- Xuất bản: 24/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 24/02/2024
Tìm hiểu những thông tin cần thiết về triệu chứng đau rát họng - Ảnh: BookingCare
Nguyên nhân đau rát họng do đâu? Chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh và chăm sóc cơ thể khi bị đau rát họng như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay vấn đề này trong bài viết sau đây.
Đau rát họng là một vấn đề phổ biến mà rất nhiều người gặp phải, thậm chí thường xuyên. Tình trạng này khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin cần thiết về đau rát họng để bạn đọc hiểu hơn về triệu chứng này.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây nên triệu chứng đau, nóng rát ở họng như:
Họng bị kích ứng (do ăn uống đồ cay nóng)
Căng cơ vùng họng
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Có khối u ở vòm họng, họng hoặc thanh quản
Một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ khiến cơ thể bị nhiễm virus, vi khuẩn gây đau rát họng như:
Thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là về mùa lạnh
Làm việc, sinh sống trong môi trường ô nhiễm không khí, phải tiếp xúc với khói bụi, khí độc,...
Sức đề kháng kém
Cơ địa dị ứng
Viêm nhiễm vùng họng hoặc các vị trí lân cận như: viêm xoang, sâu răng, viêm lợi,...
Chẩn đoán đau rát họng
Đau rát họng là triệu chứng thường gặp ở nhiều bệnh lý nhiễm trùng như: cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản,...
Việc chẩn đoán nguyên nhân tùy thuộc vào từng người bệnh. Với các trường hợp nhiễm trùng thông thường, người bệnh cần kể lại các triệu chứng mình gặp phải để giúp bác sĩ nắm được các triệu chứng toàn thân, cơ năng, phục vụ cho việc chẩn đoán:
Sốt
Ớn lạnh
Nhức đầu
Mệt mỏi, đau mỏi người
Chán ăn
Đau khi nuốt
Ho (ho khan, ho có đờm)
Ngạt mũi, chảy nước mũi
Khàn tiếng, mất tiếng
Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, kiểm tra tai, mũi và họng của bệnh nhân để chẩn đoán xác định nguyên nhân - bệnh lý nào gây đau rát họng. Tùy từng bệnh lý, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:
Niêm mạc họng đỏ, xuất tiết dịch nhầy hoặc có mủ.
Amidan sưng, xung huyết, có chấm mủ, bựa trắng
Niêm mạc mũi xung huyết, xuất tiết nhầy
Sưng hạch ở góc hàm, ấn đau
Một số trường hợp khác có thể cần làm thêm cận lâm sàng để chẩn đoán:
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu: số lượng bạch cầu tăng, nhất là bạch cầu đa nhân trung tính.
Lấy dịch họng nuôi cấy vi khuẩn để xác định nguyên nhân gây bệnh
Điều trị đau rát họng
Tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà người bị đau rát họng có thể chỉ cần nghỉ ngơi, điều trị tại nhà hay cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các trường hợp nhẹ, triệu chứng đau họng có thể tự thuyên giảm và khỏi hoàn toàn trong vài ngày mà không cần điều trị gì.
Nếu các triệu chứng không tự cải thiện, người bệnh có thể cần sử dụng một số loại thuốc sau:
Thuốc giảm đau, hạ sốt
Thuốc kháng viêm
Thuốc kháng histamin
Dung dịch súc miệng, súc họng.
Không nên tự ý mua và sử dụng bất cứ loại thuốc nào mà nên theo chỉ định của bác sĩ hoặc sự tư vấn của dược sĩ tại nhà thuốc uy tín.
Nếu tình trạng đau họng kéo dài kèm theo các biểu hiện dưới đây, hãy đến gặp bác sĩ để có phương pháp xử trí kịp thời, tránh bệnh tiến triển trầm trọng, gây nên biến chứng không đáng có:
Đau họng dữ dội
Khó thở hoặc khó nuốt
Sốt cao
Có hạch nổi lên ở dưới hàm
Nước bọt hoặc đờm có lẫn máu
Cực kỳ mệt mỏi
Phát ban trên da
Làm gì khi bị đau rát họng?
Ngoài sử dụng thuốc, người bệnh thực hiện những chăm sóc sau để cải thiện tình trạng đau rát họng và giúp bệnh nhanh khỏi hơn:
Uống đồ uống ấm: nước ấm, các loại trà ấm hoặc nước chanh ấm pha mật ong có thể giúp giảm đau họng, giảm ngứa họng hiệu quả.
Sử dụng máy tạo độ ẩm: Bổ sung độ ẩm cho môi trường sinh hoạt xung quanh, đặc biệt là ở phòng ngủ sẽ giúp tránh được tình trạng khô họng trong khi ngủ.
Hạn chế nói to, nói nhiều: họng có thể bị đau rát do la hét hoặc nói với âm lượng quá lớn, nói quá lâu. Hạn chế nói nhiều trong khi bị đau họng sẽ giúp họng được nghỉ ngơi và hồi phục tốt hơn.
Nghỉ ngơi hợp lý: Hãy cố gắng nghỉ ngơi nhiều nhất có thể, ngủ sớm, ngủ đủ giấc để giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
Ăn uống đủ chất: Một chế độ ăn giàu năng lượng và đa dạng các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất sẽ giúp nâng cao sức đề kháng, thúc đẩy quá trình phục hồi sức khỏe nhanh hơn.
Tránh các chất kích thích: Cần chú ý không hút thuốc lá (kể cả hít khói thuốc thụ động), không uống rượu bia, tránh ăn đồ cay nóng trong thời gian này vì chúng có thể khiến họng kích ứng và làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hằng ngày.
Súc miệng, súc họng bằng nước muối thường xuyên.
Có thể sử dụng một số loại viên ngậm có thành phần chống viêm để làm giảm đau họng nhanh hơn.
Phòng tránh đau rát họng
Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn phòng tránh nguy cơ bị đau rát họng:
Giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh và khi thời tiết thay đổi
Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ: quét dọn, hút bụi nhà cửa thường xuyên
Tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng
Tránh sử dụng rượu bia và không tiếp xúc với khói thuốc lá
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày
Tiêm phòng vacxin cúm hàng năm
Trang bị bảo hộ lao động đầy đủ nếu phải làm việc trong môi trường ô nhiễm không khí
Tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang bị viêm đường hô hấp trên, cảm cúm,…
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa cồn
Nhìn chung, đau rát họng không phải là một vấn đề nghiêm trọng và có thể tự khỏi hoặc chỉ cần điều trị bằng một số phương pháp đơn giản.
Bạn cũng có thể phòng ngừa đau rát họng hiệu quả bằng những thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh; điều này sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch để cơ thể có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh bên ngoài.
Mong rằng bài viết trên đã giải đáp được phần nào những thắc mắc của độc giả về tình trạng đau rát họng.