Nguyên nhân căng cơ bắp chân và cách giảm căng cơ
Nguyên nhân căng cơ bắp chân và cách giảm căng cơ
Căng cơ bắp chân
Căng cơ bắp chân là tình trạng phổ biến, gây ra căng cứng, đau, khó chịu - Ảnh: BookingCare

Nguyên nhân căng cơ bắp chân và cách giảm căng cơ

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 05/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 05/01/2024
Bất cứ ai cũng có thể bị căng cơ bắp chân, thông thường đây không phải vấn đề sức khỏe quá nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu cơn đau dữ dội hoặc liên tục mà không có nguyên nhân rõ ràng, có thể là do vấn đề về mạch máu.

Căng cơ bắp chân có thể gây ra tình trạng căng cứng, đau, khó chịu, hạn chế khả năng linh hoạt và khiến bạn không thể vận động bình thường. Nếu bạn bị căng cơ bắp chân, hãy thử một số cách giảm căng cơ dưới đây nhưng nên lưu ý sắp xếp thăm khám bác sĩ để loại trừ nguyên nhân nghiêm trọng hơn.

Triệu chứng căng cơ bắp chân

Các triệu chứng mà mỗi người trải qua khi căng cơ bắp chân có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân.

Nếu căng cơ gây co cứng, bạn có thể cảm thấy trạng thái từ khó chịu nhẹ đến đau nghiêm trọng. Có thể cảm nhận cơ cứng khi chạm vào và thậm chí co giật dưới da. Tình trạng co cứng có thể kéo dài từ vài giây đến 15 phút hoặc đôi khi lâu hơn.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Đau đột ngột ở phía sau bắp chân hoặc phía sau đầu gối 
  • Khó đứng nhón chân
  • Đau, sưng hoặc bầm tím
  • Đau, đặc biệt khi có áp lực/sức nặng lên vùng cơ bắp. 

Nguyên nhân bị căng cơ bắp chân

Căng cơ bắp chân phổ biến hơn ở các vận động viên hoặc những người tập thể dục có thể gây căng thẳng quá mức cho cơ bắp chân. Những người trên 65 tuổi cũng có nguy cơ bị căng cơ bắp chân do yếu cơ, hạn chế vận động và một số tình trạng sức khỏe nhất định.

Nhìn chung, nếu bạn bị đau khi thực hiện các hoạt động thể chất như đi bộ hoặc chạy,... nguyên nhân thường là do cơ bắp chân do hoạt động quá sức. Nhưng nếu tình trạng căng cơ bắp chân với cơn đau nhói xuất hiện đột ngột mà không có nguyên nhân rõ ràng, có thể do vấn đề về mạch máu và một số tình trạng khác:

  • Bệnh mạch máu ngoại vi: rối loạn lưu thông máu do động mạch bị thu hẹp, tắc nghẽn hoặc co thắt, làm giảm lưu lượng máu đến các chi. 
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu: là tình trạng cục máu đông hiện diện trong một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu trong cơ thể, thường là ở chân. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây ra đau chân. 
  • Viêm gân: Gân là bộ phận nối giữa xương và cơ. Viêm gân có thể gây áp lực lên cơ bắp chân.
  • Mất cân bằng dinh dưỡng: Một người không hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống có thể bị đau nhức cơ bắp. 
  • Thiếu nước: Nước giúp cơ bắp co lại và thư giãn, cơ thể thiếu nước có thể gây căng thẳng cho cơ.
  • Tác dụng phụ của một số loại như thuốc giảm cholesterol.

Cách xử trí khi bị căng cơ bắp chân

Thực hiện phương pháp RICE

RICE là viết tắt của 4 từ tiếng Anh là: Rest - Nghỉ ngơi, Ice  - Chườm đá, Compression - Băng ép và Elevation - Kê cao vị trí chấn thương.

RICE là phương pháp tốt cho việc điều trị ngay lập tức các vấn đề về cơ trong 48 đến 72 giờ đầu tiên sau khi bạn nhận thấy sự căng thẳng và đau. 

Sau khi chấn thương, bạn nên hạn chế vận động ở vùng bị thương. Hãy chườm lạnh trong vòng 20 phút sau mỗi hai giờ. Băng bó có thể giúp kiểm soát chảy máu và sưng tấy. Kê cao vị trí chấn thương, đặc biệt là khi nằm có thể giúp giảm sưng tấy.

Sử dụng thuốc không kê đơn

Các loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể giảm nhẹ tạm thời triệu chứng đau: Ibuprofen (Advil, Motrin IB) hoặc Naproxen (Aleve).

Vật lý trị liệu

Với tình trạng căng cơ mãn tính, bạn có thể được tư vấn thực hiện vật lý trị liệu. Bác sĩ vật lý trị liệu có thể hướng dẫn các bài tập và liệu pháp tùy chỉnh khác nhau để giúp giảm đau hoặc cân bằng cơ.

Hầu hết, người bị căng cơ bắp chân không cần phẫu thuật. Trong một số ít trường hợp, phẫu thuật sẽ được thực hiện khi cơ bắp chân bị rách, cục máu đông hoặc động mạch bị tắc ở bắp chân.

Căng cơ bắp chân là tình trạng phổ biến, không nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng. Nhưng đôi khi đau ở bắp chân có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như các vấn đề về mạch máu ở chân.

Bạn đọc nên lưu ý các triệu chứng và thăm khám nếu thấy cơn đau phát triển ngay cả khi nghỉ ngơi. Đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn cần được chẩn đoán kịp thời. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare