Xuất bản: 08/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Những điều cần biết về bệnh viêm loét đại tràng - Ảnh: BookingCare
Bạn đọc có thể tìm hiểu các thông tin tổng quan về bệnh viêm loét đại tràng: triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, chế độ ăn, phân biệt với bệnh Crohn... trong bài viết dưới đây.
1. Viêm loét đại tràng là gì?
Viêm loét đại tràng (UC) là một loại bệnh viêm ruột (IBD). Tình trạng viêm này tạo ra những vết loét nhỏ gọi là vết loét trên niêm mạc đại tràng của bạn. Viêm thường bắt đầu ở trực tràng và lan lên trên. Nó có thể liên quan đến toàn bộ đại tràng.
Theo Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ, bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 15 đến 30. Sau 50 tuổi, tỷ lệ chẩn đoán mắc bệnh IBD cũng tăng lên, thường là ở nam giới.
2. Triệu chứng viêm loét đại tràng là gì?
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng UC khác nhau ở những người mắc bệnh này. Các triệu chứng cũng có thể thay đổi theo thời gian. Các triệu chứng phổ biến của UC bao gồm:
Đau bụng
Sôi bụng
Phân có máu
Tiêu chảy
Sốt
Đau thốn vùng trực tràng
Giảm cân, suy dinh dưỡng
Một số triệu chứng khác ít gặp hơn như:
Đau khớp
Sưng khớp
Buồn nôn và giảm cảm giác thèm ăn
Các vấn đề về da
Vết loét miệng
Viêm mắt
3. Nguyên nhân viêm loét đại tràng là gì?
Các chuyên gia nghiên cứu tin rằng UC có thể là hậu quả của tình trạng hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Các yếu tố có thể đóng vai trò trong việc phát triển UC bao gồm:
Gen, bạn có cha, mẹ bị UC sẽ làm tăng khả năng mắc UC.
Các rối loạn miễn dịch khác. Nếu bạn mắc một loại rối loạn miễn dịch, nguy cơ mắc bệnh thứ hai sẽ cao hơn.
Nhân tố môi trường. Vi khuẩn, vi rút và kháng nguyên có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch.
4. Viêm loét đại tràng (UC) được chẩn đoán bằng cách nào ?
Các xét nghiệm để chẩn đoán UC thường bao gồm:
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu thường hữu ích trong chẩn đoán UC như khảo sát tình trạng thiếu máu, tình trạng viêm hoặc tìm kháng thể chuyên biệt.
Xét nghiệm phân: tìm vi khuẩn, ký sinh trùng,…
Nội soi đại tràng: là một phương pháp cho phép bác sĩ quan sát được các tổn thương bên trong đường ruột (manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại tràng sigma và trực tràng) bằng cách sử dụng một ống mềm và nhỏ có gắn camera ở đầu. Thông qua nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy các mẫu mô nhỏ (sinh thiết) nhằm khẳng định chẩn đoán chính xác hơn.
Một số trường hợp cũng cần đến chụp CT hoặc MRI bụng nhằm xác định chẩn đoán, khảo sát các biến chứng nặng cũng như loại trừ những bệnh lý khác có biểu hiện tương tự.
5. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ để thăm khám ?
Bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có các triệu chứng như:
Đau bụng dữ dội hoặc chuột rút
Chảy máu trực tràng nghiêm trọng
Tiêu chảy mãn tính khó điều trị
Sốt cao
Sưng phù các vùng như da hoặc khớp
Mất nước
6. Viêm loét đại tràng có chữa khỏi được không?
UC là một bệnh mãn tính. Mục tiêu của việc điều trị là giảm tình trạng viêm gây ra các triệu chứng của bạn để ngăn ngừa các đợt bùng phát và có thời gian thuyên giảm lâu hơn.
Loại thuốc bạn dùng sẽ tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bạn, bao gồm cả mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng:
Đối với các triệu chứng nhẹ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm viêm và sưng.
Nếu có nhiễm trùng, bạn có thể cần dùng kháng sinh.
Nếu bạn có các triệu chứng từ trung bình đến nặng, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc được gọi là thuốc sinh học nhằm giúp ngăn ngừa triệu chứng bùng phát.
Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc điều hòa miễn dịch. Những điều này thay đổi cách hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Nếu các triệu chứng của bạn nghiêm trọng, bạn sẽ phải nhập viện để khắc phục hậu quả của tình trạng mất nước và mất chất điện giải do tiêu chảy gây ra. Bạn cũng có thể cần phải thay máu và điều trị bất kỳ biến chứng nào khác.
Phẫu thuật là cần thiết nếu bạn gặp phải:
Mất máu đáng kể
Các triệu chứng mãn tính và suy nhược
Thủng ruột
Tắc nghẽn nghiêm trọng
7. Chế độ ăn dành cho người bệnh viêm loét đại tràng?
Không có chế độ ăn kiêng cụ thể cho UC. Mỗi người sẽ dung nạp với thức ăn và đồ uống khác nhau. Tuy nhiên, một số quy tắc chung có thể hữu ích nhằm ngăn cơn bùng phát:
Ăn một chế độ ăn ít chất béo.
Bổ sung thêm vitamin C.
Ăn nhiều chất xơ.
Bạn nên làm nhật ký ăn uống nhằm tìm hiểu xem thực phẩm nào ảnh hưởng đến bạn. Ghi lại chi tiết về nhu động ruột hoặc bất kỳ triệu chứng nào bạn có thể gặp phải khi sử dụng các thực phẩm đó.
8. Sự khác biệt giữa viêm loét đại tràng và bệnh Crohn là gì?
Bệnh UC và Crohn là những dạng IBD phổ biến nhất. Cả hai tình trạng này được cho là kết quả của hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Cả hai đều có nhiều triệu chứng, bao gồm:
Chuột rút
Đau bụng
Tiêu chảy
Mệt mỏi
Tuy nhiên, bệnh UC và bệnh Crohn có những khác biệt rõ rệt. Hiểu được sự khác biệt chính giữa chúng có thể giúp bạn có được chẩn đoán chính xác:
Bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn. Nó thường được tìm thấy ở ruột non. UC chỉ ảnh hưởng đến ruột già (đại tràng) và trực tràng.
Các loại thuốc tương tự được kê toa để điều trị cả hai tình trạng. Phẫu thuật cũng là một lựa chọn điều trị. Đây là biện pháp cuối cùng cho cả hai tình trạng, nhưng nó có thể là cách chữa trị UC, trong khi đó chỉ là liệu pháp tạm thời cho bệnh Crohn
9. Viêm loét đại tràng ở trẻ em có biểu hiện như thế nào?
Các triệu chứng UC ở trẻ em tương tự như các triệu chứng ở người lớn tuổi. Trẻ có thể bị tiêu chảy ra máu, đau bụng, chuột rút và mệt mỏi.
Ngoài ra, trẻ có thể gặp các triệu chứng nặng như:
Thiếu máu do mất máu
Suy dinh dưỡng do ăn uống kém
Giảm cân không rõ nguyên nhân
UC có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của trẻ, đặc biệt nếu tình trạng này không được điều trị đúng cách. Việc điều trị cho trẻ em bị hạn chế hơn vì có thể xảy ra các tác dụng phụ.
Nếu con bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh UC, điều quan trọng là bạn phải hợp tác chặt chẽ với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị và thay đổi lối sống có thể hữu ích.
10. Biến chứng của viêm loét đại tràng là gì?
UC làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại tràng. Bạn mắc bệnh càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh ung thư này càng cao.
Các biến chứng khác của UC bao gồm:
Dày thành ruột
Chảy máu đường ruột
Nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm trùng máu
Mất nước nghiêm trọng
Vỡ đại tràng
Viêm da, khớp và mắt
Viêm cột sống dính khớp
Sỏi thận
Bệnh gan, hiếm gặp
11. Ai dễ bị viêm loét đại tràng?
Thường gặp ở người có thành viên trong gia đình mắc IBD.
UC gặp phổ biến hơn ở người da trắng.
Những người trẻ tuổi mắc IBD thường đi kèm với tình trạng mụn trứng cá cùng lúc. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc trị mụn nang isotretinoin (Absorbica, Amnvalu, Claravis) và UC. Tuy nhiên, nghiên cứu mới hơn vẫn chưa tìm ra mối quan hệ nhân quả rõ ràng.