Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh u não tại nhà sau phẫu thuật
Chăm sóc người bệnh u não tại nhà
Chăm sóc người bệnh u não tại nhà - Ảnh: BookingCare

Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh u não tại nhà sau phẫu thuật

Tác giả: - Xuất bản: 21/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
Sau phẫu thuật, người bệnh u não thường xuất hiện những triệu chứng và tổn thương sức khỏe cần được chăm sóc đặc biệt. Cùng tìm hiểu những biện pháp chăm sóc tại nhà cho người bệnh u não trong bài viết dưới đây.

Theo dõi và chăm sóc sức khỏe người bệnh u não sau phẫu thuật là điều vô cùng quan trọng. Nếu không cẩn thận, vết thương có thể bị nhiễm trùng, khó lành thậm chí chuyển biến nặng hơn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc biến chứng.

Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh u não tại nhà

Trước khi người bệnh được chuyển về chăm sóc tại nhà sau phẫu thuật, các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc và những lưu ý cần thiết khi chăm tại nhà. 

Việc tập vận động thường xuyên để giúp máu lưu thông ở chân và giảm nguy cơ đông máu, tắc mạch chân. Một việc cũng quan trọng cần dành thời gian luyện tập là tập hít thở sâu để giảm nguy cơ viêm phổi, đặc biệt là trong vài tuần đầu sau khi phẫu thuật.

Chú ý một số triệu chứng nặng dưới đây, bạn cần đi khám lại ở khoa Ngoại Thần Kinh (Phẫu Thuật Thần Kinh):

- Buồn ngủ, ngủ nhiều

- Đi lại khó khăn, yếu ở chân, tay hoặc mặt.

- Hay nhầm lẫn hoặc các rối loạn về trí nhớ.

- Nhìn đôi hoặc mờ mắt.

- Cứng cổ.

- Sốt.

- Đau đầu dữ dội , sợ ánh sáng

- Nôn liên tục hoặc cảm thấy mệt mỏi sau những ngày cảm thấy khỏe khoắn.

- Vết mổ của bạn có dấu hiệu đỏ, sưng, hoặc chảy bất kỳ dịch nào từ vết mổ hoặc cảm thấy nóng khi sờ vào vết mổ.

- Ho có đờm màu vàng hoặc xanh

- Đau, sưng hoặc đỏ ở bắp chân hoặc đùi của bạn

- Bất kỳ dấu hiệu nào của cơn co giật, chẳng hạn như co giật ở mặt, ở tay chân, cử động hoặc tê và ngứa ran ở một số vị trí trên cơ thể bạn.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc đầy đủ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, người nhà nên tìm hiểu thêm các thông tin cần thiết khác để có thể chăm sóc người bệnh một cách an toàn và hiệu quả.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Người bệnh cần được bổ sung các loại thực phẩm dinh dưỡng chứa nhiều chất giúp hồi phục sức khỏe, tốt cho não bộ. Dưới đây là những loại thực phẩm được các bác sĩ khuyến nghị:

  • Acid Folic: 

Acid Folic được cho là có khả năng ngăn chặn và giảm tốc độ di căn và lây lan của các khối u não. Chính vì vậy, việc bổ sung những thực phẩm giàu acid folic như rau bina, cam, gạo và đậu hoặc sử dụng thực phẩm bổ sung acid folic có thể có lợi trong việc chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật u não.

  • Thực phẩm chứa chất chống Oxy hóa:

Các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như việt quất, dâu tây, nho, táo đã được chứng minh có khả năng ngăn ngừa ung thư, giảm tỷ lệ tái phát các khối u như u não.

  • Omega- 3:

Omega -3 không chỉ chống lại bệnh ung thư bằng cách giảm tốc độ tăng trưởng của khối u, mà còn có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch trong cơ thể, đẩy nhanh tốc độ phục hồi và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm các loại bệnh khác.

Axít béo omega-3 rất quan trọng đối với tế bào não và có nhiều trong các loại cá béo như cá hồi, cá thu, dầu cá, đậu phụ, súp lơ, trứng,… Chất này giúp bảo vệ dây thần kinh khỏi bị hư hại và phục hồi nhiều hơn sau chấn thương.

Ở một số người bệnh, sau phẫu thuật có thể gặp một số di chứng tạm thời như: méo miệng, khó nhai, nuốt,... người nhà có thể nấu các món cháo gạo, thịt gà, thịt lợn, ruốc thịt, cá, sữa, táo, nước cam, cà chua, rau xanh,… chế biến thành các món mềm, nhỏ, dễ nhai và nuốt hợp khẩu vị của người bệnh.

Cố gắng hạn chế táo bón nhất có thể bằng dinh dưỡng nhiều chất xơ, vì đầy bụng khó tiêu cũng có thể làm tăng huyết áp, hoặc khi bệnh nhân phải rặn cũng khiến tăng áp lực lên sọ não.

Không sử dụng chất kích thích (bia rượu, thuốc lá, cà phê)

Tuyệt đối không sử dụng thuốc lá và thức uống có ga, có cồn như rượu, bia,… Rượu, bia làm tăng giãn mạch (thường thấy là đỏ mặt), từ đó gây tăng áp lực lên não, giảm tốc độ hồi phục, thậm chí còn hại tế bào não. 

Người thân hay người chăm sóc khi giao tiếp với bệnh nhân không nên sử dụng thuốc lá xung quanh khu vực bệnh nhân sinh hoạt. Thuốc lá gây tăng tình trạng viêm, xơ vữa mạch máu.

Ngoài ra, các thức ăn quá khô cứng không phải lựa chọn lý tưởng cho người bệnh. Chúng khiến người bệnh có cảm giác đau nhức khi nuốt những thực phẩm này.

Chế độ sinh hoạt lành mạnh

Sau khi phẫu thuật các bác sĩ đã khuyến cáo người bệnh nên rời khỏi giường và ngồi lên ghế. Dù thời điểm này việc đứng lên và di chuyển sẽ khá khó khăn. Việc vận động thường xuyên sẽ nhanh chóng giảm nguy cơ đông máu ở chân và khiến cơ thể thích nghi dần dần.

Với vết thương phẫu thuật, cần vệ sinh đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh để vết thương nhiễm trùng gây nguy hiểm tới tính mạng.

Giữ tinh thần ổn định, tránh căng thẳng, lo âu

U não là một căn bệnh nguy hiểm, người bệnh khó tránh khỏi việc rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng. Điều này có ảnh hưởng xấu tới quá trình điều trị, làm gián đoạn và chậm quá trình phục hồi.

Người nhà nên động viên, khích lệ, tăng công tác tư tưởng để người thân được yên tâm, tập trung và phối hợp điều trị. 

Tập thiền, hít thở cũng là cách xoa dịu tâm lí, trấn an tinh thần, giúp người bệnh an tâm, ngủ ngon, từ đó việc hồi phục mới nhanh hơn

Trong thời gian chăm sóc tại nhà, nếu nhận thấy người bệnh xuất hiện triệu chứng bất thường hoặc mất nhiều thời gian nhưng không cải thiện sức khỏe, cần tái khám với bác sĩ điều trị để được kiểm tra và can thiệp kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết