm lông. Tăng nồng độ insullin trong máu do kháng insulin có thể có mặt và có thể góp phần làm tăng lượng androgen của buồng trứng. Theo thời gian, tăng nội tiết tố nam quá mức làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch, bao gồm tăng huyết áp và tăng lipid máu. Nguy cơ thừa androgen và các biến chứng của nó có thể cũng cao như nhau ở phụ nữ không thừa cân như ở những người thừa cân.
  • Vôi hóa động mạch vành và dày lớp nội mạc động mạch cảnh phổ biến hơn ở phụ nữ mắc PCOS, cho thấy xơ vữa động mạch cận lâm sàng có thể xảy ra.
  • Các nghiên cứu chỉ ra rằng buồng trứng đa nang có liên quan đến tình trạng viêm mạn tính ở mức độ thấp và phụ nữ mắc bệnh đa nang buồng trứng có nguy cơ cao hơn bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Sống chung với bệnh đa nang buồng trứng hiệu quả

Bệnh buồng trứng đa nang có thể được kiểm soát hiệu quả khi người bệnh tuân thủ các phương pháp điều trị bệnh của bác sĩ đồng thời kết hợp với việc xây dựng lối sống lành mạnh. 

Dưới đây là một số lời khuyên từ chuyên gia giúp người bệnh sống chung hòa bình với bệnh đa nang buồng trứng:

  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ít carbohydrate
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần

Buồng trứng đa nang là một hội chứng thường hay gặp ở độ tuổi sinh sản và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ, xây dựng thói quen sống lành mạnh để  có thể giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh đa nang buồng trứng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết