Nguyên nhân gây mụn trứng cá
Nguyên nhân gây mụn trứng cá
Nguyên nhân gây mụn trứng cá - Ảnh: BookingCare

Nguyên nhân gây mụn trứng cá

Tác giả: - Xuất bản: 25/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Mụn trứng cá là bệnh da liễu vô cùng phổ biến. Khoảng 80% trường hợp trứng cá gặp ở tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt giai đoạn dậy thì.

Mụn trứng cá dù không ảnh hưởng đến tính mạng tuy nhiên bệnh thường kéo dài dai dẳng, để lại nhiều thâm và sẹo ở vùng mặt ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống.

Hiểu được nguyên nhân gây mụn trứng cá sẽ là một trong những bước quan trọng để có thể ngăn ngừa và điều trị tình trạng này hiệu quả. Cùng BookingCare tìm hiểu chi tiết ngay trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây mụn trứng cá

Nguyên nhân của bệnh trứng cá cũng khá phức tạp, có liên quan tới nhiều yếu tố như nội tiết, tiêu hoá đặc biệt là tuyến sinh dục… Ngoài ra, trứng cá có thể do một số thức ăn, thuốc hoặc do tiếp xúc với một số hoá chất không phù hợp,...

Nhìn chung, mụn trứng cá được hình thành dưới tác động của 4 yếu tố chính. Đó là tăng sản xuất chất bã, sừng hóa cổ nang lông và vai trò của vi khuẩn Propionibacterium acnes và sự viêm nhiễm.

Tăng tiết chất bã

Tuyến bã chịu sự điều tiết hoạt động của các hormon, đặc biệt là hormon sinh dục nam Dihydrotestosteron (DHT), các hormon này kích thích tuyến bã hoạt động mạnh và phát triển thể tích làm tăng bài tiết chất bã lên nhiều lần.

Sừng hóa cổ nang lông

Cổ nang lông tuyến bã bị sừng hóa làm ống bài xuất tuyến bã bị hẹp lại, chất bã không thoát ra ngoài được nên bị ứ đọng lại trong lòng tuyến bã, lâu ngày bị cô đặc lại hình thành nhân trứng cá.

Nguyên nhân của sự dầy sừng này là do tác dụng kích thích của chất bã lên thành nang lông và sự thay đổi trong bản mẫu của quá trình sừng hoá trong lòng nang lông. Ngoài ra, một số yếu tố ngoại cảnh như nóng ẩm, khói bụi … hay các chất như sinh diêm, mỹ phẩm có nhiều chất béo tạo ra sự ứ đọng chất bã, làm bít tắc lỗ chân lông.

Sự gia tăng hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes)

Bình thường P. acnes cư trú ở da một cách vô hại. Khi các lỗ nang lông bị ứ lại, các chất bã và tế bào chết sẽ tạo nên môi trường kỵ khí và P. acnes có thể phát triển, trở nên gây bệnh.

Sự viêm nhiễm

Sự viêm nhiễm đây là hậu quả của những hiện tượng trên làm da ửng đỏ và viêm nhiễm. Chất béo, axit béo, tế bào sừng (đã chết), vi khuẩn và các mảnh tế bào được giải phóng, tạo thành các vết viêm nhiễm rộng và sâu ở các mô lân cận.

Mụn trứng cá thường xuất hiện ở mặt, trán, ngực, lưng trên và vai vì những vùng da này có nhiều tuyến dầu (bã nhờn) nhất. 

Một số yếu tố khác liên quan đến hình thành mụn trứng cá

  • Tuổi: trứng cá thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên, 90% trường hợp ở lứa tuổi 13-19, sau đó bệnh giảm dần. Tuy nhiên cũng có trường hợp mụn trứng cá bắt đầu ở tuổi 20-30 hoặc muộn hơn, thậm chí tới tuổi 50-59.
  • Giới tính: Mụn trứng cá gặp ở nữ nhiều hơn nam, tỷ lệ nữ/nam gần bằng 2/1, nhưng bệnh  ở nam thường nặng hơn ở nữ.
  • Yếu tố gia đình có ảnh hưởng rõ rệt đến bệnh trứng cá. Theo Goulden, cứ 100 bệnh nhân bị trứng cá thì 50% có tiền sử gia đình.
  • Yếu tố thời tiết, chủng tộc: khí hậu nóng ẩm, hanh khô liên quan đến bệnh
    trứng cá; người da trắng và da vàng bị bệnh trứng cá nhiều hơn người da đen.
  • Yếu tố nghề nghiệp: Những người tiếp xúc với dầu mỡ, với ánh nắng nhiều…làm tăng khả năng bị bệnh.
  • Yếu tố stress: có thể gây nên bệnh hoặc làm tăng nặng bệnh trứng cá.
  • Chế độ ăn: một số thức ăn có thể làm tăng bệnh trứng cá như đồ ngọt, sô-cô-la, đường, bơ, cà phê… và đồ chiên rán nhiều dầu mỡ.
  • Các bệnh nội tiết: một số bệnh như Cushing, bệnh cường giáp trạng, bệnh buồng trứng đa nang…làm tăng trứng cá.
  • Thuốc: một số thuốc làm tăng trứng cá, trong đó thường gặp là corticoid, isoniazid, thuốc có nhóm halogen, androgen (testosteron), lithium…
  • Một số nguyên nhân tại chỗ: vệ sinh da mặt, chà xát, nặn bóp không đúng phương pháp, trang điểm thường xuyên và lạm dụng mỹ phẩm làm ảnh hưởng đến bệnh trứng cá.

Tuy mụn trứng cá có thể gây nhiều phiền toái, nhưng bạn đọc không nên lo lắng quá mức. Hãy luôn giữ vững thói quen làm sạch da đúng cách, duy trì lối sống lành mạnh, và tìm kiếm sự tư vấn, giúp đỡ từ các bác sĩ Da liễu nếu cần thiết.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết