Bệnh buồng trứng đa nang có nguy hiểm không?
Bệnh buồng trứng đa nang có nguy hiểm không?
Bệnh buồng trứng đa nang có nguy hiểm không?
Bệnh buồng trứng đa nang có nguy hiểm khônng? - Ảnh: BookingCare

Bệnh buồng trứng đa nang có nguy hiểm không?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 25/10/2023 | Cập nhật lần cuối: 25/10/2023
Bệnh buồng trứng đa nang không chỉ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh mà còn khiến người bệnh đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Buồng trứng đa nang là một trong những tình trạng phổ biến ở nữ giới. Bên cạnh ảnh hưởng của việc làm giảm khả năng sinh sản, nội tiết tố thay đổi cũng khiến người bệnh có nguy cơ cao mắc các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Dưới đây là một số ảnh hưởng của hội chứng buồng trứng đa nang đến sức khỏe người bệnh

Rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt là một trong những triệu  chứng phổ biến nhất ở phụ nữ mắc hội chứng  buồng trứng đa nang. Các biểu hiện thường thấy có thể kể đến như: kinh thưa hoặc vô kinh. Gọi là kinh thưa khi vòng kinh kéo dài trên 35 ngày, vô kinh khi không thấy kinh nguyệt trên 6 tháng.  

Rối loạn rụng trứng làm giảm khả năng mang thai của người bệnh đồng thời cũng ảnh hưởng tới chất lượng sinh sản nếu không được kiểm tra, chọn lọc kỹ .

Béo phì

Theo nghiên cứu, tình trạng béo phì xảy ra ở khoảng 35-60% bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang. Ngoài ra họ có thể gặp các tình trạng mất kiểm soát cân nặng như: tăng cân đột ngột, béo bụng, khó giảm cân,...

Ngoài ra, cơ thể tích tụ nhiều mỡ cũng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản.

Hội chứng chuyển hóa

Buồng trứng đa nang có thể dẫn đến các rối loạn chuyển hóa nguy hiểm như: bệnh huyết áp cao, đường huyết cao,  nồng độ HDL thấp,  nồng độ LDL, triglycerid và cholesterol tăng cao… dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường tuýp 2, đột quỵ…

Theo thống kê, có khoảng ⅓ phụ nữ mắc bệnh buồng trứng đa nang có khả năng  mắc các hội chứng chuyển hóa.

Tiểu đường

Phụ nữ mắc  hội chứng buồng trứng đa nang thường có tình trạng  kháng insulin. Cơ thể không sử dụng được insulin- là chất giúp vận chuyển glucose từ máu vào bên trong tế bào, khiến cho nồng độ glucose tăng cao trong máu. 

Theo thời gian, lượng glucose trong máu tăng cao liên tục có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.

Vô sinh

Quá trình rụng trứng bị gián đoạn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các trường hợp vô sinh, hiếm muộn. 

Bên cạnh đó, một số bệnh lý kèm theo của buồng trứng đa nang cũng góp phần gây vô sinh. Đặc biệt là kháng insulin và béo phì, có liên quan trực tiếp đến việc tăng nguy cơ sảy thai và giảm tỷ lệ mang thai và sinh con.

Di truyền

Chưa có nghiên cứu chính xác về vấn đề bệnh buồng trứng đa nang có khả năng di truyền qua các thế hệ. Tuy nhiên, nhiều số liệu đã chứng minh một người có nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang cao hơn bình thường nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị gái cũng mắc bệnh này.

Mất ngủ, lo âu, trầm cảm,...

Phụ nữ mắc hội chứng  buồng trứng đa nang có nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần kinh cao gấp 4 lần so với người khỏe mạnh, đồng thời chất lượng cuộc sống cũng bị giảm đi đáng kể.

Bên cạnh đó, hội chứng này còn khiến người bệnh đối mặt với một số vấn đề ảnh hưởng đến ngoại hình như tăng cân mất kiểm soát, xuất hiện mụn trứng cá, hói đầu, rậm lông, sạm da… khiến nhiều người bệnh tự ti và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Những rủi ro nguy hiểm ở phụ nữ mang thai mắc bệnh buồng trứng đa nang

Khi phụ nữ mắc hội chứng  buồng trứng đa nang có thai, nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ cao hơn gấp nhiều lần. 

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hội chứng buồng trứng đa nang làm tăng 3 – 4 lần nguy cơ tăng huyết áp do thai nghén và tiền sản giật, tăng gấp 3 lần nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ và nguy cơ sinh non cao hơn gấp 2 lần. 

Trẻ sinh non tăng nguy cơ tử vong trước, trong hoặc ngay sau khi sinh. Nhẹ hơn thì cần phải được chăm sóc trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh.

Buồng trứng đa nang là một căn bệnh tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm. Ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường, chị em cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết