Một số phương pháp hiệu quả trong điều trị mỡ máu cao
Mỡ máu cao là tình trạng gia tăng cholesterol xấu
Một số phương pháp điều trị mỡ máu cao hiệu quả - Ảnh: BookingCare

Một số phương pháp hiệu quả trong điều trị mỡ máu cao

Tác giả: - Xuất bản: 04/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Mỡ máu cao khó có thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể khống chế được lượng cholesterol và giảm được các yếu tố nguy cơ dựa trên các phương pháp điều trị dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện,...

Điều trị mỡ máu cao như thế nào là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm. Thực tế, việc điều trị ra sao còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi của người được chẩn đoán:

  • Nếu bạn còn trẻ và không có các yếu tố nguy cơ khác thì đa phần các trường hợp, bác sĩ tư vấn bạn thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để giảm mỡ máu.
  • Nếu sau khi thay đổi lối sống (khoảng 2 - 3 tháng) mà mỡ máu không giảm hoặc vẫn tăng cao, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc.

Nội dung bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cách điều trị mỡ máu cao tại nhà và dùng thuốc để người bệnh có thể lưu ý trong quá trình chăm sóc sức khỏe. 

Một số phương pháp hiệu quả điều trị mỡ máu cao

Bệnh mỡ máu cao khó có thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát nếu áp dụng các biện pháp điều trị bao gồm: chế độ ăn được kiểm soát chặt chẽ, chế độ luyện tập thể lực hợp lý và dùng các thuốc điều chỉnh mỡ máu.

Điều trị mỡ máu cao tại nhà

Thay đổi lối sống là chìa khóa để kiểm soát chứng mỡ máu cao.

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh

Thay đổi chế độ ăn uống có thể làm giảm mức cholesterol LDL (cholesterol xấu) và tăng mức cholesterol HDL (cholesterol tốt). Dưới đây là một số thay đổi bạn có thể thực hiện:

  • Chọn chất béo lành mạnh hơn:
    • Tránh chất béo bão hòa chủ yếu có trong thịt đỏ, thịt xông khói, xúc xích và các sản phẩm từ sữa nguyên kem.
    • Chọn các loại protein nạc hơn như thịt gà, gà tây và cá khi có thể. 
    • Sử dụng chất béo lành mạnh hơn như dầu đậu nành, dầu oliu, mỡ cá, trái bơ,... 
  • Lựa chọn thực phẩm giàu omega-3: Axit béo omega-3 có nhiều lợi ích cho tim. Bạn có thể tìm thấy chúng trong một số loại cá, bao gồm cá hồi, cá thu và cá trích,... hay trong một số loại hạt như quả óc chó và hạt lanh.
  • Tăng lượng chất xơ: Chất xơ hòa tan, có trong yến mạch, cám, trái cây, đậu và rau, có thể làm giảm mức cholesterol xấu.

Duy trì cân nặng hợp lý 

Nếu bạn có trọng lượng cơ thể cao hoặc béo phì, giảm cân có thể giúp giảm mức cholesterol toàn phần.

Tập thể dục thường xuyên

Chế độ tập luyện đều đặn đóng vai trò quan trọng trong việc khống chế tốt lipid máu. Luyện tập thể dục vừa đúng với sức mình, phải tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày một cách đều đặn hằng ngày hoặc ít nhất 3 lần/tuần. Mức độ tập luyện tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe.

Bỏ các thói quen xấu

Nên bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu bởi nó ảnh hưởng xấu tới tình trạng rối loạn mỡ máu và gây hại tới các cơ quan khác trong cơ thể.

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp cải thiện tình trạng mỡ máu cao
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp cải thiện tình trạng mỡ máu cao - Ảnh: Freepik

Dùng thuốc điều trị mỡ máu cao 

Đối với một số người, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể đủ để đưa mức cholesterol về mức. Tuy nhiên, có trường hợp người bệnh cần sử dụng thuốc. 

Bác sĩ thường sẽ chỉ định các nhóm thuốc statin, ví dụ như simvastatin, lovastatin, atorvastatinm và rosuvastatin. Những loại thuốc này giúp làm giảm lượng cholesterol mà gan sản xuất.

Những người không đạt được nồng độ cholesterol mục tiêu sau khi sử dụng statin có thể sẽ cần liều statin cao hơn hay dùng thêm các thuốc khác. Các thuốc khác bao gồm ezetimibe và ít gặp hơn là fibrate hay niacin.

Người bệnh cần tuân thủ điều trị thuốc theo đơn của bác sỹ. Không nên tự ý tăng liều hoặc bỏ uống thuốc. Điều trị rối loạn mỡ máu cần kiên trì trong thời gian dài.

Mỡ máu cao sẽ rất nghiêm trọng nếu không được kiểm soát, có thể tạo điều kiện cho mảng bám tích tụ bên trong mạch máu của cơ thể (xơ vữa động mạch). Điều này có thể gây ra các biến chứng như cơn đau thắt ngực, đột quỵ. Người bệnh do vậy cần chú ý kết hợp điều trị tại nhà và dùng thuốc (nếu cần), thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết