Ngủ dậy bị chóng mặt là một hiện tượng có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Việc nắm bắt được nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng này và những cách khắc phục bước đầu giúp người bệnh xử lý tình huống và có những biện pháp hiệu quả để cải thiện triệu chứng.
Nguyên nhân ngủ dậy bị chóng mặt
Chóng mặt khi thức dậy là hiện tượng phổ biến với nhiều người khi chuyển tư thế từ nằm hoặc ngồi sang đứng đột ngột xuất hiện những cơn choáng váng kèm theo. Các triệu chứng này có thể xuất phát từ các lý do như:
Hạ huyết áp
Một nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng ngủ dậy bị chóng mặt là tình trạng huyết áp thấp. Khi ngủ huyết áp có thể giảm xuống, khi tỉnh dậy cơ thể cần thời gian để điều chỉnh lại mức huyết áp. Nếu có tác động đột ngột lên quá trình này có thể sinh ra hiện tượng chóng mặt bất thường.
Thiếu ngủ
Chất lượng giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến triệu chứng chóng mặt khi ngủ dậy. Nếu bạn thiếu ngủ hoặc ngủ không sâu, cơ thể không được nghỉ ngơi và phục hồi đầy đủ có thể ảnh hưởng đến khả năng duy trì thăng bằng, gây ra hiện tượng chóng mặt khi tỉnh dậy.
Chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là tình trạng người bệnh ngừng hô hấp trong một số thời điểm của giấc ngủ. Những gián đoạn trong quá trình hô hấp có thể dẫn đến mức độ oxy thấp, gây ra chóng mặt vào buổi sáng khi thức dậy.
Rối loạn hệ thống tiền đình
Hệ tiền đình có chức năng duy trì thăng bằng và sự ổn định của cơ thể khi thay đổi tư thế. Khi hệ thống cân bằng gặp vấn đề (các vấn đề bệnh lý hoặc một số tác động vật lý lên tai, dây thần kinh…) có thể dẫn đến triệu chứng chóng mặt khi ngủ dậy.
Các loại thuốc
Một số loại thuốc như: thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc hạ huyết áp hoặc thuốc an thần… chứa các hoạt chất có thể ảnh hưởng đến chức năng của hệ thần kinh. Việc sử dụng các loại thuốc này trước khi đi ngủ làm tăng nguy cơ chóng mặt khi ngủ dậy.
Mất nước
Nếu không cung cấp đủ nước khi bị sốt, nôn mửa, không uống đủ nước, tiêu chảy nặng và tập thể dục gắng sức trước khi ngủ… có thể xuất hiện tình trạng chóng mặt khi ngủ dậy. Thiếu nước khiến thể tích hồng cầu trong máu giảm xuống ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy cho các cơ quan trong cơ thể.
Cách giảm triệu chứng chóng mặt khi ngủ dậy
Khi gặp hiện tượng chóng mặt sau khi ngủ dậy, có thể áp dụng một số cách sơ cứu và làm giảm triệu chứng tại nhà như:
- Tránh đứng dậy quá nhanh và đột ngột; chuyển động chậm rãi và nhẹ nhàng giúp cơ thể dần thích nghi một cách ổn định.
- Có thể sử dụng gối (cao khoảng 45 độ) để nâng đỡ phần lưng trên, cổ và đầu khi ngủ giúp cải thiện chứng chóng mặt.
- Tránh ngủ nghiêng, hạn chế tác động lên tai và dây thần kinh ngoại biên khi hoạt động.
- Tránh các hoạt động như nằm đọc sách, xem TV, sử dụng điện thoại hoặc tiếp xúc với ánh sáng mạnh trước khi ngủ.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích (cafein, thuốc lá, rượu, bia…) ảnh hưởng đến hệ thần kinh trước khi đi ngủ.
- Tới cơ sở y tế nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc nghi ngờ do tác dụng phụ của thuốc để được bác sĩ thăm khám và chỉ định điều trị phù hợp.
Ngủ dậy bị chóng mặt là một vấn đề phổ biến và có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Bằng cách hiểu về nguyên nhân và áp dụng các biện pháp sơ cứu đơn giản, bạn đọc có thể cải thiện các triệu chứng và duy trì sức khỏe ổn định.