Bệnh tăng huyết áp và các biến chứng nguy hiểm thường gặp

Tác giả: - Xuất bản: 02/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Các vấn đề về tim mạch là biến chứng nguy hiểm của bệnh cao huyết áp
Các biến chứng nguy hiểm thường gặp của bệnh cao huyết áp - Ảnh: BookingCare
Huyết áp cao và không được kiểm soát trong thời gian dài gây tổn thương cơ quan đích, các bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là biến chứng tim mạch, não, thận, mắt,...

Huyết áp cao được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi đa phần người bệnh không có triệu chứng rõ ràng hoặc biểu hiện rất nghèo nàn, không đặc hiệu cho bệnh nhưng biến chứng lại ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể, gây ra các vấn đề tim mạch, não, thận và mắt,...

Tăng huyết áp là gì? 

Cao huyết áp hay tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu lên thành động mạch tăng cao. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu >140mmHg hoặc huyết áp tâm trương >90mmHg, hoặc cả hai. Trong khi đó, một người có huyết áp bình thường chỉ số huyết áp sẽ dưới 120/80 mmHg.

Thông tin thêm cho bạn đọc, chỉ số huyết áp được viết dưới dạng hai con số:

  • Số đầu tiên (huyết áp tâm thu) biểu thị áp suất trong mạch máu khi tim co bóp hoặc đập.
  • Số thứ hai (huyết áp tâm trương) biểu thị áp suất trong mạch khi tim nghỉ giữa các nhịp đập.

Làm thế nào để biết có bị tăng huyết áp hay không?

Phương pháp để biết bạn có bị tăng huyết áp hay không là thông qua việc đo huyết áp thường xuyên. Một số lưu ý khi thực hiện đo huyết áp:

  • Thực hiện đo huyết áp trong trạng thái hoàn toàn nghỉ ngơi (không gắng sức ít nhất 15 phút trước khi đo).
  • Không dùng các chất kích thích có ảnh hưởng đến huyết áp như trà, cà phê, thuốc lào, thuốc lá,...
  • Huyết áp phải được đo ít nhất 2 lần, cách nhau 2 - 5 phút, giá trị huyết áp là con số trung bình cộng của 2 lần đo.

Bạn có thể tự đo huyết áp tại nhà, nhưng để chẩn đoán, đánh giá mức độ bệnh và điều trị cần thực hiện bởi nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, tùy tình trạng, người bệnh có thể được chỉ định làm thêm các cận lâm sàng để đánh giá bệnh lý liên quan nếu có.

Đo huyết áp thường xuyên
Đo huyết áp là phương pháp để biết bạn có bị tăng huyết áp hay không - Ảnh: Canva

Các biến chứng nguy hiểm thường gặp của tăng huyết áp

Tăng huyết áp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng nề. Người bệnh do vậy nên tuân thủ điều trị một cách đầy đủ, không tự ý bỏ thuốc, ngưng thuốc. 

Bệnh tăng huyết áp gây ra nhiều biến chứng, để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh như: nhồi máu cơ tim, suy tim, chảy máu não hay tắc mạch máu não, suy thận, giảm thị lực dẫn tới mù loà,... 

Tăng huyết áp gây ra các biến chứng bệnh tim mạch

  • Đau: Huyết áp cao khiến các động mạch bị thu hẹp và tổn thương, gây khó khăn trong việc cung cấp máu cho tim. Lưu lượng máu đến tim quá ít có thể dẫn đến đau ngực (đau thắt ngực), nhịp tim không đều (loạn nhịp tim) hoặc đau tim.
  • Tăng kích thước buồng tim trái: Huyết áp cao buộc tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đến các bộ phận khác của cơ thể. Điều này làm cho buồng tim dưới bên trái (tâm thất trái) dày lên.
  • Suy tim: Theo thời gian, áp lực lên tim do huyết áp cao có thể khiến cơ tim yếu đi và hoạt động kém hiệu quả hơn.Cuối cùng, tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, gây ra suy tim.

Chứng phình động mạch

Huyết áp tăng có thể khiến mạch máu yếu đi và phình ra, gây nên chứng phình động mạch. Nếu túi phình bị vỡ có thể đe dọa tính mạng.

Chứng phình động mạch có thể hình thành ở bất kỳ động mạch nào, nhưng phổ biến nhất ở động mạch lớn nhất của cơ thể - động mạch chủ. 

Đột quỵ

Huyết áp cao có thể khiến các động mạch cung cấp máu và oxy cho não bị vỡ hoặc bị tắc, dẫn đến chết các tế bào não, gây ra đột quỵ và các khiếm khuyết liên quan đến khả năng nói, cử động cũng như các hoạt động cơ bản khác,...

Bệnh thận

Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận. Bởi tình trạng bệnh kéo dài có thể khiến các mạch máu trong thận bị hẹp hoặc yếu đi. Các mạch máu bị tổn thương ngăn thận lọc chất thải ra khỏi máu một cách hiệu quả, dẫn đến tích tụ chất lỏng và chất thải ở mức độ nguy hiểm.

Các vấn đề về mắt

Huyết áp cao có thể làm tổn thương các mạch máu nhỏ cung cấp máu cho mắt, gây ra:

  • Bệnh võng mạc: Huyết áp tăng cao làm tổn thương những mạch máu cung cấp máu cho võng mạc dẫn đến tổn thương các tế bào của võng mạc, gây giảm thị lực.
  • Tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh thị giác): Lưu lượng máu bị chặn có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác, dẫn đến chảy máu trong mắt hoặc giảm thị lực.

Sa sút trí tuệ, mất trí nhớ

Các động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn có thể hạn chế lưu lượng máu đến não. Điều này có thể gây ra chứng mất trí gọi là chứng mất trí mạch máu.

Đột quỵ làm gián đoạn lưu lượng máu đến não cũng có thể gây ra chứng sa sút trí tuệ mạch máu. 

Huyết áp cao ảnh hưởng đến đời sống tình dục

  • Đối với nam giới:
    • Huyêt áp cao cũng làm cho các động mạch cứng lại và hẹp lại, hạn chế lưu lượng máu chảy đến dương vật hơn. Lượng máu lưu thông ít hơn khiến việc cương cứng trở nên khó khăn và khó duy trì. Vấn đề khá phổ biến này được gọi là rối loạn cương dương.
    • Huyết áp cao cũng có thể ảnh hưởng đến xuất tinh. Một số loại thuốc huyết áp có thể làm giảm ham muốn tình dục.

  • Đối với nữ giới: Huyết áp cao có thể làm giảm lưu lượng máu đến âm đạo. Nó cũng có thể làm giảm mức độ oxit nitric, giúp cơ trơn thư giãn. Ở một số phụ nữ, điều này có thể gây ra:
    • Giảm ham muốn tình dục hoặc kích thích.
    • Khó đạt cực khoái.
    • Khô âm đạo.

Nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị tăng huyết áp là điều trị lâu dài. Người bệnh nên theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc. Tránh trường hợp cho đến khi xuất hiện các triệu chứng, biến chứng hoặc đo huyết áp quá cao mới dùng thuốc. Điều trị như vậy sẽ không có tác dụng dự phòng được các biến chứng có nghĩa là không có hiệu quả.

Trên đây là những thông tin về bệnh Tăng huyết áp và những biến chứng của nó. Hy vọng sẽ là nguồn thông tin tham khảo để người bệnh hiểu rõ biến chứng bệnh, có chế độ tuân thủ điều trị để huyết áp ổn định.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết