Nguyên nhân gây bệnh Basedow là do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, các kháng thể tấn công các tế bào tuyến giáp khỏe mạnh của cơ thể và làm tăng sản xuất hormon tuyến giáp. Bệnh dễ dàng điều trị nếu người bệnh phát hiện các triệu chứng bất thường và đi khám ngay.
Nguyên nhân gây bệnh Basedow
Bệnh Basedow có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở tuổi trung niên 21 - 40, nữ gặp nhiều hơn nam (tỷ lệ nữ/nam là 9/1).
Bệnh sinh của bệnh Basedow là cơ chế tự miễn dịch. Rối loạn tự miễn này xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào mô khỏe mạnh. Hệ thống miễn dịch thường tạo ra các kháng thể chống lại các vật chất lạ (ví dụ vi khuẩn, virus, độc tố) trong cơ thể. Kháng thể có thể trực tiếp tiêu diệt vi sinh vật hoặc bao bọc chúng để chúng dễ dàng bị phá hủy bởi các tế bào bạch cầu.
Trong bệnh basedow, hệ thống miễn dịch tạo ra một kháng thể bất thường được gọi là immunoglobulin kích thích tuyến giáp. Kháng thể này bắt chước chức năng của hormone kích thích tuyến giáp bình thường. Nó bám vào bề mặt các tế bào tuyến giáp khỏe mạnh và làm cho tuyến giáp hoạt động quá mức dẫn đến việc sản xuất quá mức hormone. Việc sản xuất quá mức này có thể dẫn đến các triệu chứng bệnh Basedow: Tuyến giáp to, mắt lồi, nhịp tim tăng, cảm giác hồi hộp và đánh trống ngực…
Yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Basedow
Bên cạnh nguyên nhân chính rối loạn tự miễn dịch thì một số yếu tố khác cũng góp phần vào sự phát triển cũng như tăng nguy cơ mắc bệnh basedow.
- Thai nghén: Mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn tự miễn này. Đặc biệt là ở những phụ nữ có gen có thể tạo ra kháng thể kháng giáp. Ở giai đoạn tuần thứ 10 - 12 của thai kỳ, nồng độ beta HCG trong máu phụ nữ tăng cao làm tăng nồng độ T3, T4 và giảm nồng độ TSH. Kết quả là HCG có thể gây kích thích tuyến giáp và gây nên bệnh Basedow. Những bệnh nhân có tình trạng nghén thai kỳ nặng được cho là có nồng độ Beta HCG cao hơn phụ nữ mang thai khác.
- Dùng nhiều iod: Có thể iod làm khởi phát bệnh Basedow tiềm tàng.
- Dùng lithium làm thay đổi đáp ứng miễn dịch.
- Ngừng corticoid đột ngột: có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh Basedow.
- Hút thuốc và hút thuốc thụ động: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh Basedow và bệnh mắt Basedow.
- Liên quan di truyền: Bệnh Basedow có liên quan đến một số gen có thể tạo ra tự kháng thể kháng giáp trong máu, do đó ai có người thân mắc bệnh này thì tỉ lệ mắc bệnh người đó cao hơn. Theo thống kê có khoảng 15% bệnh nhân có người thân mắc bệnh Basedow.
Nguyên nhân chính gây ra bệnh Basedow là do sự rối loạn tự miễn của cơ thể do đó không có biện pháp phòng tránh bệnh. Ngoài ra còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể dự phòng được như: Hạn chế ăn nhiều thực phẩm có chứa iod, ăn ít muối iod, ngưng thuốc corticoid theo đúng chỉ định của bác sĩ, điều trị bệnh dứt điểm trước khi mang thai, tránh hút thuốc và hút thuốc thụ động.