Hoang mang và lo sợ là tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh có con bị triệu chứng thở khò khè. Phần lớn các ba mẹ hiện nay đều chưa biết cách xử lý khi trẻ thở khò khè, vô tình khiến cho tình trạng của bé trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ.
Thở khò khè là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, phản ánh tình trạng bất thường của đường hô hấp. Phát hiện và điều trị kịp thời tình trạng này là cần thiết, giúp hạn chế tối đa những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Sau đây là chi tiết cách xử lý khi trẻ thở khò khè tại nhà an toàn, hiệu quả.
Cần đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa Nhi nếu không rõ nguyên nhân thở khò khè hoặc kèm theo bất kỳ các dấu hiệu sau: khó thở, thở nhanh, sốt trên 2 ngày, ăn bú kém, ho đàm hoặc ho kéo dài. Trong trường hợp trẻ thở mệt co lõm ngực hoặc môi tái tím, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Như vậy sẽ bảo đảm an toàn cho sức khỏe của trẻ và tránh được những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Khò khè do nhiều nguyên nhân từ mức độ nhẹ đến nặng , vì vậy trẻ cần được bác sĩ thăm khám để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh cho con, vì sẽ làm tổn thương hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.
Vệ sinh mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý cho trẻ giúp làm loãng dịch tiết và giảm đáng kể tình trạng nghẹt mũi. Đây là biện pháp hữu hiệu trong cải thiện tình trạng thở khò khè và khó thở ở trẻ.
Tình trạng khò khè của trẻ có thể nghiêm trọng hơn nếu hít phải không khí ô nhiễm, nhiều bụi bẩn. Vì vậy, việc giữ cho không gian sống sạch sẽ và trong lành cũng góp phần giảm bớt tình trạng thở khò khè trong một số trường hợp.
Dinh dưỡng cân đối trong giai đoạn trẻ bị khò khè là cần thiết hơn cả, giúp cân bằng hệ miễn dịch đẩy lùi triệu chứng. Với trẻ sơ sinh, cần duy trì chế độ ăn hoàn toàn sữa mẹ hoặc sữa mẹ và sữa công thức (ở những bà mẹ không đủ sữa) để giúp trẻ mau hồi phục.
Ở giai đoạn lớn hơn (giai đoạn bắt đầu ăn dặm), ba mẹ có thể cân nhắc bổ sung thêm các dưỡng chất dinh dưỡng khác như vitamin và khoáng chất thông qua bữa ăn dặm của con.
Trên đây là các cách xử lý khi trẻ thở khò khè mà ba mẹ nên tham khảo. Hy vọng qua thông tin trên đây sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu đúng về thở khò khè và có kế hoạch chăm sóc toàn diện cho con.