Tim đập nhanh: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 29/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 29/01/2024
Tim đập nhanh
Thế nào là tim đập nhanh? - Ảnh: Pixabay
Nhịp tim của người bình thường dao động trong khoảng 60-80 nhịp/phút khi cơ thể nghỉ ngơi. Khi nhịp tim đập trên 100 nhịp/phút gọi là nhịp tim nhanh. Vậy triệu chứng/dấu hiệu khi tim đập nhanh như thế nào, thăm khám, chẩn đoán ra sao,... mời bạn đọc tìm hiểu.

Tim đập nhanh là hiện tượng có thể gặp ở bất kỳ ai. Nhịp tim tăng lên khi tập thể dục hoặc căng thẳng thường là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể, nhưng nhịp tim nhanh khi nghỉ ngơi có thể là dấu hiệu sớm của một bệnh lý khác.  

Thế nào là tim đập nhanh?

Trước khi đi tìm hiểu về bệnh tim đập nhanh, chúng ta cần trả lời câu hỏi "nhịp tim bình thường là bao nhiêu?" 

Nhịp tim của người bình thường dao động trong khoảng 60-80 nhịp/phút khi cơ thể nghỉ ngơi.

Nhịp tim biến đổi trong ngày tùy thuộc vào mức độ hoạt động của cơ thể và là biểu hiện của sức khỏe. Hoạt động thể lực hoặc tình trạng hưng phấn thần kinh có thể làm nhịp tim tăng lên trên 100 nhịp/phút. 

Khi nhịp tim đập trên 100 nhịp/phút gọi là nhịp tim nhanh.

Triệu chứng tim đập nhanh

Khi tim đập quá nhanh, máu không đủ thời gian để trở về tim đầy đủ khiến chức năng bơm máu tuần hoàn khắp cơ thể của tim bị suy giảm.

Khó thở, thở gấp, ngắn, dốc là khi cơ thể không thể cân bằng được lượng oxy hít vào và carbon dioxide thải ra. Cảm giác khó thở khiến bạn cảm thấy mình lúc nào cũng như bị hụt hơi. Thở gấp là một nỗ lực của cơ thể để đưa thêm oxy vào máu và thải bớt carbon dioxide ra khỏi cơ thể.

Một số triệu chứng khác mà người bệnh có thể gặp phải khi bị khó thở là thở khò khè, suy nhược, mệt mỏi và tức ngực.

  • Mạch nhanh
  • Cảm thấy nhịp tim nhanh (hồi hộp) và đánh trống ngực
  • Có thể cảm thấy tim đập nhanh trong cổ họng cũng như ngực
  • Chóng mặt
  • Khó thở
  • Tức ngực hoặc đau
  • Bất tỉnh

Nguyên nhân tim đập nhanh

Nguyên nhân phổ biến của tim đập nhanh bao gồm:

  • Phản ứng tình cảm mạnh mẽ, chẳng hạn như căng thẳng hay lo âu (hoảng sợ, sốc tâm lý)
  • Tập thể dục nặng
  • Sử dụng Caffeine
  • Sử dụng Nicotin
  • Sốt
  • Liên quan đến thay đổi hormon khi thai kỳ, kinh nguyệt hoặc thời kỳ mãn kinh.
  • Uống thuốc cảm và ho có chứa pseudoephedrin - một chất kích thích.
  • Dùng một số thuốc hen có chứa chất kích thích.
  • Rối loạn đường dẫn truyền của tim
  • Bệnh Basedow

Tuy nhiên, đôi khi tim đập nhanh có thể là một dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng tiềm ẩn, chẳng hạn như hoạt động quá mức tuyến giáp (cường giáp) hay rối loạn nhịp tim.

Loạn nhịp tim có thể bao gồm nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm hoặc nhịp bất thường khác (rung nhĩ).

Tim đập nhanh có nguy hiểm không?

  • Tim đập nhanh trong thời gian ngắn không đáng lo ngại. Trong khoảng thời gian ngắn chưa ảnh hưởng đến tim mạch.
  • Nếu tình trạng kéo dài sẽ rất nguy hiểm, có thể gây suy tim do tim phải hoạt động quá sức. 
  • Có những trường hợp, tim đập nhanh có thể là triệu chứng của một bệnh tim nghiêm trọng, cần được điều trị sớm. 

Nếu tình trạng tim đập nhanh xảy ra thường xuyên hoặc quá nhanh so với mức trung bình, bạn nên sắp xếp đi khám với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. 

Một số rối loạn nhịp nhanh thường gặp

Nhịp nhanh xoang

Là khi nút xoang kích thích quả tim đập nhanh trên 100 lần trong một phút. Đây là đáp ứng bình thường của quả tim đối với nhu cầu oxy tăng lên của cơ thể trong trường hợp gắng sức hoặc stress.

Nhịp nhanh xoang cũng có thể xảy ra trong một số tình trạng khác như:

  • Nhiễm trùng và sốt
  • Cường năng tuyến giáp hoặc mất nước
  • Thiếu máu
  • Suy tim và các bệnh lý tim mạch khác
  • Người ít hoạt động thể lực
  • Sử dụng các chất kích thích như cafe, trà, đồ uống có gas, socola
  • Hút thuốc lá
  • Rối loạn thần kinh tự động
  • Sử dụng một số loại thuốc

Ngoại tâm thu nhĩ

Là nhát bóp của tim bắt nguồn từ tâm nhĩ nhưng không phải ở nút xoang. Xung động xảy ra sớm trước khi nút xoang khử cực, lan tỏa ra tâm nhĩ và chậm lại khi qua nút nhĩ thất rồi dẫn truyền xuống tâm thất như một nhịp xoang bình thường.

Hiện tượng này hay gặp, nhưng thường không được để ý đến và không phải tình trạng bệnh lý.

Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất

Trong trường hợp này, nhịp tim nhanh bắt nguồn từ các cấu trúc ở trên tâm thất. Nhịp nhanh kịch phát trên thất thấy ở mọi lứa tuổi và xảy ra ngay cả trên quả tim hoàn toàn bình thường.

Cơn nhịp nhanh điển hình thường xảy ra một cách đột ngột hoặc mất đi cũng đột ngột. Trong cơn bệnh nhân có thể thấy tim đập rất nhanh, rung cả lồng ngực. Bệnh nhân thường lo lắng sợ sệt trong cơn.

Hội chứng Wolf – Parkinson – White (WPW)

Hội chứng này được đặt tên 3 nhà khoa học tìm ra nó. Hội chứng WPW liên quan đến một đường dẫn truyền phụ nối trực tiếp từ tâm nhĩ xuống tâm thất.

Triệu chứng của loạn nhịp tim do WPW cũng giống như các loạn nhịp tim khác nhưng đòi hỏi khác biệt trong điều trị. Những tiến bộ mới trong lĩnh vực thăm dò điện sinh lý học đã giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị hội chứng WPW.

Có thể xác định được vị trí của đường dẫn truyền phụ rồi triệt phá bằng sóng radio qua đường thông tim.

Rung nhĩ

Rung nhĩ là loạn nhịp tim rất thường gặp. Tâm nhĩ mất khả năng duy trì hoạt động khử cực bình thường, các xung động điện học dẫn truyền hỗn loạn trong cơn tâm nhĩ làm mất khả năng co bóp nhịp nhàng cơ học của tâm nhĩ và khi đó tâm nhĩ run rẩy chứ không đập từng nhát.

Trong nhiều trường hợp, rung nhĩ xảy ra nhưng người bệnh gần như bình thường, một số có cảm giác đánh trống ngực, hoặc đau ngực, chóng mặt, suy tim.

Rung nhĩ làm cho lượng máu của tim co bóp đi nuôi cơ thể bị hạn chế. Một trong những nguy cơ lớn nhất của rung nhĩ là sự hình thành cục máu đông trong tâm nhĩ, cục máu đông khi đi vào hệ thống tuần hoàn có thể gây tắc mạch ở các cơ quan, hay gặp ỡ não và gây ra đột quỵ.

Cuồng nhĩ

Cuồng nhĩ là loại loạn nhịp gần giống rung nhĩ. Trong trường hợp này, các tâm nhĩ co bóp đều nhưng ở tần số rất nhanh, khoảng 300 nhịp/phút.

Cuồng nhĩ không kèm theo nguy cơ cao hình thành huyết khối và do vậy nhiều trường hợp không cần phải xử trí trừ khi có triệu chứng nặng. Cuồng nhĩ có thể được điều trị bằng sóng radio qua đường ống thông.

Hội chứng nút xoang bệnh lý

Thuật ngữ “hội chứng” trong y học là để chỉ một tập hợp các triệu chứng. Hội chứng không phải là “bệnh” nhưng có thể phản ánh các bệnh lý thực tổn.

Hội chứng suy nút xoang (SSS) thường biểu hiện nhiều loại rối loạn nhịp tim khác nhau, phần lớn liên quan đến tầng nhĩ và nút nhĩ thất. Các rối loạn nhịp có thể nhanh hoặc chậm, nếu cùng gặp cả hai thì gọi là “hội chứng nhịp nhanh – chậm”.

Chẩn đoán tim đập nhanh

Để chẩn đoán chính xác tình trạng tim đập nhanh hay không các bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số chỉ định như:

  • Điện tâm đồ (ECG)
  • Theo dõi Holter
  • Ghi sự kiện
  • Chụp X quang

Phương pháp điều trị tim đập nhanh

Trừ khi bác sĩ thấy có bệnh tim tiềm ẩn, tim đập nhanh ít khi cần dùng thuốc hoặc điều trị phẫu thuật.

Thay vào đó, bác sĩ có thể khuyên cách để tránh những kích tố có gây ra tim đập nhanh.

Nếu tim đập nhanh kèm theo những dấu hiệu khác như đau ngực, khó thở... cần thăm khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tim đập nhanh là triệu chứng của nhiều bệnh lý tim mạch, bệnh toàn thân do đó để điều trị nhịp tim nhanh cần phát hiện và điều trị theo căn nguyên.

Chăm sóc người bệnh tim đập nhanh tại nhà

Nếu tim đập nhanh liên quan đến các bệnh lý khác, người bệnh cần tích cực theo dõi và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó việc thay đổi lối sống, vận động trong điều trị tại nhà cũng đóng vai trò quan trọng:

  • Chế đô dinh dưỡng hợp lý: ưu tiên các loại ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, sữa ít béo, trái cây và rau củ; đồng thời hạn chế muối, đường, rượu, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
  • Giảm căng thẳng hoặc lo âu
  • Tránh các chất kích thích
  • Luyện tâp thể dục thể thao điều độ
  • Uống đủ nước

Nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về nhịp tim, đặc biệt khi có các yếu tố nguy cơ, bạn đọc nên thăm khám để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả sớm. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết