Xuất bản: 06/08/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Bệnh suy tim: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa trị hiệu quả - Ảnh: BookingCare
Cách tốt nhất để ngăn ngừa suy tim là kiểm soát các yếu tố nguy cơ và điều kiện gây suy tim, như bệnh động mạch vành, huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường hay béo phì.
Thuật ngữ "suy tim" để chỉ tình trạng co bóp của tim không đạt hiệu quả như mong muốn theo nhu cầu của cơ thể. Bài viết dưới đây của BookingCare sẽ chia sẻ cho bạn đọc những thông tin quan trọng về bệnh suy tim, bao gồm triệu chứng, nguyên nhân, cách chẩn đoán, điều trị và sống chung hiệu quả với bệnh.
Suy tim là gì?
Suy tim là tình trạng tim bị yếu, không thể bơm máu đi nuôi cơ thể một cách hiệu quả, khiến máu vận chuyển khắp cơ thể và qua tim chậm hơn so với người bình thường.
Suy tim là một hội chứng lâm sàng, có căn nguyên là sự bất thường ở cấu trúc hoặc chức năng tim nên bệnh có thể điều trị nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Trong đa số các trường hợp, suy tim là tình trạng giảm khả năng co bóp của quả tim dẫn đến giảm lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể, đồng thời gây ứ trệ nước tại các cơ quan nên được gọi là suy tim ứ huyết (ứ máu).
Triệu chứng bệnh suy tim
Triệu chứng khó thở
Cảm giác hụt hơi, thiếu không khí, ngột thở. Đây cũng thường là biểu hiện sớm nhất và là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đi khám bệnh.
Trong suy tim cấp thì khó thở xuất hiện đột ngột và nặng lên nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời. Còn trong suy tim mãn tính thì biểu hiện khó thở tùy thuộc vào mức độ tiến triển của suy tim.
Ban đầu khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức như leo cầu thang, đi bộ một quãng đường dài, mang vác vật nặng hoặc khi sinh hoạt tình dục. Về sau khó thở thường xuyên hơn, ngay cả khi nghỉ ngơi, thậm chí là khi ngủ làm cho bệnh nhân phải ngồi dậy để thở.
Triệu chứng phù
Biểu hiện phù trong suy tim là hậu quả của ứ trệ nước trong cơ thể. Ban đầu phù thường kín đáo ở mắt cá hoặc mu chân, mềm, ấn lõm, rõ về cuối ngày và nhẹ về sáng sớm. Phù thường đi kèm với khó thở.
Do khi suy tim, sức co bóp của cơ tim giãn, máu đến các cơ quan trong cơ thể không đầy đủ như lúc bình thường. Cơ thể sẽ cố gắng tìm cách để bù đắp lại sự thiếu hụt đó bằng cách tiết ra các chất để làm tim co bóp mạnh hơn, nhanh hơn. Hiệu quả trước mắt là tim bóp tốt hơn nhưng lâu dài sẽ làm giảm chức năng của quả tim.
Các biểu hiện khác
Khó thở và phù rõ thường xuất hiện ở giai đoạn bệnh đã tiến triển. Ở giai đoạn đầu, các biểu hiện thường kín đáo như ho kéo dài, nhiều về đêm, mệt mỏi vô cớ hoặc khi gắng sức.
Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác như đi tiểu nhiều về đêm, chướng bụng, chán ăn, suy giảm trí nhớ. Tuy nhiên, triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào cấp độ và nguyên nhân gây ra bệnh suy tim.
Nguyên nhân bệnh suy tim
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh suy tim được chia làm các nhóm chính sau:
Các yếu tố nguy cơ khác: Bao gồm béo phì, tiểu đường, hút thuốc lá, uống rượu quá nhiều, stress, ăn mặn,... cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh suy tim.
Phương pháp chẩn đoán bệnh suy tim
Để chẩn đoán bệnh suy tim, các phương pháp sau đây thường được sử dụng:
Khai thác tiền sử bệnh và khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng người bệnh đang gặp phải, tiền sử bệnh của người bệnh cũng như người thân trong gia đình, lối sống và thuốc đã dùng. Việc kiểm tra nhịp tim, huyết áp và xem có sự sưng tấy ở chân hay không cũng là một phần quan trọng trong khám lâm sàng.
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu cho thấy thông tin về chức năng gan, thận, dấu hiệu viêm nhiễm, điện giải, tiểu đường và troponin (một chỉ số để xác định tổn thương cơ tim).
Siêu âm tim (Echocardiogram): Đây là một phương pháp hình ảnh sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của tim. Siêu âm tim cung cấp thông tin chi tiết về khả năng bơm máu của tim và các vấn đề liên quan.
X-quang tim: X-quang tim có thể được sử dụng để xem kích thước và hình dạng của tim, các động mạch vành và xác định vị trí tắc nghẽn gây suy tim.
EKG (điện tâm đồ): Điện tâm đồ ghi lại hoạt động điện của tim và có thể phát hiện các bất thường như nhịp tim không đều, rối loạn nhịp hay tổn thương cơ tim.
Test thử nghiệm chức năng tim: Các test như thử nghiệm tải công suất hay thử nghiệm chức năng tim Holter (theo dõi liên tục nhịp tim trong 24 - 48 giờ) có thể được sử dụng để kiểm tra khả năng bơm máu và nhịp tim trong quá trình hoạt động.
Chụp mạch vành: Giúp phát hiện tắc nghẽn trong động mạch tim. Bác sĩ sẽ chèn một ống mềm, dài và mỏng được gọi là ống thông vào mạch máu, thường ở bẹn hoặc cổ tay, sau đó nó được dẫn đến trái tim. Thuốc nhuộm chảy qua ống thông đến các động mạch trong tim. Thuốc nhuộm giúp các động mạch hiển thị rõ ràng hơn trên hình ảnh và video chụp X-quang.
Các phương pháp này thường được sử dụng kết hợp với nhau để chẩn đoán bệnh suy tim và xác định nguyên nhân gây ra bệnh.
Cách điều trị bệnh suy tim
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân điều trị bệnh suy tim điều trị theo hướng phù hợp. Có thể là dùng thuốc hay phẫu thuật để mở các động mạch bị tắc hoặc đặt một thiết bị để giúp tim hoạt động tốt hơn.
Dùng thuốc
Các bác sĩ Tim mạch sẽ đánh giá tình trạng của bệnh nhân để đưa ra những phác đồ thuốc điều trị suy tim khác nhau. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc như các loại thuốc chống suy tim (như beta-blockers, ACE inhibitors, ARBs), thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc mở mạch và thuốc chống đông máu. Thuốc sẽ giúp cải thiện chức năng tim và giảm triệu chứng suy tim.
Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác
Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật để điều trị nguyên nhân suy tim như mổ van tim nếu suy tim do bệnh van tim, mổ bắc cầu mạch vành nếu suy tim do hẹp động mạch vành, mổ sửa chữa bệnh tim bẩm sinh hoặc điều trị cắt đốt rối loạn nhịp.
Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Chỉ định cho những bệnh nhân bị tắc động mạch nghiêm trọng gây ra suy tim.
Sửa chữa hoặc thay thế van tim. Nếu van tim bị hư hỏng gây ra suy tim, bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh sửa chữa hoặc thay van.
Máy khử rung tim cấy ghép (ICD). ICD được sử dụng để ngăn ngừa các biến chứng của suy tim.
ICD theo dõi nhịp tim: Nếu tim bắt đầu đập ở nhịp nguy hiểm, ICD sẽ cố gắng điều chỉnh nhịp. Nếu tim ngừng đập, thiết bị sẽ kích hoạt nó trở lại nhịp bình thường.
Ghép tim: Một số người bị suy tim nặng đến mức sử dụng thuốc hay phẫu thuật đều không có tác dụng sẽ cần được thay tim bằng một trái tim hiến tặng khỏe mạnh.
Sống chung với bệnh suy tim
Để quản lý và điều trị bệnh suy tim, lối sống lành mạnh và các thay đổi trong hành vi hàng ngày rất quan trọng. Dưới đây là một số gợi ý về lối sống cho bệnh nhân suy tim:
Chế độ ăn lành mạnh: Hãy tập trung vào việc ăn nhiều hoa quả, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ và chất chống oxy hóa. Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm nhiều chất béo, muối và đường. Điều này giúp kiểm soát cân nặng, kiểm soát huyết áp và mức đường huyết.
Điều chỉnh cân nặng: Nếu bạn đang trong tình trạng thừa cân, hãy cố gắng giảm cân thông qua việc tập thể dục và ăn uống lành mạnh. Giảm từ 5-10% cân nặng có thể cải thiện chức năng tim.
Tập thể dục: Luyện tập thể dục đều đặn có thể cải thiện chức năng tim và sức khỏe chung. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết được mức độ tập thể dục phù hợp với bạn. Bắt đầu với các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, sau đó tăng dần mức độ và thời gian tập luyện.
Hạn chế stress: Cố gắng giảm căng thẳng, giữ tâm trạng thoải mái trong cuộc sống hàng ngày.
Ngừng hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc: Hút thuốc lá gây hại cho tim và mạch máu. Nếu bạn hút thuốc, hãy tìm cách để bỏ thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá môi trường.
Tuân thủ đúng toa thuốc: Hãy chắc chắn tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc và hẹn tái khám định kỳ.
Trên đây là những thông tin quan trọng xoay quanh bệnh suy tim. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, bạn đọc cần mau chóng thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng xấu ảnh hưởng đến sức khỏe về sau.