Adenovirus là một nhóm vi-rút có thể gây bệnh ở người. Nhiễm Adenovirus có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi đặc biệt trẻ em và người suy giảm miễn dịch.
Hầu hết trẻ em đều bị nhiễm ít nhất một lần adenovirus trước 10 tuổi. Có nhiều chủng adenovirus khác nhau nên một người có thể bị nhiễm nhiều lần khác nhau, đặc biệt lây nhiễm có thể xảy ra bất cứ thời gian nào trong năm.
Adenovirus lây lan như thế nào?
Adenovirus chủ yếu lây lan qua tiếp xúc từ người sang người qua các giọt bắn, qua đường phân - miệng hoặc qua tiếp xúc với các bề mặt trong môi trường bị ô nhiễm.
Adenovirus có thể tồn tại trong thời gian dài (thường trên 7 ngày) trên bề mặt môi trường và dụng cụ y tế. Chúng có khả năng chống lại chất khử trùng lipid vì không có vỏ nhưng bị bất hoạt bởi nhiệt, formaldehyde.
Trẻ nhỏ, đặc biệt nếu trẻ đi học tại trường hoặc nhà trẻ, có nhiều khả năng tiếp xúc với trẻ bị nhiễm bệnh hơn. Trẻ em ở độ tuổi này cũng có xu hướng cho đồ vật vào miệng nhiều và ít thực hành rửa tay. Sự bùng phát virus cũng đã xảy ra ở các trường học, trại hè hoặc tại các hồ bơi bị ô nhiễm.
Khi trẻ tiếp xúc với adenovirus, thời gian ủ bệnh sẽ từ 2 ngày đến 2 tuần trước khi các triệu chứng bắt đầu.
Các triệu chứng của nhiễm adenovirus là gì?
Thông thường, nhiễm adenovirus phát triển ở đường hô hấp. Khi điều này xảy ra, các triệu chứng nhiễm trùng thường tương tự như cảm lạnh thông thường .
- Trẻ sốt cao, có thể kéo dài vài ngày. Trẻ có thể bị sổ mũi hoặc nghẹt mũi và một số trẻ có thể bị viêm tai. Một số trẻ sẽ bị nhiễm trùng đường hô hấp như viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi.
- Đau họng cũng là một triệu chứng nhiễm adenivirus phổ biến khác.
- Trẻ cũng có thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ, còn được gọi là viêm kết mạc.
- Một số chủng adenovirus sẽ gây viêm ở dạ dày và đường tiêu hóa. Điều này có thể dẫn đến tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng khác của viêm dạ dày ruột.
- Những người khác có thể bị viêm bàng quang, gây đau khi đi tiểu và có máu trong nước tiểu. Ở những trẻ được ghép tạng hoặc có vấn đề với hệ thống miễn dịch, adenovirus có thể gây viêm nặng và rất nặng.
Khi nào nên đưa trẻ thăm khám tại cơ sở y tế?
Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, đặc biệt là những dấu hiệu sau:
- Sốt, đặc biệt là sốt > 38,5 độ C hoặc sốt kéo dài hơn 5 ngày.
- Khó thở
- Triệu chứng mất nước (ít hơn 3 tã ướt trong khoảng thời gian 24 giờ)
- Trẻ li bì, khó đánh thức
- Ngủ kém hoặc quấy khóc, đau ngực, kéo tai hoặc chảy dịch tai
- Trẻ sốt kèm theo bệnh lý mạn tính: bệnh tim mạch, ung thư, lupus,...
Chẩn đoán Adenovirus như thế nào?
Việc phát hiện sớm virus Adeno sẽ giúp quá trình điều trị, kiểm soát sự lây lan của virus hiệu quả hơn.
Hiện nay, có 2 phương pháp xét nghiệm phổ biến được sử dụng trong chẩn đoán Adenovirus:
- Test nhanh: Độ chính xác thấp hơn phương pháp Test RealTime – PCR. Mẫu bệnh phẩm là phân của người bệnh. Kết quả được trả sau 1 giờ.
- Test RealTime – PCR: Độ chính xác lên đến 95 – 99 %. Mẫu bệnh phẩm là dịch hô hấp của người bệnh. Kết quả được trả sau 1 – 3 ngày.
Điều trị và chăm sóc trẻ nhiễm adenovirus
Không có phương pháp điều trị y tế cụ thể đối với nhiễm adenovirus và thuốc kháng sinh cũng không có tác dụng đối với adenovirus.
Không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy thuốc kháng vi-rút có tác dụng điều trị nhiễm trùng adenovirus ở trẻ em có hệ miễn dịch bình thường.
Những trẻ bị nhiễm adenovirus nặng, suy giảm miễn dịch có thể điều trị thuốc kháng virus (cidofovir, brincidofovir, ganciclovir).
- Nếu các triệu chứng không quá nặng có thể không cần dùng thuốc hoặc biện pháp điều trị tại nhà. Cha mẹ cũng cần lưu ý sốt giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại nhiễm trùng, vì vậy chỉ điều trị sốt nếu sốt khiến trẻ khó chịu.
- Nếu trẻ khó ngủ hoặc có các triệu chứng khó chịu (sốt > 38,5 độ C, đau họng dữ dội hoặc ho khan), việc điều trị các triệu chứng là điều cần thiết.
- Nên vệ sinh và hút bằng nước muối sinh lý để trẻ dễ thở và bú tốt hơn. Sử dụng máy tạo độ ẩm có thể giúp làm tan chất nhầy và giúp trẻ thở dễ dàng hơn.
- Để trẻ nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Đôi khi trẻ sẽ cảm thấy chán ăn khi ốm, điều quan trọng là bạn phải để trẻ uống đủ nước.
- Nếu con vẫn cảm thấy khó chịu, thuốc hạ sốt như acetaminophen hoặc ibuprofen (nếu trẻ lớn hơn 6 tháng) có thể giúp hạ sốt. Không cho trẻ dùng aspirin. Trao đổi với bác sĩ trước khi cho trẻ uống thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn.
Hầu hết các trường hợp nhiễm adeno đều ở mức độ nhẹ và trẻ sẽ khỏi bệnh nếu được chăm sóc cẩn thận để giúp giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, một số trẻ sẽ có biểu hiện nặng hơn, cần phải nhập viện.
Chia sẻ Facebook
Phòng ngừa adenovirus ở trẻ em
- Rửa tay kỹ là điều quan trọng nhất để ngăn ngừa nhiễm adenovirus. Tiếp theo nữa là phải làm sạch và khử trùng đồ chơi và các đồ vật khác vì adenovirus có thể tồn tại lâu dài trên các bề mặt.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng khi tay chưa được rửa sạch.
- Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
- Khử trùng bằng clo trong nước bể bơi hoặc hồ nước, đặc biệt trong mùa dịch Adenovirus.
- che chắn miệng khi ho và hắt hơi.
Nếu bạn bị bệnh, bạn có thể giúp bảo vệ người khác bằng cách:
- Ở nhà khi bị nhiễm Adenovirus, hạn chế tiếp xúc với người khác.
- Ho và hắt hơi vào khăn giấy, tránh lây lan dịch tiết.
- Tránh dùng chung cốc và dụng cụ ăn uống với người khác.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh.
Hiện nay, tại Việt Nam chưa có vaccine phòng Adenovirus, do đó điều quan trọng nhất, cần nâng cao sức khỏe bản thân, vệ sinh sạch sẽ, tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh và đưa trẻ đi khám cơ sở y tế gần nhất khi có dấu hiệu bất thường.