Những điều bạn cần biết về tình trạng chân vòng kiềng

Tác giả: - Xuất bản: 23/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 23/03/2024
Tìm hiểu về tình trạng chân vòng kiềng
Tìm hiểu về tình trạng chân vòng kiềng - Ảnh: BookingCare
Chân vòng kiềng có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ, nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ nhiều hơn. Cùng tìm hiểu vấn đề này trong bài viết sau đây.

Chân vòng kiềng là tình trạng chân bị cong theo hướng khiến hai đầu gối cách xa nhau khi đứng thẳng (hai mắt cá chân phía trong chạm nhau). Tình trạng chân vòng kiềng xuất hiện khá nhiều ở trẻ sơ sinh do tư thế co chân trong bụng mẹ, hầu hết chân sẽ duỗi thẳng khi trẻ bắt đầu biết đi. Chân vòng kiềng thường không gây đau đớn nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ khiến nhiều người lo ngại.

Triệu chứng

Triệu chứng của chân vòng kiềng sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nó là do sinh lý bình thường hay do bệnh lý.

  • Với chân vòng kiềng sinh lý, dấu hiệu chính là chân cong ngoài ở hai bên đầu gối, điều này thể hiện rõ ràng nhất khi trẻ bước đi. Đôi khi chúng ta còn có thể quan sát thấy hai bàn chân của trẻ hướng vào trong khi bước đi.
  • Khác với chân vòng kiềng sinh lý, những người bị chân vòng kiềng do một căn bệnh nào đó, ngoài dấu hiệu hai đầu gối không thể chạm vào nhau khi đứng thẳng, nó còn có thể gây đau đớn cho người bệnh. Mức độ đau có sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người và có thể kèm theo giảm chức năng vận động.

Một dấu hiệu có thể giúp chúng ta phần nào phân biệt được hai loại nguyên nhân này đó là chân vòng kiềng do bệnh lý có thể không biểu hiện ở cả hai chân mà đôi khi chỉ có một chân bị cong đầu gối ra ngoài.

Nguyên nhân

Chân vòng kiềng ở trẻ em thường là một biểu hiện sinh lý bình thường trong quá trình phát triển của cơ thể. Điều này sẽ không gây đau hay ảnh hưởng đến khả năng bò, đi hoặc chạy nhảy của trẻ.

Ngoài ra, chân vòng kiềng cũng có thể xuất phát từ một số bệnh lý sau đây:

  • Bệnh Blount: Một rối loạn tăng trưởng của xương có thể gây biến dạng xương.
  • Bệnh lùn: Loạn sản sụn hay còn gọi là bệnh lùn, đây là một dạng rối loạn tăng trưởng xương khiến xương trẻ không thể phát triển thêm cũng là một nguyên nhân dẫn đến chân vòng kiềng.
  • Bệnh Paget: Là một bệnh rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng đến sự phát triển và quá trình hồi phục của xương, nếu trẻ mắc bệnh này cũng có nguy cơ gây chân vòng kiềng.
  • Bệnh còi xương: Thường do thiếu các chất dinh dưỡng tạo xương như Canxi, vitamin D, phospho.
  • Viêm xương khớp: Khớp xương bị viêm gây sưng và biến dạng khớp.
  • Một số nguyên nhân khác: ngộ độc chì, ngộ độc flo, biến chứng do gãy xương không điều trị đúng.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây chân vòng kiềng và xác định xem có cần điều trị hay không, bác sĩ sẽ cần quan sát hai chân (vị trí bàn chân, đầu gối và mắt cá chân) ở tư thế đứng thẳng, bước đi và cúi người. Mức độ chân vòng kiềng sẽ được đánh giá qua việc đo khoảng cách giữa hai đầu gối.

Sau đó, tùy từng trường hợp có thể cần làm một số xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm máu cơ bản: Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, sinh hóa máu
  • Xét nghiệm thiếu vi chất: Canxi, vitamin D, phospho,...
  • Chụp X-quang
Chụp X-quang xương chân
Chụp X-quang xương là một trong những xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán chân vòng kiềng - Ảnh: Canva

Điều trị

Việc điều trị chân vòng kiềng phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Chân vòng kiềng do nguyên nhân sinh lý ở trẻ nhỏ sẽ tự cải thiện khi trẻ 2 hoặc 3 tuổi mà không cần điều trị gì. Nếu sau độ tuổi này vẫn không có dấu hiệu cải thiện tình trạng chân vòng kiềng, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám và có phương pháp can thiệp phù hợp như đi giày định hình dáng đi, nẹp, bó bột để định hình dáng xương.

Những trường hợp chân vòng kiềng do bệnh lý có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật tùy vào tình trạng nghiêm trọng của bệnh.

Phòng ngừa

Việc phòng ngừa chân vòng kiềng cần được thực hiện ngay từ từ giai đoạn đầu đời. Mẹ bầu khi mang thai và trong giai đoạn cho con bú cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để em bé có thể phát triển một cách khỏe mạnh nhất.

Với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất cho bé, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ, trong đó có sự phát triển của hệ xương khớp. Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu và nên tiếp tục bú mẹ kết hợp với ăn dặm cho đến 24 tháng.

Sau 6 tháng đầu, sữa mẹ sẽ không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bé nữa, mẹ cần cung cấp thêm vitamin D và canxi thông qua các thực phẩm ăn dặm để giúp bé có thể phát triển xương chắc khỏe.

Với người lớn, việc phòng ngừa chân vòng kiềng cũng bao gồm chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao hợp lý (từ 30 phút mỗi ngày).

Một số thực phẩm tốt cho xương khớp nên ăn bạn có thể tham khảo:

  • Thực phẩm giàu Vitamin D: Cá chép, cá trắm, cá chạch, lươn, cá rô phi, sữa, lòng đỏ trứng gà,...
  • Thực phẩm giàu canxi: Tôm đồng, cua đồng, tép, sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua), các loại đậu hạt (vừng, đậu rồng, hạnh nhân),...
  • Thực phẩm giàu Omega-3: Cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá ngừ, cá cơm, hàu, các loại đậu hạt (hạt lanh, hạt chia, quả óc chó, đậu nành),...

Nhìn chung, chân vòng kiềng thường không phải là tình trạng đáng lo ngại ở trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng này ở người lớn nên được thăm khám và chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân bệnh lý và có phương pháp điều trị kịp thời, tránh bệnh để lâu gây ra những biến chứng khó kiểm soát.

Mong rằng bài viết trên đây đã đem lại những thông tin hữu ích cho độc giả về tình trạng chân vòng kiềng.