Nhiễm Rubella ở phụ nữ có thai và những hậu quả khó lường

Tác giả: - Xuất bản: 11/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 16/03/2024
Virus Rubella
Bệnh Rubella rất nguy hiểm với phụ nữ có thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu thai kỳ - Ảnh BookingCare
Bệnh Rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Rubella gây ra. Bệnh gây nguy hiểm đến sức khỏe của bà mẹ cũng như thai nhi nếu bà mẹ bị nhiễm vi rút trong thời kỳ mang thai.

Nhiễm Rubella trong thai kỳ, đặc biệt trong 3 tháng đầu, có nguy cơ gây ra những dị tật cho thai nhi như: tật Rubella bẩm sinh, sảy thai, nhiễm trùng bào thai, thai chậm tăng trưởng, thai chết lưu,… Việc chẩn đoán nhiễm rubella ở phụ nữ mang thai rất quan trọng liên quan tới quyết định đình chỉ hay giữ thai. Vì thế khi đi khám thai các bác sĩ thường cho phụ nữ có thai làm xét nghiệm Rubella ở 3 tháng đầu thai kì. 

Đường lây truyền Rubella như thế nào?

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn lây nhiễm xảy ra từ 7 ngày trước cho đến 7 ngày sau khi phát ban. 

Cũng như Sởi, vi rút Rubella có khả năng lây lan cao nên có thể gây dịch lớn cho những cộng đồng không có miễn dịch với vi rút Rubella.

Tại sao bệnh Rubella nguy hiểm với phụ nữ có thai?

Bệnh Rubella rất nguy hiểm với phụ nữ có thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn hình thành các bộ phận của thai nhi. Vi rút có thể qua hàng rào nhau thai xâm nhập vào bào thai và tác động tới quá trình phát triển của bào thai. 

Có khoảng một nửa số trường hợp mắc bệnh không có dấu hiệu lâm sàng điển hình nên nhiều phụ nữ có thai mắc Rubella không được phát hiện, gây ra nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe đối với người mẹ và thai nhi.

  • Nhiễm Rubella trong thời kỳ đầu mang thai có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này có nguy cơ cao mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng như dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển,… 
  • Ngoài ra trẻ có thể mắc đái tháo đường, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh, viêm não màng não, viêm phổi, nhẹ cân,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Một số trường hợp trẻ tử vong do hậu quả của hội chứng Rubella bẩm sinh.
  • Hội chứng Rubella bẩm sinh có thể gặp ở 70%- 90% trẻ sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm vi rút Rubella trong ba tháng đầu mang thai.

Cần làm gì khi thai phụ nghi ngờ nhiễm Rubella?

  • Khi nghi nhiễm Rubella cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán. Đối với trường hợp bệnh nặng lên hoặc có dấu hiệu biến chứng phải điều trị và cách ly tại bệnh viện.
  • Cách ly bệnh nhân trong vòng 7 ngày kể từ khi phát ban.
    • Trường hợp bệnh nhẹ cách ly tại nhà (nghỉ làm, không tham gia các hoạt động tập thể, tập trung đông người) để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.
    • Trong thời gian cách ly, bệnh nhân phải đeo khẩu trang y tế. Tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, làm việc. Sử dụng biện pháp bảo vệ cá nhân như dùng khẩu trang, hóa chất sát trùng,…

Chẩn đoán nhiễm Rubella ở phụ nữ có thai như thế nào?

  • Kết quả xét nghiệm Rubella: IgM và IgG đều âm tính, có nghĩa là chưa từng nhiễm, cũng như chưa có kháng thể bảo vệ 
  • Kết quả xét nghiệm Rubella: IgM và IgG đều dương tính, thai phụ nên xét nghiệm lần 2 sau 1-2 tuần.
    • Nếu xét nghiệm lần 2: IgM âm tính và IgG dương tính (với nồng độ tăng gấp đôi), có thể thai phụ mới bị nhiễm Rubella trong thai kì. Thai phụ cần được tư vấn khả năng Rubella bẩm sinh và kế hoạch theo dõi.
    • Nếu xét nghiệm lần 2: IgM dương tính thấp hơn so với lần 1 và IgG dương tính ( nhưng không tăng gấp đôi), thai phụ không cần lo lắng vì có thể IgM dương tính với lần tiêm ngừa hoặc dương tính chéo với siêu vi khác hoặc bị nhiễm Rubella thứ phát.
  • Kết quả xét nghiệm Rubella: IgM âm tính và IgG dương tính, khi đó sẽ có những tình huống sau: Thai phụ đã tiêm vaccine Rubella hay bị nhiễm Rubella trước khi mang thai: thai phụ hoàn toàn yên tâm vì chị đã có kháng thể kháng Rubella.
  • Kết quả xét nghiệm Rubella: IgM dương tính và IgG âm tính, thai phụ cần được theo dõi và làm lại xét nghiệm 1-2 tuần sau:
    • Nếu xét nghiệm lần 2: IgM âm tính và IgG dương tính hoặc IgM dương tính nhưng giảm xuống và IgG dương tính, có nghĩa là thai phụ mới bị nhiễm Rubella trong lúc mang thai. Thai phụ cần đến bác sĩ tư vấn khả năng Rubella bẩm sinh để có hướng theo dõi cụ thể.
    • Nếu xét nghiệm lần 2: IgM dương tính (không thay đổi nhiều, vẫn thấp như trước) và IgG âm tính. Thai phụ nên làm lại xét nghiệm lần 3. Trường hợp này có thể IgM dương tính chéo với những siêu vi khác.

Điều trị nhiễm Rubella ở phụ nữ có thai

Ở phụ nữ mang thai, việc điều trị phụ thuộc vào tuổi thai khi được chẩn đoán nhiễm Rubella.

  • Nếu nhiễm trùng xảy ra trước 18 tuần tuổi thai, thai nhi có nguy cơ cao bị nhiễm trùng và dị tật, do đó việc quản lý nên cân nhắc chấm dứt thai kỳ.
  • Nếu nhiễm trùng xảy ra sau 18 tuần tuổi thai, thai kỳ có thể được tiếp tục bằng cách theo dõi siêu âm và quản lý trẻ sơ sinh cụ thể.

Làm thế nào để phòng bệnh cho phụ nữ có thai?

  • Bệnh Rubella là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chủ động tiêm vắc xin Rubella là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh, nên tiêm trước khi mang thai ít nhất 1 tháng.
  • Phụ nữ trong thời kỳ mang thai cần hạn chế tiếp xúc với các bệnh nhân có sốt, phát ban và trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh.
  • Phụ nữ có thai, đặc biệt có thai trong những tháng đầu nếu bị sốt, phát ban nên đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán, tư vấn kịp thời.