Những cách sơ cứu khi ngất xỉu bạn cần nhớ?
Người bệnh ngất xỉu
Sơ cứu kịp thời khi bệnh nhân ngất xỉu là vô cùng quan trọng - Ảnh:BookingCare

Những cách sơ cứu khi ngất xỉu bạn cần nhớ?

Tác giả: - Xuất bản: 26/04/2024 - Cập nhật lần cuối: 12/05/2024
Ngất xỉu là tình trạng khá phổ biến ở cả nam và nữ giới. Tình trạng này phổ biến hơn khi bạn già đi và ảnh hưởng tới 6% người trên 75 tuổi. Vì vậy mọi người đều cần biết cách sơ cứu để có thể kịp thời giúp đỡ chính bản thân mình và những người xung quanh.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngất xỉu, có người ngất khi thấy máu, có người ngất khi mất nước,… Mặc dù không phải tất cả các cơn ngất đều nghiêm trọng, nhưng đó có thể là dấu hiệu cảnh báo cho những bệnh lý nguy hiểm. Chính vì vậy việc sơ cứu kịp thời khi có tình trạng ngất xỉu là vô cùng quan trọng đối với tất cả mọi người.

Cùng BookingCare tìm hiểu cách sơ cứu người bị ngất xỉu qua bài viết dưới đây.

Ngất xỉu là gì?

Ngất xỉu là trình trạng mất ý thức đột ngột, diễn ra trong thời gian ngắn do lưu lượng máu đến não giảm. Đây không phải là một căn bệnh mà là triệu chứng của một bệnh lý khác gây ra.

Ngất thường được gọi là ngất xỉu hoặc “bất tỉnh”. Thông thường người bệnh sẽ tỉnh táo lại sau vài giây hoặc vài phút, tuy nhiên vẫn có thể cảm thấy mệt mỏi và thường hồi phục hoàn toàn trong vài phút đến vài giờ.

Bất tỉnh do co giật, đau tim, chấn thương đầu, đột quỵ, nhiễm độc, bị đánh vào đầu, hạ đường huyết do tiểu đường hoặc tình trạng khẩn cấp khác không được coi là ngất.

Triệu chứng của ngất xỉu

Trước khi ngất người bệnh có thể có triệu chứng tiền ngất sau đó là ngất. Tiền ngất là cảm giác bạn sắp ngất, bao gồm các triệu chứng:

  • Hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn.
  • Đổ mồ hôi lạnh, da dính nhớp.
  • Cảm giác lâng lâng.
  • Mờ mắt, tầm nhìn hẹp lại, nhìn thấy đốm đen hoặc chấm sáng.
  • Cảm thấy người yếu đứng không vững, lảo đảo, mệt mỏi.
  • Đau đầu.
  • Có thể thấy tiếng ong ong trong đầu.
Cảm thấy chóng mặt
Người bệnh có thể thấy chóng mặt trước khi ngất xỉu - Ảnh:Canva

Nguyên nhân gây ngất xỉu

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến ngất xỉu tùy thuộc vào các loại ngất và mỗi loại ngất sẽ có tính chất khác nhau. Tuy nhiên nhiều khi không xác định được nguyên nhân gây ngất vì có đến 10% - 40% trường hợp ngất không rõ căn nguyên.

Ngất phản xạ

Ngất phản xạ hay còn được gọi là ngất qua trung gian thần kinh là loại phổ biến nhất. Nó xảy ra khi các phản xạ không được điều chỉnh đúng cách, khiến cho người bệnh tụt huyết áp và giảm nhịp tim một cách nghiêm trọng dẫn đến lưu lượng máu đến não giảm.

Ngất phản xạ bao gồm 3 loại:

  • Ngất do dây thần kinh phế vị chiếm 50% các trường hợp ngất xỉu và thường lành tính, xảy ra ở những bệnh nhân không có bệnh tim. Hoàn cảnh xảy ra sau khi đột ngột có mùi vị, cơn đau khác thường hoặc sau đứng lâu ở nơi đông người, hoặc bị căng thẳng về mặt tinh thần. 
  • Ngất do tình huống xảy ra sau khi thực hiện một số hành động nhất định như cười, ho mạnh hoặc nuốt, mất nước, căng thẳng, lo sợ, đói.
  • Ngất do xoang cảnh xảy ra khi có áp lực đè lên động mạch cảnh nằm ở cổ trong một số hoàn cảnh như mặc áo cổ chật, quay cổ mạnh.

Ngất xỉu do tim

Ngất xỉu do tim là tình trạng ngất xỉu do người bệnh mắc bệnh lý về tim khiến cho tim không hoạt động bình thường và não sẽ nhận được ít máu hơn. 15% các trường hợp ngất xỉu là do tim.

Một số bệnh lý ở tim có thể dẫn đến tình trạng ngất xỉu như bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh lý van tim, bệnh cơ tim phì đại, hội chứng Brugada,...

Bệnh nhân ngất xỉu do tim thường có triệu chứng đau ngực hoặc tim đập nhanh trước khi ngất xỉu, thường ngất xỉu khi hoạt động gắng sức.

Ngất tư thế

Ngất tư thế (còn gọi là hạ huyết áp tư thế hoặc hạ huyết áp thế đứng) xảy ra khi huyết áp giảm đột ngột do thay đổi vị trí nhanh chóng, chẳng hạn như đứng lên sau khi nằm xuống.

Một số loại thuốc và tình trạng mất nước có thể dẫn đến tình trạng này.

Những người mắc loại ngất này thường có những thay đổi về huyết áp khiến huyết áp giảm ít nhất 20 mmHg huyết áp tâm thu và ít nhất 10 mmHg huyết áp tâm trương khi họ đứng so với tư thế nằm. Trường hợp này có thể ngất xỉu mà không có dấu hiệu cảnh báo.

Ngất do mạch máu não

Ngất do mạch máu não xảy ra do vấn đề các mạch máu trong và xung quanh não khiến não không nhận đủ máu.

Có nhiều yếu tố gây ra loại ngất xỉu này nhưng đây không phải là nguyên nhân phổ biến. Chúng có thể bao gồm chấn thương do bệnh mạch máu não như hẹp động mạch cảnh, phình động mạch, hội chứng động mạch sống nền do giảm lưu lượng máu qua các động mạch sống nền,... 

Cần làm gì khi thấy người ngất xỉu?

Khi thấy người ở gần ngất xỉu, bạn nên thực hiện các biện pháp sau để giúp người bị ngất xỉu:

  • Di chuyển người bị ngất đến nơi thoáng mát, tránh xa đám đông và các vật dụng nguy hiểm.
  • Nới lỏng quần áo, thắt lưng, cổ áo của người bị ngất để họ dễ thở hơn.
  • Kiểm tra xem họ có thở hay không bằng cách đặt má hoặc tai của bạn sát vào mũi và miệng của họ.
  • Kiểm tra xem có mạch đập hay không bằng cách đặt hai ngón tay vào cổ tay trong.
  • Nếu người bệnh có mạch và đang thở để người bệnh nằm ở tư thế ngửa, kê cao chân hơn đầu khoảng 30cm giúp tăng lưu lượng máu lên não.
  • Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu người đó bị thương.
  • Thực hiện ép tim ngoài lồng ngực và thổi ngạt trong trường hợp không có mạch đập và không thở.

Khi người bệnh tỉnh dậy sau cơn ngất xỉu, hãy làm như sau:

  • Yêu cầu nằm xuống hoặc ngồi trong khoảng 10 đến 15 phút.
  • Kiểm tra xem người bệnh có bị thương hay không.
  • Đưa cho người bệnh cốc nước lọc hoặc nước đường để uống.
  • Khuyến khích họ ngồi về phía trước và giữ đầu dưới đầu gối và vai.

Cần làm gì khi bản thân ngất xỉu?

  • Khi bạn bắt đầu cảm thấy các triệu chứng, bạn có thể làm một số điều để giúp ngăn ngừa ngất xỉu ví dụ như nắm tay, bắt chéo chân, siết chặt hai đùi của bạn lại với nhau, siết chặt các cơ ở cánh tay của bạn.
  • Nếu cảm thấy choáng váng nên nằm xuống ở khu vực yên tĩnh mát mẻ từ 10 đến 15 phút, giữ tư thế đầu thấp chân cao để tăng lưu lượng máu về não. Đồng thời điều này cũng giảm chấn thương khi ngất xỉu
  • Trường hợp bạn không thể nằm xuống thì hãy ngồi xuống, đặt đầu vào giữa hai đầu gối để tăng lưu lượng máu lên não
  • Nằm hoặc ngồi đến khi cảm thấy hết các triệu chứng choáng váng. Không nên đứng dậy quá nhanh vì điều này có thể gây ngất xỉu trở lại
Đặt đầu vào giữa hai gối
Tư thế ngồi đặt đầu vào giữa hai gối để tăng lưu lượng máu não - Ảnh:Canva

Phòng ngừa tình trạng ngất xỉu

Một số biện pháp để phòng ngừa tình trạng ngất xỉu bao gồm:

  • Ăn đủ bữa và không bỏ bữa, bạn có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
  • Uống nhiều nước giúp ngăn ngừa ngất do mất nước.
  • Tránh những yếu tố đã biết khiến bạn ngất xỉu như nhìn thấy máu, sử dụng một số thuốc,...
  • Khi chuyển từ tư thế nằm sang tư thế đứng cần ngồi dậy và đứng lên một cách từ từ tránh đột ngột.
  • Tránh mặc áo sơ mi cổ chật.

Ngất xỉu là tình trạng có thể gặp ở tất cả mọi người và trong nhiều hoàn cảnh. Mỗi loại ngất sẽ có tính chất và biểu hiện khác nhau. Mặc dù không phải tất cả cơn ngất xỉu đều nghiêm trọng tuy nhiên bạn cần đến thăm khám bác sĩ nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết