Chụp động mạch vành để làm gì?
Chụp động mạch vành để làm gì?
Bệnh mạch vành
Mạch vành bao quanh tim - Ảnh: Sức khỏe đời sống

Chụp động mạch vành để làm gì?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 18/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 31/12/2023
Chụp động mạch vành là thủ thuật cơ bản được sử dụng rất rộng rãi trong các quy trình can thiệp về tim mạch với mục đích đánh giá toàn bộ hệ động mạch vành về mặt hình thái.

Động mạch vành là động mạch bao quanh trái tim, có chức năng dẫn máu đi nuôi cơ tim.

Cơ tim cũng như các cơ quan khác trong cơ thể cần được cung cấp đầy đủ máu giàu oxy để hoạt động. Máu được cung cấp cho cơ tim thông qua hệ thống động mạch vành.

Theo các chuyên gia tim mạch, bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh liên quan đến tim mạch. 

Bệnh động mạch vành là gì?

Bệnh động mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hay bị tắc do các nguyên nhân khác nhau, thông thường là do mảng vữa xơ động mạch vành.

Do đó mạch vành không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu oxy cho cơ tim. Thường khi động mạch vành bị hẹp từ 50% đường kính lòng mạch lúc đó sẽ xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Dấu hiệu nhận biết bệnh động mạch vành

Đau thắt ngực là dấu hiệu cơ bản và quan trọng nhất để nhận biết bệnh động mạch vành. Đau có cảm giác bó chặt, thắt nghẹt, đè ép hay đôi khi chỉ là cảm giác có 1 cái gì đó khó chịu trong lồng ngực.

Vị trí đau hay gặp là sau xương ức, giữa ngực hoặc vùng tim. Đau có thể tại chỗ hoặc lan lên cổ, hàm, vai hay cánh tay bên trái, ít trường hợp lan ra sau lưng hay vùng cột sống.

Cơn đau thường rất ngắn chỉ 10 - 30 giây hay 1 vài phút. Nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút là có khả năng đã bị nhồi máu cơ tim.

Chụp động mạch vành là gì?

Chụp động mạch vành là thủ thuật cơ bản được sử dụng rất rộng rãi trong các quy trình can thiệp về tim mạch với mục đích đánh giá toàn bộ hệ động mạch vành về mặt hình thái.

Chụp động mạch vành được tiến hành với việc sử dụng các ống thông chuyên dụng để đưa thuốc cản quang vào trong lòng động mạch vành, qua đó hiển thị hình ảnh của hệ động mạch vành trên màn hình tăng sáng, dựa vào các hình ảnh này cho phép đánh giá những tổn thương của hệ động mạch vành như hẹp, tắc, lóc tách, huyết khối,…

Các trường hợp chỉ định chụp động mạch vành

Bệnh nhân được chỉ định chụp động mạch vành khi gặp những vấn đề sau:

  • Nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên.
  • Đau ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim không ST chênh lên.
  • Đau thắt ngực ổn định.
  • Người bệnh mạch vành hoặc nghi ngờ có bệnh mạch vành.
  • Kiểm tra trước phẫu thuật.
  • Sau cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoài bệnh viện.
  • Đau ngực tái phát sau can thiệp động mạch vành hoặc sau phẫu thuật  làm cầu nối chủ - vành.
  • Suy tim không rõ nguyên nhân.
  • Kiểm tra những bất thường động mạch vành.
  • Rối loạn nhịp nguy hiểm.

Một số trường hợp đặc biệt khác: nghề nghiệp, lối sống nguy cơ cơ cao; kết hợp thăm dò khác.

Chống chỉ định:

  • Người bệnh trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng.
  • Người bệnh có tiền sử sốc phản vệ với thuốc cản quang.
  • Người bệnh suy thận nặng.

Phương pháp chụp động mạch vành

Tùy vào vị trí mà bác sĩ lựa chọn, chụp động mạch vành qua đường động mạch quay hoặc chụp động mạch vành qua đường động mạch đùi.

Các bước chuẩn bị

  • Trước hết bệnh nhân được nhập viện, làm các xét nghiệm cần thiết: điện tâm đồ, chụp X-quang tim phổi, các xét nghiệm máu thông thường.
  • Bác sĩ sẽ gặp bệnh nhân để giải thích về mục đích, các kết quả có thể đạt được, cũng như các biến chứng có thể gặp và các bước tiến hành chụp động mạch vành. Bác sĩ sẽ trả lời các thắc mắc của bệnh nhân và người nhà.
  • Bệnh nhân cần nói cho bác sĩ về các thuốc mà đang dùng, những thuốc dị dị ứng hay có chống chỉ định vì tác dụng phụ.
  • Bệnh nhân thường được yêu cầu nhịn ăn 6 giờ trước khi làm thủ thuật.

Qui trình chụp động mạch vành

  • Bệnh nhân được các y tá hướng dẫn trước và ngay khi đến phòng chụp mạch. Bệnh nhân nằm trên bàn có các hệ thống chụp và màn hình được điều khiển tự động. Một số thiết bị gắn trên người bệnh nhân như: điện tâm đồ, đo huyết áp.
  • Bệnh nhân có thể được dùng thuốc để giảm bớt sự lo lắng, căng thẳng nếu cần. Bệnh nhân sẽ hoàn toàn tỉnh táo trong khi làm thủ thuật. Bác sĩ cần sự phối hợp người bệnh.
  • Tùy vị trí mà bác sĩ lựa chọn, đường vào chỗ cho ống thông được mở ở vùng bẹn hoặc ở vùng cổ tay. Trước hết, vùng da đặt đường vào được gây tê, và bệnh nhân chỉ thấy đau tức nhẹ trong lúc này. Khi thuốc tê có tác dụng, bệnh nhân sẽ không thấy một cảm giác khó chịu nào. Lần lượt các dụng cụ được đưa vào cơ thể bạn qua đường này.
  • Các ống thông được đưa vào đúng vị trí của động mạch vành. Dung dịch chất cản quang được bơm vào động mạch vành qua ống thông, trong khi đó hệ thống máy sẽ chụp tự động theo theo quy trình mà bác sĩ đã đặt ra.
  • Hệ thống đèn chụp quay xung quanh vùng ngực của bệnh nhân để ghi lại hình ảnh động vành ở mọi góc độ. Hình ảnh này được đưa ra màn hình để đánh giá và cũng được ghi lại trên đĩa CD.
  • Một số động tác bác sĩ yêu cầu bệnh nhân phối hợp là: trong lúc chụp hít sâu và nín thở trong vài giây. Sau khi chụp, bệnh nhân có thể được yêu cầu ho mạnh để thuốc cản quang sớm ra khỏi động mạch vành.
  • Nếu động mạch vành bình thường, thủ thuật sẽ dừng tại đây và bác sĩ sẽ rút hết các dụng cụ ra khỏi người bệnh nhân.

Chụp động mạch vành để làm gì

Chụp động mạch vành sẽ giúp chẩn đoán xác định bệnh động mạch vành, đánh giá chính xác mức độ tổn thương của hệ động mạch vành, giúp lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất. 

Có 3 phương pháp điều trị chính là:

Điều trị nội khoa

Điều trị bằng thuốc, có thể dùng một hoặc nhiều loại thuốc kết hợp với nhau. Phương pháp này làm giảm được triệu chứng, nhưng không giải quyết được nguyên nhân là hẹp lòng động mạch vành.

Điều trị ngoại khoa

Mổ làm cầu nối chủ - vành. Vùng cơ tim bị thiếu máu sẽ được cung cấp máu bởi một mạch máu khác vòng qua chỗ động mạch vành bị hẹp hoặc tắc.

Tim mạch can thiệp

Can thiệp động mạch vành qua da là phương pháp không phải mổ nhưng vừa làm giảm triệu chứng, vừa giải quyết được nguyên nhân là hẹp lòng động mạch vành.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết