Bệnh Basedow – tên bệnh được đặt theo tên của bác sĩ người Đức Karl Adolph von Basedow lần đầu tiên mô tả vào năm 1840. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở tuổi trung niên 21 - 40 tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam gấp 9 lần. Sau một thời gian dài tìm hiểu về cơ chế bệnh sinh và điều trị bệnh Basedow, ngày nay người ta có thể kết luận rằng đây là bệnh tự miễn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh Basedow
Hiện nay chưa xác định được nguyên nhân bệnh Basedow, tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ như: Gen di truyền , nhiễm trùng, tuổi tác, giới tính, cơ địa, môi trường sống, thực phẩm dùng hằng ngày.
- Di truyền: Trong gia đình nếu có ba hoặc mẹ có bệnh lý ở tuyến giáp như bướu giáp, Basedow thì con cái rất dễ mắc bệnh Basedow. Khả năng mắc bệnh Basedow cũng sẽ cao hơn nếu trong gia đình có người bị thiếu máu Biermer, đái tháo đường type 1, bệnh Addison, bệnh nhược cơ, viêm khớp dạng thấp, giảm tiểu cầu vô căn, hội chứng Sjogren.
- Tuổi, giới tính: Bệnh chủ yếu gặp ở tuổi trung niên 21 - 40 tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam gấp 9 lần. Nữ giới phải trải qua nhiều cột mốc khiến hormon thay đổi, ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp. Các giai đoạn khiến cơ thể nữ giới thay đổi nội tiết tố gồm: dậy thì, kinh nguyệt, mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh và mãn kinh. Như vậy thay đổi hormone là nguyên nhân khiến tuyến giáp bị ảnh hưởng.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa iod có thể dẫn đến rối loạn chức năng tuyến giáp. Thực phẩm giàu iod gồm các loại hải sản như tảo biển, hàu, cá hồng. Cá hồi đóng hộp, bánh mì, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua cũng chứa iod.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Basedow
Triệu chứng của Basedow là cường giáp, do tăng sản xuất quá mức các hormone tuyến giáp. Khi bị cường giáp, bệnh nhân có thẻ có các triệu chứng bất thường như sau:
- Gầy sút cân
- Tính tình thay đổi, hay bồn chồn, cáu gắt, rối loạn giấc ngủ
- Trạng thái hồi hộp, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng
- Run đầu chi
- Da nóng ẩm, tăng nhẹ nhiệt độ cơ thể
- Rối loạn tiêu hóa, đi ngoài thường xuyên mà không kèm theo đau quặn bụng
- Suy giảm ham muốn tình dục
- Rối loạn kinh nguyệt
- Viêm và sưng nề các mô quanh mắt, gây lồi mắt hay còn gọi là bệnh mắt Basedow
- Tuyến giáp to lan tỏa ở các mức độ khác nhau
- Một số triệu chứng ít gặp là xuất hiện các nốt mẩn đỏ ở da mặt trước vùng cẳng chân
- Phù niêm thường xuất hiện ở mặt trước cẳng chân, dưới đầu gối
- Các đầu chi sưng to: Đầu các ngón tay và các ngón chân biến dạng, sưng to, thậm chí có thể bị tiêu móng.
Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể, một khi hoạt động tuyến giáp bị rối loạn không những gây ra các biểu hiện tại giáp mà còn có các biểu hiện toàn thân.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh Basedow
Bệnh Basedow hiếm khi đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng các bệnh về tim mạch, về mắt như lồi mắt…..
- Người bệnh Basedow thường có triệu chứng gia tăng nhịp tim lên tới 100 lần/ phút (người khoẻ mạnh bình thường khoảng 60- 80 nhịp/ phút). Tình trạng này kéo dài lâu ngày chính là nguyên nhân gây rung nhĩ, suy tim, đe dọa tính mạch bệnh nhân
- Cơn bão giáp hay còn được gọi là cơn cường giáp kịch phát là tình trạng vô cùng nguy hiểm cho người bệnh Basedow. Khi này, người bệnh sốt cao, tim đập nhanh, tụt huyết áp và có thể dẫn tới gây tử vong.
- Bệnh Basedow còn có thể gây một số tổn thương về xương cùng với sự sụt cân nhanh chóng, gây suy nhược cơ thể nghiêm trọng, ảnh hưởng cực lớn tới sinh hoạt và đời sống của người bệnh.
Nếu phát hiện có các dấu hiệu của bệnh Basedow, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời, liên tục tránh các biến chứng nguy hiểm. Tỉ lệ chữa khỏi bệnh Basedow có thể đạt cao nhất 70% nếu người bệnh được phát hiện sớm và thực hiện đầy đủ các phương pháp điều trị bệnh của bác sĩ.
Chẩn đoán bệnh Basedow
Để chẩn đoán xác định một người có thực sự mắc bệnh Basedow hay không bác sĩ cần dựa vào khám lâm sàng, hỏi các triệu chứng bệnh và chỉ định các cận lâm sàng hỗ trợ.
- Định lượng hormon tuyến giáp: FT4 Tăng, một số bệnh nhân ở giai đoạn sớm chỉ có FT3 tăng.
- Định lượng nồng độ TSH trong máu: TSH giảm
- Nồng độ kháng thể TSH-RAb tăng
- Xạ hình tuyến giáp cho hình ảnh tuyến giáp tăng bắt giữ iod phóng xạ hoặc Technitium.
- Siêu âm tuyến giáp: Kích thước tuyến giáp tăng, cấu trúc giảm âm không đồng nhất, có thể thấy những ổ giảm âm nhỏ. Siêu âm Doppler màu có thể thấy hình ảnh cấu trúc tuyến giáp hỗn loạn như hình ảnh đám cháy trong thời kỳ tâm thu và tâm trương với các mạch máu giãn trong tuyến giáp.
- Độ tập trung I131 tại tuyến giáp sau 24 giờ tăng cao hơn bình thường, giai đoạn bệnh toàn phát có góc thoát (góc chạy). Lưu ý một số thuốc kháng giáp cũng gây hiện tượng này (nhóm carbimazol). Nên đánh giá vào các thời điểm 4, 6 và 24 giờ.
Phương pháp điều trị bệnh Basedow hiện nay
Bệnh Basedow hoàn toàn có thể chữa được và người bệnh có thể kéo dài tuổi sống như người khỏe mạnh, đồng thời tránh được các biến chứng nguy hiểm do basedow gây ra nếu được phát hiện và điều trị kịp thời với 3 phương pháp điều trị chính: Điều trị nội khoa (dùng thuốc kháng giáp tổng hợp), xạ trị iod -131 và phẫu thuật.
Mỗi phương pháp đều có ưu - nhược điểm riêng. Tùy vào từng tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Điều trị bệnh Basedow bằng thuốc kháng giáp tổng hợp
Đây là biện pháp điều trị được ưu tiên, bởi biện pháp này hữu hiệu, tỷ lệ lui bệnh cao, ít gây suy giáp trường diễn. Đồng thời cũng ít ảnh hưởng đến thể chất, trí tuệ của bệnh nhân so với điều trị xạ hoặc phẫu thuật.
Trong các thuốc điều trị Basedow thì các thuốc kháng giáp tổng hợp vẫn là loại thuốc căn bản hàng đầu. Các thuốc khác chỉ có vai trò hỗ trợ cho điều trị đạt kết quả tốt hơn.
- Thuốc kháng giáp tổng hợp bao gồm: Methylthiouracil (MTU), propylthiouracil (PTU), neomercazole…
- Thuốc có tác dụng làm giảm hormone giáp theo hai cơ chế: Nội giáp và ngoại giáp.
- Thuốc chẹn beta giao cảm: Do các hormone của tuyến giáp làm ảnh hưởng đến tim, nên thuốc chẹn beta giao cảm được sử dụng cùng với thuốc kháng giáp tổng hợp trong điều trị bệnh Basedow ở giai đoạn tấn công. Điều này sẽ có tác dụng tốt trên hệ tim mạch, khống chế được các triệu chứng cường giao cảm như: Run tay, đổ mồ hôi, lo lắng… ở bệnh nhân Basedow.
- Thuốc corticoid: Ở một số bệnh nhân Basedow, có thể được sử dụng corticoid để ức chế miễn dịch, giảm sản xuất các kháng thể, giảm hiệu quả sinh học của các hormone tuyến giáp.
Xạ trị iod -131 điều trị bệnh Basedow
Có thể coi điều trị iod - 131 như một phẫu thuật tuyến giáp chọn lọc, tác dụng vào các tế bào ưa iod của tuyến giáp. Mục đích điều trị Basedow bằng iod - 131 là làm cho bướu giáp nhỏ lại, đưa chức năng tuyến giáp từ cường giáp trở về bình giáp. Chống chỉ định phương pháp này với trẻ em và phụ nữ có thai hoặc cho con bú.
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp để điều trị bệnh Basedow
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp được thực hiện khi bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp nội khoa từ 4 - 6 tháng mà không duy trì được bình giáp khi ngừng thuốc. Hoặc tình trạng cường giáp tuy ổn định nhưng bướu giáp không nhỏ lại. Hoặc bướu giáp to gây mất thẩm mỹ, có các biểu hiện chèn ép gây khó thở; người bệnh không có điều kiện điều trị nội khoa…
Nguyên tắc của phẫu thuật Basedow là tiến hành phẫu thuật cắt bỏ gần hết tuyến giáp, chỉ giữ lại một lượng vừa đủ để đạt được trạng thái bình giáp, tránh cường giáp tái phát hoặc suy giáp sau mổ.
Chăm sóc người bệnh Basedow
Bệnh Basedow hoàn toàn có thể chữa được do đó người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái và suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng mệt mỏi. Ngoài ra, người bệnh cần phải:
- Không hút thuốc lá, tránh hít phải khói thuốc lá
- Đeo kính bảo vệ mắt khỏi bụi, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày để tránh bị khô mắt. Nằm đầu cao khi ngủ có thể giúp giảm tình trạng phù quanh mắt. Luyện tập những cơ ngoài mắt có thể phòng được chứng song thị.
- Khi có tình trạng nhắm mắt không kín thì nên sử dụng những miếng che mắt ít dị ứng khi ngủ. Nên khám mắt thường xuyên để phát hiện tình trạng tấy đỏ hoặc loét giác mạc.
- Không sờ nắn nhiều lên vùng cổ
- Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều iod, ăn chế độ ăn giàu năng lượng, protein, carbohydrate và nên uống nhiều nước, nên cung cấp thêm vitamin và chất khoáng đặc biệt vitamin tan trong nước.
- Nếu tiêu chảy, co thắt hoặc tăng nhu động ruột thì nên ăn nhiều bữa với lượng ít thức ăn. Bệnh nhân tránh ăn thức ăn có nhiều chất xơ và chất tạo hơi. Nên theo dõi trọng lượng cơ thể đều đặn.
- Sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.
Bệnh Basedow là bệnh lý liên quan trực tiếp tới rối loạn tự miễn liên quan đến sự nhạy cảm của tế bào lympho T với các kháng nguyên nằm trong tuyến giáp nên bệnh Basedow không lây. Chỉ khi nào nguyên nhân Basedow được loại bỏ (cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp) thì bệnh mới không tái phát. Ngoài ra còn có thể dự phòng bệnh tái phát bằng cách dùng thuốc kháng giáp và chế độ kiêng khem theo hướng dẫn của bác sĩ.