Làm sao để lấy dị vật trong mắt?
Làm sao để lấy dị vật trong mắt?
Dị vật trong mắt gây tổn thương giác mác
Dị vật trong mắt có thể gây tổn thương giác mạc - Ảnh: BookingCare

Làm sao để lấy dị vật trong mắt?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 15/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 20/04/2024
Dị vật trong mắt thường rất đa dạng gồm: bụi, côn trùng, hạt cát, thực vật,... Dị vật có thể gây tổn thương giác mạc tùy mức độ. Vậy làm sao để loại bỏ dị vật khỏi mắt ?

Dị vật mắt gây khó chịu thậm chí có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới giác mạc và thị lực. Vậy xử lý dị vật mắt an toàn như thế nào? Hãy cùng BookingCare tìm hiểu cách lấy dị vật mắt và một số lưu ý khi gặp tình trạng này qua bài viết dưới đây.

Dị vật trong mắt là gì?

Dị vật mắt là tình trạng mắt có vật thể lạ bên ngoài, có thể nhỏ như bụi, hạt cát, côn trùng,... nhưng cũng có thể lớn và gây nguy hiểm như các vật sắc nhọn. 

Những dị vật rơi vào mắt nhẹ thì gây ra cảm giác khó chịu, nặng có thể gây tổn thương niêm mạc mắt. Do đó nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể gây nhiễm trùng và các biến chứng nguy hiểm khác như loét, sẹo giác mạc, ảnh hưởng tới thị lực.

Dị vật có thể rơi vào mắt trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, có thể dưới tác động của môi trường như gió thổi hoặc do dị vật văng vào mắt.

Các loại dị vật thường gặp là bụi, mùn cưa, lông mi, cát, mỹ phẩm,...

Khi có dị vật mắt, có thể gặp các triệu chứng:

  • Cảm giác cộm mắt, đau ngứa rát, cảm giác khó chịu khi chớp mắt, nháy mắt liên tục.
  • Đỏ mắt.
  • Chảy nước mắt.
  • Mờ mắt hoặc ảnh hưởng thị lực.
  • Nhạy cảm ánh sáng.
  • Xuất huyết dưới kết mạc.

Làm sao để lấy dị vật trong mắt?

Tự loại bỏ dị vật khỏi mắt

  • Chớp mắt nhanh: Đây là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi cảm thấy bụi hay các dị vật bay vào mắt. Khi chớp mắt, nước mắt sẽ tiết ra để cuốn trôi dị vật ra ngoài hoặc đẩy dị vật về phía khóe mắt giúp dễ dàng loại bỏ. 
  • Sử dụng dung dịch nước mắt nhân tạo hoặc nước muối sinh lí NaCl 0,9%: Đây là các dung dịch lành tính, an toàn cho đôi mắt, có tác dụng rửa trôi các dị vật và bụi bẩn. Khi nhỏ nước muối bạn nên ngửa đầu ra sau, lấy tay kéo nhẹ mi dưới rồi nhỏ nước muối sinh lý vào giữa khe hở
  • Rửa bằng nước sạch: 
    • Trong trường hợp di vật là hóa chất, bạn hãy sử dụng nước sạch để loại bỏ dị vật trong mắt càng sớm càng tốt, kể cả khi xung quanh không có dung dịch nhỏ mắt. Vì hóa chất rất dễ gay bỏng và tổn thương nhanh chóng cho đôi mắt, rửa mắt ngay lập tức sẽ giúp loại bỏ hoặc giảm nồng độ của hóa chất khiến mắt ít bị tổn thương hơn.
    • Bạn có thể mở mắt to và úp mặt vào một chậu nước sạch, hoặc cúi đầu xuống, nghiêng một bên và mở vòi nước chảy nhẹ qua mắt.
Rửa mắt bằng nước muối sinh lý
Sử dụng dung dịch nhỏ mắt để làm trôi dị vật - Ảnh: Canva

Nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ

Sau khi đã thực hiện các cách trên mà tình trạng vẫn không cải thiện hoặc nặng thêm thì rất có thể dị vật đã găm chặt trong mắt không thể rửa trôi bằng cách thông thường hoặc dị vật đã gây tổn thương nặng cho kết mạc, giác mạc. 

Bạn cần khám bác sĩ chuyên khoa Mắt để tìm và gắp dị vật ra, đồng thời tra thuốc chống nhiễm trùng và thúc đẩy liền kết giác mạc.

Tuyệt đối không tự ý mua các loại thuốc chống viêm tra mắt rất dễ gây biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý khi bị dị vật vào mắt

  • Không nên tự ý dùng các vật dụng như búp tre,... để lấy dị vật nhất là khi dị vật nằm trên giác mạc. Việc này có thể làm tổn thương thêm giác mạc đồng thời gia tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn và nhiễm nấm.
  • Không nhờ người khác thổi mạnh vào mắt để làm bay dị vật vì có thể bắn nước bọt và các chất bẩn vào trong mắt gây nhiễm trùng.
  • Không dụi mắt nhiều vì khi bạn dụi mắt, dị vật sẽ cọ sát trên kết giác mạc làm xước giác mạc nhiều hơn.

Mắt là một bộ phận rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, do đó bạn cần chủ động chăm sóc và phòng ngừa dị vật mắt bằng cách đeo kính khi ra ngoài, tới những nơi nhiều bụi, gió, mảnh vụn bay hoặc lao động trong môi trường có nhiều nguy cơ.

Những hướng dẫn thực hiện lấy dị vật trong mắt có thể giúp bạn xử lý kịp thời tuy nhiên cần hết sức chú ý. Vì vậy, bạn nên đến các cơ sở tế và nhận sự trợ giúp từ bác sĩ để tránh xảy ra các hậu quả đáng tiếc và bảo vệ đôi mắt của bạn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết