Những nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VII thường gặp

Tác giả: - Xuất bản: 04/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 07/12/2023
nguyen-nhan-liet-day-than-kinh-so-vii
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng liệt dây thần kinh số 7 - ảnh: BookingCare
Bài viết đưa ra một số nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VII và một số phương pháp chẩn đoán nhằm cung cấp thông tin cho người đọc liên quan đến bệnh lý này.

Nguyên nhân liệt dây thần kinh số VII có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Mỗi nguyên nhân được xác định dựa trên các phương pháp chẩn đoán khác nhau, từ đó đưa ra cách điều trị phù hợp.

Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VII

Sọ não có 12 đôi dây thần kinh, được gọi là thần kinh sọ để phân biệt với các dây thần kinh của tủy sống. Mỗi đôi dây thần kinh có một chức năng khác nhau, trong đó dây thần kinh số VII phụ trách vận động cơ mặt, cảm giác vị giác cho ⅔ trước lưỡi và cảm giác sờ chạm cho vùng vành tai (vùng Ramsay Hunt).

Liệt dây thần kinh số VII (hay liệt mặt) là tình trạng mất chức năng của dây thần kinh sọ não số VII gây ra sự bất thường trong việc điều chỉnh cơ mặt. Dây thần kinh số VII có thể bị liệt bẩm sinh từ khi sinh ra, tuy nhiên với các trường hợp phát bệnh sau này có thể do một số nguyên nhân như:

  • Đột quỵ não: các trường hợp đột quỵ não như nhồi máu não hoặc xuất huyết não gây tổn thương vào vùng não chỉ huy hoạt động của dây thần kinh sọ não số VII sẽ dẫn tới liệt dây thần kinh gây méo mặt, mắt nhắm không kín, ăn rơi vãi ở bên bị liệt.
  • Nhiễm trùng: một số bệnh lý nhiễm trùng trong vùng tai như viêm tai giữa, viêm tai xương chũm hoặc zona thần kinh (do tái hoạt động virus thủy đậu), nhiễm virus herpes có thể gây viêm hoặc chèn dây thần kinh số VII qua xương đá (tai trong) dẫn đến tê liệt chức năng dây thần kinh.
  • Các tổn thương như chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn thể thao hoặc tai nạn lao động, các phẫu thuật gần vùng tai và mặt có thể gây ra liệt dây thần kinh số VII.
  • Dây thần kinh bị chèn ép khi đi qua đoạn hẹp trong ống thần kinh mặt của xương đá dẫn đến thiếu máu cục bộ và giảm chức năng của dây thần kinh. Cơ chế này thường được cho là gây liệt mặt trên các bệnh nhân có tình trạng giữ nước trong cơ thể dẫn tới phù nề dây thần kinh.
  • Thiếu máu dây thần kinh: đa phần các bệnh nhân liệt mặt thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, sau khi tắm nước lạnh hoặc ra vào phòng máy lạnh. Các mạch máu nhỏ có thể bị co thắt đột ngột dẫn đến liệt.
  • Bệnh lý đái tháo đường gây tổn thương các mạch máu nhỏ cấp máu cho dây thần kinh dẫn đến liệt.
  • Một số bệnh lý như u xơ vùng tai, bệnh Lyme, bệnh quai bị, viêm khớp dạng thấp và bệnh lý tự miễn dịch có thể gây liệt dây thần kinh số VII.
  • Trong thực tế, đa phần các trường hợp liệt dây thần kinh số VII không thể xác định rõ nguyên nhân gây bệnh được gọi là liệt Bell.

Một số phương pháp chẩn đoán nguyên nhân liệt dây thần kinh số VII

Nguyên nhân liệt dây thần kinh số VII cần được chẩn đoán kết hợp dựa trên các xét nghiệm và thăm khám lâm sàng của bác sĩ. Một số xét nghiệm chẩn đoán phổ biến bao gồm:

  • Khám lâm sàng: bao gồm các bài kiểm tra cảm giác, chức năng vận động các cơ, bệnh lý nền, hoàn cảnh xuất hiện liệt mặt nhằm đánh giá triệu chứng và tìm hiểu về cơ chế gây bệnh.
  • Kiểm tra mức độ liệt mặt: bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các động tác vận động cơ mặt để đánh giá tình trạng bệnh.
  • Các xét nghiệm bổ sung: các thăm dò hình ảnh học não như: CT scan hoặc MRI giúp bác sĩ đánh giá tình trạng não và dây thần kinh số VII trong sọ.

Trên đây là một số nguyên nhân chính gây liệt dây thần kinh số VII. Tùy vào các biểu hiện liệt dây thần kinh và các thông tin được cung cấp, người bệnh có thể được chỉ định các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán từ bác sĩ để xác định nguyên nhân cụ thể gây ra hiện tượng này, từ đó đưa ra những phương án điều trị phù hợp.