Lưu ý cách vệ sinh răng miệng cho bé theo từng độ tuổi

Người kiểm duyệt: - Cố vấn y khoa: - Xuất bản: 16/06/2023 - Cập nhật lần cuối: 31/12/2024
Lưu ý cách vệ sinh răng miệng cho bé theo từng độ tuổi
Lưu ý cách vệ sinh răng miệng cho bé theo từng độ tuổi - Ảnh: BookingCare
Vấn đề vệ sinh răng miệng cho trẻ nhỏ cần được quan tâm ngay từ khi còn bé để có một hàm răng khỏe mạnh. Trong bài viết dưới đây, BookingCare sẽ hướng dẫn chi tiết vệ sinh răng miệng cho bé theo từng độ tuổi.

Vấn đề vệ sinh răng miệng cho bé cần được quan tâm ngay từ nhỏ để trẻ có một hàm răng khỏe đẹp. Vậy bé từ bao nhiêu tuổi sẽ cần vệ sinh răng miệng? Nên chăm sóc răng như thế nào theo từng độ tuổi của trẻ. Bạn đọc hãy cùng BookingCare tìm hiểu các thông tin trong bài viết sau.

Độ tuổi nào bé cần vệ sinh răng miệng?

Vệ sinh răng miệng cho bé cần được các phụ huynh quan tâm càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi bé đã bắt đầu ăn dặm để hạn chế tình trạng sâu răng, cũng như hình thành cho bé thói quen giữ vệ sinh răng miệng từ nhỏ.

Hiện nay, theo chuyên gia chia sẻ, bé cần được vệ sinh răng miệng ngay từ khi dưới 1 tuổi. Tuy đây là giai đoạn mới bắt đầu mọc răng nhưng các thức ăn, sữa, bột, cháo ăn dặm còn sót lại trên lưỡi, các kẽ răng nếu không được vệ sinh sẽ là môi trường cho mảng bám, vi khuẩn hình thành.

Nên vệ sinh răng miệng cho bé từ 1 tuổi
Nên vệ sinh răng miệng cho bé từ 1 tuổi - Ảnh: Mabu dinh dưỡng

Tùy từng độ tuổi, phụ huynh sẽ thay đổi và hướng các cách vệ sinh răng miệng phù hợp cho bé. Hiện nay có nhiều phương pháp vệ sinh răng miệng ngay từ khi còn nhỏ như đánh răng, sử dụng nước súc miệng, ... Có nhiều sản phẩm phù hợp với các độ tuổi để trẻ có thể làm quen dần dần và không quá nguy hiểm khi nuốt phải.

Tại sao cần vệ sinh răng miệng cho bé ngay từ nhỏ?

Thói quen vệ sinh răng miệng sẽ giúp bé ý thực được việc chăm sóc răng miệng từ nhỏ, cần phải chăm sóc răng như thế nào để có được hàm răng trắng sạch và hạn chế các vấn đề răng miệng.

Để giúp bé phát triển răng tốt và khỏe mạnh thì quy trình, thói quen vệ sinh răng miệng càng cần được để ý và hướng dẫn cẩn thận ngay từ nhỏ. Qua đó, bé cũng tự giác hơn khi thực hiện các hoạt động vệ sinh cá nhân.

Ngay sau khi những chiếc răng đầu tiên mọc lên, nếu không được vệ sinh sạch sẽ sẽ dẫn đến tình trạng sâu răng. Trong một số trường hợp, tình trạng sâu răng nghiêm trọng có thể dẫn đến mất răng. Không bao giờ là quá sớm để khuyến khích trẻ chăm sóc sức khỏe răng miệng.

Nguy cơ nếu không vệ sinh răng miệng từ nhỏ

Sâu răng và viêm nướu là các trường hợp thường xuyên gặp ở trẻ nếu không được vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh thường bỏ qua giai đoạn vệ sinh răng sữa vì cho răng "kiểu gì bé cũng sẽ thay răng", nếu không bị sâu răng thì không cần quá lo lắng.

Răng sữa có vai trò quan trọng cho trẻ như nhai, phát âm, tạo điều kiện cho răng vĩnh viễn mọc, kích thích xương hàm phát triển. Do đó, cần chăm sóc răng miệng ngay từ khi bé mọc răng sửa để tạo điều kiện cho một hàm răng trắng khỏe phát triển sau này.

Hướng dẫn vệ sinh răng miệng cho bé theo độ tuổi

Vậy cần làm gì để tạo cho trẻ thói quen vệ sinh và chăm sóc sức khỏe răng miệng? Sự hướng dẫn từ cha mẹ và các kiến thức chia sẻ của các bác sĩ sẽ vô cùng hữu ích trong quá trình hình thành thói quen vệ sinh răng miệng cho bé.

Dưới đây là các thông tin do BookingCare chọn lọc và tổng hợp từ chia sẻ của các bác sĩ về cách vệ sinh răng miệng cho bé theo từng độ tuổi, bạn đọc có thể tham khảo.

Vệ sinh răng miệng cho bé dưới 1 tuổi

Giai đoạn bé chưa mọc răng: Thời điểm này, chủ yếu ba mẹ vệ sinh răng miệng cho bé bằng cách rơ lưỡi (làm sạch lưỡi) để tránh tưa lưỡi, sữa vón cục, vi khuẩn, nấm lưỡi.

  • Mẹ sử dụng một miếng gạc vệ sinh răng chuyên dụng hoặc vải mềm nhúng vào nước ấm sạch, hoặc nước muối sinh lý, lau nhẹ nhàng nướu trẻ 1 lần/ngày.
  • Việc làm sạch lưỡi này có thể thực hiện kết hợp trong lúc tắm.
Rơ lưỡi cho bé chưa mọc răng
Giai đoạn chưa mọc răng vẫn cần làm sạch lưỡi, vệ sinh lưỡi cho bé- Ảnh: Google

Giai đoạn bé bắt đầu mọc răng: Răng sữa mọc lên cần được làm sạch để tránh các cặn sữa còn sót lại trên răng bé và tránh sâu răng.

  • Ba mẹ dùng một bàn chải mềm (loại gắn vào đầu ngón tay) và một chiếc khăn vải mềm, sạch để vệ sinh răng miệng cho bé.
  • Nhúng bàn chải vào nước sạch hoặc nước muối sinh lý rồi chải các mặt của răng và phần nưới.
  • Dùng khăn mềm lau sạch răng và nướu của trẻ.
Chăm sóc răng cho bé mới mọc răng
Chăm sóc răng cho bé mới mọc răng - Ảnh: Nha khoa Trẻ

Ba mẹ nên kiểm tra và vệ sinh răng của bé sau khi bú hoặc trước khi đi ngủ để đảm bảo vệ sinh răng miệng cho bé. Răng lợi khỏe mạnh, bé sẽ ăn ngon miệng hơn.

Vệ sinh răng miệng cho bé 1- 3 tuổi

Từ 1 tuổi trở lên, bé thường có xu hướng bắt chước hành động của cha mẹ và mọi người xung quanh, do đó, hướng dẫn bé đánh răng đúng cách giai đoạn này sẽ giúp bé hình thành và làm quen với việc đánh răng hàng ngày.

Nếu đánh răng sai cách có thể làm tổn thương nướu, chảy máu và không thể làm sạch được răng miệng. Ngoài ra, sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển và tấn công vào răng, nướu. Chải răng quá mạnh còn có thể làm viêm nướu và tụt nướu.

Phụ huynh cần hướng dẫn bé chải răng đúng cách để hình thành thói quen
Phụ huynh cần hướng dẫn bé chải răng đúng cách để hình thành thói quen - Ảnh: Google

Ở độ tuổi này, bé có thể sử dụng kem đánh răng có chất fluoride với hàm lượng nhỏ (khoảng chừng một hạt đậu). Chất fluoride có trong kem đánh răng sẽ làm răng trẻ thêm rắn chắc. Các loại bàn chải mềm, kem đánh răng có hương vị thơm, ngọt sẽ khiến bé thích thú hơn trong quá trình tập đánh răng.

Phụ huynh nên nhắc nhở trẻ cần đánh răng 2 lần/ ngày, sáng và tối để giữ vệ sinh răng miệng. Ngoài ra, sau khi ăn cần súc miệng với nước lọc hoặc nước muối sinh lý để tránh các cặn thức ăn bị dính lại ở kỹ răng.

Vệ sinh răng miệng cho bé từ 3- 6 tuổi

Khi trẻ 3 - 6 tuổi là thời điểm bắt đầu mọc răng hàm và lần lượt thay răng, chuyển từ răng sữa sang răng vĩnh viễn. Lúc này, cha mẹ có thể cho trẻ tự đánh răng mỗi ngày dưới sự giám sát của người lớn.

Hưỡng dẫn bé đánh răng đúng cách
Hưỡng dẫn bé đánh răng đúng cách - Ảnh: Trung Tâm Y Khoa Pasteur Đà Lạt

Ngoài ra, bé cũng có thể kết hợp với việc sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để tăng hiệu quả làm sạch răng.

Lưu ý khi vệ sinh răng miệng cho bé

Dụng cụ vệ sinh răng miệng

Khi mới bắt đầu tập đánh răng, trẻ thường không thích kem đánh răng vì vị hăng cay, hoặc có khi sẽ nuốt phải kem đánh răng. Do đó, khi vệ sinh răng miệng cho bé cha mẹ nên cẩn thận và cần hướng dẫn, nhắc nhở để trẻ không nuốt kem đánh răng.

Khi chọn kem đánh răng, phụ huynh cần lưu ý một số điều sau:

  • Chọn loại kem đánh răng phù hợp với từng độ tuổi của trẻ
  • Chọn loại có công thức không đường, chứa Xylitol và Active Fluoride để chống sâu răng.
  • Chọn loại kem an toàn nếu trẻ lỡ nuốt phải.

Để chọn bàn chải không gây tổn thương cho bé những ngày đầu tập đánh răng, cha mẹ nên ưu tiên loại lông siêu mềm đủ để loại bỏ các mảng bám mà không gây trầy xước nướu.

Ngoài ra, bàn chải có đầu tròn nhỏ với cổ bàn chải dài sẽ giúp trẻ dễ xoay sở khi chải sâu tận mặt sau của răng.

Tần suất đánh răng

Cha mẹ nên khuyến khích bé vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần/ngày, sáng - tối hoặc trước - sau khi ăn và đặc biệt là trước khi ngủ.

Tuy nhiên, bé cũng không nên đánh răng ngay lập tức sau khi ăn (tốt nhất nên đợi sau 30 phút của bữa ăn).

Thời gian đánh răng từ 2-3 phút là thời gian tối thiểu để đảm bảo làm sạch mọi bề mặt răng và đủ các thao tác đánh răng đúng cách.

Tạo hứng thú cho trẻ khi vệ sinh răng miệng

Khi vệ sinh răng miệng cho bé, cha mẹ nên tạo không khí vui nhộn như kể chuyện, bật nhạc, hoặc ca hát để trẻ thích thú và nhớ đến việc vệ sinh răng miệng với tâm trạng vui vẻ, thoải mái.

Vấn đề chăm sóc răng miệng hoặc hậu quả nếu không chăm sóc răng miệng thường xuyên như sâu răng, hôi miệng,... cha mẹ cũng nên lồng vào các câu chuyện để bé dễ hiểu hơn và ghi nhớ.

Khi bé hiểu được tầm quan trọng của vệ sinh răng miệng, sẽ giúp bé nâng cao ý thức và tập luyện chải răng đúng cách và đều đặn.

Cho bé đi khám nha khoa định kỳ

Để đảm bảo việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng cho bé, cha mẹ nên đưa trẻ đến nha sĩ khi trẻ được 6 tháng tuổi để kiểm tra răng miệng. Có các trường hợp sâu răng đặc biệt do cách cho trẻ ăn (hoặc do bú bình) cần được phát hiện sớm và kịp thời có biện pháp phòng ngừa sâu răng.

Nên đưa bé đi kiểm tra răng miệng định kỳ
Nên đưa bé đi kiểm tra răng miệng định kỳ 6 tháng/ lần để hạn chế vấn đề răng miệng - Ảnh: Nha khoa Đông Nam

Định kỳ 6 tháng/ lần, gia đình nên đưa bé đi khám răng tại các phòng nha để các bác sĩ đánh giá tình trạng răng miệng, hạn chế các vấn đề về răng từ sớm, để giúp bé có 1 hàm răng chắc khỏe hơn.

Trên đây là các thông tin về cách vệ sinh răng miệng cho bé theo từng độ tuổi do BookingCare tham khảo từ chia sẻ của các chuyên gia và tổng hợp lại. Mong rằng bài viết sẽ giúp các bậc phụ huynh lưu ý hơn về vấn đề chăm sóc răng miệng của bé từ những năm đầu đời.