Những điều cần biết về bệnh hắc lào ở trẻ em

Tác giả: - Xuất bản: 11/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Bệnh hắc lào ở trẻ nhỏ
Bệnh hắc lào ở trẻ nhỏ - Ảnh: BookingCare
Bệnh hắc lào ở trẻ có những đặc điểm và lưu ý gì mà cha mẹ cần biết? Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Làn da của trẻ em rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Nếu không được vệ sinh và chăm sóc cẩn thận, các loại nấm sẽ phát triển mạnh dẫn đến nhiều căn bệnh về da. Một trong số những bệnh nấm da thường gặp ở trẻ đó là bệnh hắc lào.

Nguyên nhân gây bệnh hắc lào ở trẻ nhỏ

Trong những điều kiện thích hợp, các tế bào nấm gây bệnh – thường gặp nhất là nấm có tên Dermatophytes sẽ phát triển nhanh chóng và tạo ra tổn thương trên da. Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hắc lào ở trẻ nhỏ:

● Yếu tố thời tiết: Bệnh hắc lào ở trẻ thường dễ xuất hiện vào những ngày thời tiết nóng nực. Nhiệt độ cao thường khiến trẻ toát nhiều mồ hôi. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho vi nấm sinh sôi.

● Vệ sinh không tốt: Cơ thể không được vệ sinh cẩn thận là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới bệnh hắc lào. Môi trường da ẩm ướt do mồ hôi, quần áo ẩm, không tắm gội thường xuyên,... tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh hắc lào và các bệnh da liễu khác. Nhiều cha mẹ có quan niệm sai lầm là sợ các sữa tắm nên chỉ tắm cho con với nước không, đó cũng là một yếu tố dễ dẫn đến hắc lào ở trẻ nhỏ.

● Mắc bệnh do bị lây nhiễm: tế bào nấm Dermatophytes có thể tồn tại ở bất kì đâu trong môi trường xung quanh, trẻ nhỏ có thể bị nhiễm nấm trong quá trình vui chơi, đùa nghịch, tiếp xúc với các loài động vật mang bệnh hoặc bị lây từ người bệnh khác.

● Hệ miễn dịch yếu: Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu cũng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh hắc lào cao hơn so với những trẻ khỏe mạnh khác.

Triệu chứng mắc bệnh hắc lào ở trẻ nhỏ

Khi cha mẹ thấy trên da của trẻ nhỏ xuất hiện những biểu hiện bất thường giống bệnh hắc lào, cần đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Dưới đây là những triệu chứng thường gặp ở bệnh hắc lào:

● Trên da xuất hiện những mảng đỏ và mụn nước mọc thành hình tròn hoặc bầu dục, lan rộng ra xung quanh và có xu hướng lành ở giữa. Những phần tổn thương này gây ngứa ngáy, khó chịu nhất là về đêm hoặc khi thời tiết nóng nực, cơ thể đổ nhiều mồ hôi.

● Xung quanh phần rìa của vùng da bị tổn thương do bệnh hắc lào nổi nhiều mụn nước. Nhất là khi ngứa ngáy, trẻ có xu hướng cào, gãi làm tổn thương các mụn nước. Khi mụn nước vỡ có thể là môi trường để vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm khuẩn, tổn thương có mủ vàng, khi đó bệnh sẽ khó điều trị hơn.

● Bệnh có thể xuất hiện trên nhiều vùng cơ thể chẳng hạn như bẹn, chân tay. mặt, bụng, ngực.

● Bệnh nặng có thể lây lan sang các vùng khác hoặc bị chàm hóa rất khó chữa trị.

Điều trị bệnh hắc lào ở trẻ nhỏ

Tùy vào độ tuổi, vị trí da và tình trạng nhiễm bệnh của trẻ mà bác sĩ sẽ tư vấn và đề ra phương pháp điều trị phù hợp. Khi chưa chắc chắn về bệnh, cha mẹ không nên tự ý bội thuốc hoặc điều trị tại nhà cho trẻ khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ.

Đối với bệnh hắc lào ở trẻ sơ sinh, việc điều trị thường sẽ kéo dài trong khoảng từ 4 – 6 tuần. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm thì việc chữa bệnh sẽ phức tạp hơn. Lúc này ngoài thuốc bôi tại chỗ, bác sĩ có thể sẽ chỉ định các loại thuốc khác để đẩy lùi bệnh.

Cha mẹ cần tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu có vấn đề gì bất thường cần đi khám lại ngay.

Bệnh hắc lào ở trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời rất dễ lan rộng sang các vùng da khác trên cơ thể và khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Cha mẹ nên theo dõi sức khỏe của trẻ thường xuyên và đưa bé đi khám trong thời gian sớm để được chẩn đoán và điều trị chính xác.