Mách bạn cách chữa mề đay bằng Đông y hiệu quả
Mách bạn cách chữa mề đay bằng Đông y hiệu quả
điều trị mề đay bằng Đông y
Điều trị mề đay bằng Đông y an toàn và hiệu quả - Ảnh: BookingCare

Mách bạn cách chữa mề đay bằng Đông y hiệu quả

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 08/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 16/03/2024
Mề đay là một bệnh lý thường gặp hiện nay, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân và biểu hiện bệnh lý cũng rất đa dạng. Cùng tìm hiểu các phương pháp trong Đông y chữa mề đay an toàn và mang lại hiệu quả cao.

Tình trạng nổi mề đay có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi khác nhau và gây ra không ít phiền toái cho người bệnh trong sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Mặc dù có nhiều phương pháp để điều trị, nhưng cho đến nay điều trị bằng Y học cổ truyền vẫn được đánh giá cao bởi sự an toàn, hiệu quả, bên cạnh đó còn phù hợp với nhiều lứa tuổi.

Mề đay là gì? Biểu hiện như thế nào?

Mề đay là một bệnh lý da liễu với tổn thương cơ bản là các sẩn trắng ở trung tâm, bao quanh là ban đỏ, có giới hạn rõ và ngứa dữ dội và ngứa nhiều hơn vào ban đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ, thường kèm theo cảm giác nóng, thường tập trung thành đám hoặc mảng nổi gồ trên da, đa dạng về kích thước và có thể xuất hiện mọi vùng da trên cơ thể.

Các tổn thương có thể xuất hiện và biến mất đột ngột, thường khoảng 10 đến 60 phút sau khi tiếp xúc với dị nguyên, và hết hoàn toàn trong vòng 24 giờ. Tình trạng này lặp đi lặp lại có thể kéo dài hàng tháng hàng năm và đôi khi tự khỏi mà không tìm rõ nguyên nhân.

Mề đay có thể đi kèm với phù mạch, phù mạch ở ruột có thể gây đau bụng, phù mạch ở đường thở có thể đe dọa tính mạng do phù nề niêm mạc đường thở.

Mề đay được chia thành 2 dạng chính:

  • Cấp tính: Thời gian bị bệnh kéo dài không vượt quá 6 tuần, gặp trong 70% trường hợp.
  •  Mạn tính: Thời gian bị bệnh kéo dài trên 6 tuần và có thể tái phát nhiều lần, gặp trong 30% trường hợp.

Một số căn nguyên dẫn đến mề đay như:

  • Dị ứng thức ăn, thuốc, các dị nguyên khác (phấn hoa, khói bụi, lông động vật, côn trùng, các chất tẩy rửa như xà bông, bột giặt, các loại mỹ phẩm, kem bôi, nước hoa, hương liệu...)
  • Yếu tố di truyền
  • Thứ phát sau một số bệnh lý: Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh tuyến giáp tự miễn, sau khi nhiễm kí sinh trùng, viêm gan siêu vi B, ... gây rối loạn khả năng đáp ứng miễn dịch, đề kháng của cơ thể
  • Mề đay nguyên phát không tìm ra nguyên nhân chiếm một tỷ lệ khá lớn khoảng 50%
  • Một số yếu tố làm nặng thêm hoặc cũng là yếu tố gây khởi phát như thay đổi nhiệt độ, trời quá nóng hoặc quá lạnh, các áp lực vật lý

Mề đay trong Đông y được hiểu như thế nào?

Đông y gọi tình trạng mề đay là “Phong chẩn”, “Ma chẩn”,...

Cơ chế bệnh sinh có thể hiểu như sau:

  • Khi chức năng của tạng phủ trong cơ thể suy giảm đặc biệt là can, tỳ. Can mất sơ tiết, Tỳ mất kiện vận Khiến các độc tố trong cơ thể không được thải trừ ra ngoài mà thăng lên hại Phế, Phế được coi là tạng chủ bì mao tức là da lông tóc móng, Phế hư tổn dẫn đến phát nổi ban sẩn ra da. 
  • Dinh vệ bất hòa, sức đề kháng của cơ thể giảm khiến ngoại tà xâm nhập gây tắc trở kinh lạc, khí huyết lưu thông kém, uất lại sinh nhiệt phát ra ở bì phu (da), dẫn đến nổi sẩn đỏ, ngứa.

Bệnh nguyên trong Đông y chia thành:

  • Ngoại nhân: Ngoại tà xâm nhập vào cơ thể (phong hàn, phong nhiệt,...)
  • Nội nhân: Do chính khí cơ thể suy giảm, chức năng các tạng phủ suy yếu , dinh vệ mất điều hòa, huyết hư lâu ngày sinh nhiệt mà dẫn đến phát ban sẩn ngoài da.

Cách Đông y điều trị mề đay

Dựa theo nguyên nhân gây bệnh, tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân  mà nguyên tắc điều trị mề đay trong Đông y chủ yếu gồm các pháp: tiêu độc, trừ ngoại tà, điều hòa dinh vệ, kiện Tỳ thanh Phế.   

Có thể điểm qua một số vị thuốc thường được sử dụng để điều trị mề đay sau:

  • Kinh giới: là vị thuốc điều trị mề đay hiệu quả, vị cay, tính ấm, có tác dụng tán phong tà, giải dị ứng, chữa ngứa.
  • Kim ngân hoa: thanh nhiệt giải độc, thường dùng chữa các bệnh dị ứng, nổi ban, mẩn ngứa. Ngoài ra kim ngân hoa còn có tính kháng khuẩn, ức chế một số nấm ngoài da.
  • Liên kiều: thanh nhiệt giải độc, chữa ban chẩn, mụn nhọt.
  • Bạch thược: thanh nhiệt, dưỡng âm, chống viêm, giảm ngứa.
  • Đương quy: hòa vinh, hoạt huyết, dưỡng huyết.
  • Phòng phong: phát biểu tán phong, trừ thấp.

Tùy vào tình trạng của người bệnh trên lâm sàng để gia giảm, phối hợp các vị thuốc phù hợp nhất. Bạn đọc có thể tham khảo một số bài thuốc chữa mề đay sau đây:

  • Bài thuốc 1: Điều trị mề đay cấp tính thể phong nhiệt
    • Kinh giới: 16g
    • Phòng phong 12g 
    • Kim ngân hoa: 12g
    • Đương quy: 12g
    • Huyền sâm: 12g
    • Chi tử: 12g
    • Hoàng bá: 16g
    • Cỏ mực: 16g
    • Cam thảo: 16g

Sắc uống ngày 01 thang

  • Bài thuốc 2: Điều trị mề đay cấp tính thể phong nhiệt
    • Tang diệp: 20g
    • Kim ngân hoa: 20g
    • Tang kí sinh: 16g
    • Sài hồ: 12g
    • Hoàng cầm: 12g
    • Bạch thược: 12g
    • Thạch xương bồ: 16g
    • Cam thảo: 12g
    • Cỏ mần trầu: 20g

Sắc uống ngày 01 thang

  • Bài thuốc 3: Điều trị mề đay thể phong hàn
    • Kinh giới: 16g
    • Thạch xương bồ: 16g
    • Độc hoạt: 12g
    • Tế tân: 12g
    • Hoàng bá: 12g
    • Liên kiều: 12g
    • Quế chi: 8g
    • Thiên niên kiện: 10g
    • Cam thảo: 12g

Sắc uống ngày 01 thang

Tại sao nên lựa chọn điều trị mề đay bằng Đông y?

Chữa mề đay theo Đông y là phương pháp được rất nhiều người lựa chọn bởi so với Tây y chỉ chú trọng điều trị tại chỗ để loại bỏ nhanh chóng các triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó sử dụng lâu dài thuốc Tây y cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng không mong muốn.

Điều trị bằng Đông y sẽ tập trung vào việc loại bỏ nguyên nhân gây bệnh từ trong cơ thể, nâng cao sức đề kháng, đẩy lùi dần các triệu chứng. Các phương pháp được sử dụng lành tính với da, ít gây tác dụng phụ, đặc biệt an toàn với nhiều đối tượng, kể cả phụ nữ mang thai và sau sinh.

Tuy nhiên vẫn cần được bác sĩ thăm khám kỹ càng để có thể đưa ra phương án điều trị tốt nhất.

Bên cạnh việc thăm khám bác sĩ để lựa chọn bài thuốc phù hợp, cần lưu ý một số biện pháp phòng bệnh mề đay để giảm thiểu nguy cơ bùng phát bệnh.

  • Không sử dụng các thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao đặc biệt ở những người có cơ địa dị ứng
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường xung quanh
  • Hạn chế tiếp xúc, sống trong môi trường ẩm thấp sẽ khiến da dễ kích ứng
  • Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc điều trị.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về bệnh lý mề đay và tại sao Đông y lại được lựa chọn để điều trị. Bạn cũng có thể tham khảo thêm một số bài viết liên quan đến bệnh lý phổ biến này trên website BookingCare!

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết