Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm - Biết để phòng ngừa
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm - Biết để phòng ngừa
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm
Tìm hiểu nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm - Ảnh: BookingCare

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm - Biết để phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 27/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 27/11/2023
Nguyên nhân chính gây thoát vị đĩa đệm là do quá trình lão hóa của cơ thể, ngoài ra cũng có các yếu tố khác làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.

Thoát vị đĩa đệm thường là kết quả của nhiều nguyên nhân, trong đó hay gặp nhất là do thoái hóa đĩa đệm liên quan đến tuổi tác. Khi lớn tuổi, đĩa đệm bị mất nước, trở nên giảm đàn hồi và dễ bị rách ngay cả khi gặp một sức ép nhỏ. Bài viết dưới đây sẽ mô tả chi tiết về nguyên nhân, các yếu tố khiến tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.

Cấu tạo đĩa đệm và thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý cột sống thường gặp. Cột sống có chức năng vô cùng quan trọng là trụ cột để chống đỡ sức nặng của trọng lượng cơ thể. Cột sống có cấu tạo gồm 32 - 34 đốt sống, kéo dài từ đáy hộp sọ đến xương cụt. Giữa các đốt sống được ngăn cách bởi các đĩa đệm. 

Mỗi đĩa đệm dày khoảng 3mm, được cấu tạo bởi các bao xơ (vòng sợi), mâm sụn và nhân nhầy. Đĩa đệm có vai trò như hệ thống đệm giữa các thân đốt sống, cho phép bạn uốn cong và di chuyển dễ dàng.

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra ngoài và chèn ép vào rễ thần kinh, tủy sống hay nói cách khác nó là tình trạng đĩa đệm bị phồng và rời khỏi vị trí bình thường, giữa các đốt sống.

Cấu tạo đĩa đệm
Mỗi đĩa đệm dày khoảng 3mm, được cấu tạo bởi các bao xơ (vòng sợi), mâm sụn và nhân nhầy - Ảnh: medicalnewstoday.com

Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm

Có rất nhiều nguyên nhân khiến nhân nhầy thoát ra ngoài (thoát vị đĩa đệm). Trong đó, nguyên nhân chính là do quá trình lão hóa của cơ thể. Càng lớn tuổi thì đĩa đệm càng mất nước, dễ bị bào mòn và tổn thương, tạo điều kiện thuận lợi để đĩa đệm thoát vị ra ngoài.

Thoát vị đĩa đệm có thể diễn ra từ từ do quá trình lão hóa của cơ thể hoặc khởi phát đột ngột sau một động tác cúi, nghiêng hoặc ưỡn cổ quá mức, mạnh và đột ngột (động tác gập, ưỡn có quá mức trong một số bài tập Yoga, tập gym sai cách,...)

Ngoài ra có các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm bao gồm:

  • Nghề nghiệp: Những người làm công việc đòi hỏi sức lao động nhiều có nguy cơ mắc các vấn đề về lưng. Việc nâng, kéo, đẩy, uốn cong và xoay cũng có thể tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
  • Cân nặng: Cơ thể thừa cân gây áp lực thêm lên các đĩa đệm ở lưng dưới.
  • Di truyền: Nếu bố mẹ có đĩa đệm yếu do bất thường về cấu trúc thì con cái cũng dễ bị thoát vị đĩa đệm.
  • Hút thuốc: Hút thuốc được cho là giảm cung cấp oxy cho các đĩa đệm, đẩy nhanh quá trình thoái hóa đĩa đệm. 
  • Ngồi lâu một tư thế, lười vận động: Khi ngồi quá lâu, trọng lượng nửa trên cơ thể sẽ dồn về cột sống, trong đó cổ, lưng, đốt sống, thắt lưng là những điểm chịu áp lực lớn nhất. Khi vùng đốt sống bị đè nặng nhiều làm tăng áp lực lâu dần cũng dễ bị thoát vị đĩa đệm.

Như đã chia sẻ trên, nguyên nhân chính gây thoát vị đĩa đệm là do quá trình lão hóa của cơ thể, tuy nhiên độ tuổi của bệnh nhân thoát vị đĩa đệm ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm ở người trẻ thường đến từ xu hướng tính chất lao động và sinh hoạt thay đổi như: làm văn phòng, ngồi nhiều, ít vận động hay các thói quen sai tư thế,...

Ngược lại, nếu vận động quá mức trong tuần suất liên tục và sai cách cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý thoát vị đĩa đệm. Có thể kể đến những trường hợp người trẻ bị thoát vị đĩa đệm do tập gym sai cách hay thực hiện các động tác gập, ưỡn quá mức trong một số bài tập Yoga, tập cường độ quá nặng,...

Trên đây là một số nguyên nhân cũng như yếu tố tăng nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm. Bạn đọc lưu ý và phòng tránh những tác nhân này đồng thời duy trì một lối sống lành mạnh và chăm sóc sức khỏe của bản thân. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare