Những dấu hiệu nhận biết da bị sẩn ngứa

Tác giả: - Xuất bản: 29/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Biểu hiện da bị sẩn ngứa
Biểu hiện da bị sẩn ngứa - Ảnh: BookingCare
Các triệu chứng của bệnh sẩn ngứa có thể khiến người bệnh dễ bị nhầm lẫn với các loại bệnh da liễu khác. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết cụ thể của bệnh sẩn ngứa trong bài viết dưới đây.

Sẩn ngứa là một trong những bệnh lý da liễu phổ biến, không chỉ gây mất thẩm mĩ mà còn khiến người bệnh ngứa ngáy, khó chịu vô cùng. Người bệnh cần xác định chính xác các triệu chứng của bệnh để có thể điều trị chính xác và hiệu quả nhất.

Bệnh sẩn ngứa là gì?

Sẩn ngứa là bệnh da liễu thường gặp, do phản ứng viêm xuất tiết xuất hiện ở vùng lớp trung bì nông với sự thâm nhiễm của tế bào lympho và bạch cầu đa nhân trung tính.

Dấu hiệu nhận biết bệnh sẩn ngứa

Sẩn ngứa là một phản ứng ở da, đặc trưng bởi các sẩn hoặc nốt nhỏ rời rạc kèm cảm giác ngứa dữ dội. Một vài tuýp sẩn ngứa ở người trung tuổi có diễn biến mạn tính, có thể kết hợp với một số bệnh lý mạn tính khác như suy thận, suy gan hoặc bệnh lý ác tính dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. 

Biểu hiện lâm sàng

Trên biểu hiện khám lâm sàng, có thể dễ dàng nhận ra các tổn thương của bệnh sẩn ngứa, bao gồm:

  • Sẩn cục: trên da xuất hiện các nốt cứng, dày sừng, hình vòm hoặc dạng hạt cơm, thường có màu nâu sẫm với đường kính từ 1-2 cm, phân bố chủ yếu ở vùng da hở như tay chân, ít gặp ở thân mình.
  • Mụn nước: xuất hiện trên sẩn phù, sẩn hoặc mảng đỏ, mụn nước có thể vỡ gây tiết dịch và đóng vảy tiết.
  • Các sẩn phù dạng mày đay, sẩn huyết thanh.
  • Các vết xước do cào, gãi kèm theo tổn thương rải rác tại các vùng da hở 

Biểu hiện theo thể bệnh và mức độ

Sẩn ngứa thể cấp tính

Tổn thương chủ yếu là sẩn phù và mày đay, trên vết thương có mụn nước, vỡ gây tiết dịch. Thể cấp tính hay gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè.

Sẩn ngứa thế bán cấp

Sẩn nổi cao, trên có mụn nước hoặc vảy tiết do chà xát kèm ngứa nhiều. Tổn thương xuất hiện ở các vị trí như mặt duỗi các chi hoặc thân mình. Bệnh thường tiến triển dai dẳng và có thể chuyển sang mạn tính. 

Sẩn ngứa thể mạn tính

Sẩn ngứa mạn tính được chia thành 2 nhóm dưới đây:

Sẩn ngứa mạn tính đa dạng:

  • Người bệnh ngứa nhiều, chà xát, gãi hình thành các vết trợt, xước trên bề mặt mảng lichen hóa.
  • Vị trí tổn thương hay gặp ở thân mình và chân ở người lớn tuổi.
  • Bệnh dễ tái phát và tiến triển dai dẳng.

Sẩn cục:

  • Người bệnh ngứa nhiều, chà xát, gãi tạo các vết trợt, vảy tiết đen trên bề mặtsẩn.
  • Gặp ở trẻ nhỏ hoặc phụ nữ lớn tuổi.
  • Vị trí tổn thương thường gặp ở các chi.
  • Tổn thương tiến triển dai dẳng, có thể kéo dài hàng năm.

Sẩn ngứa ở phụ nữ mang thai

Các vết thương thường xuất hiện ở thời kỳ muộn của quá trình mang thai. Vị trí hay gặp là vùng quanh rốn. Khả năng cao xuất hiện lại ở các lần mang thai tiếp theo.

Sẩn ngứa nếu không được điều trị kịp thời rất dễ gây ra sẹo thâm gây mất thẩm mỹ cho người bệnh. Ngay khi  nhận thấy trên da xuất hiện những triệu chứng bất thường, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị chính xác.