Nguyên nhân phình động mạch chủ bụng - Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 28/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Nguyên nhân phình động mạch chủ bụng - Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả
Nguyên nhân phình động mạch chủ bụng - Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả - Ảnh: BookingCare
Nắm được những nguyên nhân gây ra bệnh phình động mạch chủ bụng trong bài viết sau đây để có phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro gây phình động mạch chủ bụng

Nguyên nhân khiến cho chứng phình động mạch phát triển đó là xuất hiện một điểm yếu trong thành động mạch chủ, khiến chúng không còn giãn nở linh hoạt dưới áp lực máu, gây ra tình trạng phình to.

Ví dụ, việc sử dụng thuốc lá làm cho thành động mạch chủ mất đi các protein cấu trúc. Một nguyên nhân khác khiến thành động mạch bị tổn thương khác đó là xơ vữa động mạch. Sự hình thành và phát triển mảng bám theo thời gian có thể gây viêm và chết tế bào ở các lớp của thành động mạch. Khi các thành phần cấu trúc của động mạch chủ bị mất đi, khiến thành động mạch ngày càng yếu và dễ bị tổn thương.

Một số nguyên nhân khác cũng khiến thành động mạch chủ bụng bị tổn thương như:

  • Huyết áp cao khiến thành động mạch liên tục chịu áp lực lớn từ máu
  • Viêm, nhiễm trùng ở thành động mạch chủ
  • Tai nạn khiến thành động mạch chủ bị tổn thương

Ngoài ra, những yếu tố rủi ro sau cũng tăng tỉ lệ mắc chứng phình động mạch chủ bụng:

  • Sử dụng thuốc lá. Hút thuốc là yếu tố nguy cơ mạnh nhất đối với chứng phình động mạch chủ. Hút thuốc có thể làm suy yếu thành mạch máu, bao gồm cả động mạch chủ, tăng nguy cơ phình động mạch chủ và vỡ động mạch. Sử dụng thuốc lá càng lâu và nhiều thì nguy cơ phát triển chứng phình động mạch chủ càng cao. Đàn ông từ 65 đến 75 tuổi hiện đang hoặc đã từng hút thuốc nên siêu âm một lần để sàng lọc chứng phình động mạch chủ bụng.
  • Tuổi. Phình động mạch chủ bụng xảy ra thường xuyên nhất ở những người từ 65 tuổi trở lên.
  • Là nam giới: Tỷ lệ đàn ông mắc chứng phình động mạch chủ bụng cao hơn nhiều so với phụ nữ.
  • Là người da trắng: Những người da trắng có nguy cơ mắc chứng phình động mạch chủ bụng cao hơn.
  • Lịch sử gia đình. Có tiền sử gia đình mắc chứng phình động mạch chủ bụng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
  • Chứng phình động mạch khác: Bị phình động mạch chủ ở ngực ( hoặc ở một mạch máu lớn khác, chẳng hạn như động mạch phía sau đầu gối, có thể làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ bụng.

Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả

Để ngăn ngừa chứng phình động mạch chủ bụng hoặc để bệnh không trở nên trầm trọng hơn, hãy thực hiện theo các khuyến cáo sau từ chuyên gia:

  • Không hút thuốc lá và hạn chế việc hít phải khói thuốc lá thụ động để hạn chế tác nhân làm  suy yếu thành động mạch
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, gồm nhiều loại trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gà, cá và các sản phẩm từ sữa ít béo. Hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa và hạn chế muối.
  • Kiểm soát huyết áp, cholesterol, sử dụng thuốc đúng theo chỉ định từ bác sĩ
  • Tập thể dục thường xuyên. Cố gắng dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho hoạt động aerobic