Phác đồ điều trị bệnh cơ tim phì đại

Tác giả: - Xuất bản: 25/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Phác đồ điều trị bệnh cơ tim phì đại
Phác đồ điều trị bệnh cơ tim phì đại - Ảnh: BookingCare
Ba phương pháp điều trị được áp dụng trong phác đồ điều trị bệnh cơ tim phì đại là: Điều trị nội khoa, điều trị tắc nghẽn đường ra tâm thất trái và dự phòng đột tử tim.

Để điều trị bệnh cơ tim phì đại, cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: chênh áp đường ra thất trái, kết quả siêu âm tim, có hay không có triệu chứng,... Từ đó, các  bác sĩ Tim mạch sẽ có phác đồ điều trị phù hợp với thể trạng từng bệnh nhân. Trường hợp nguy hiểm nhất khi bệnh nhân có nguy cơ đột tử tim sẽ cần thực hiện dự phòng đột tử tim bằng cách cấy thiết bị phá rung tự động (ICD).

Sơ đồ hướng dẫn tiếp cận và điều trị bệnh cơ tim phì đại (Theo ESC 2014) - Ảnh: benhviennfuyentriphuong
Sơ đồ hướng dẫn tiếp cận và điều trị bệnh cơ tim phì đại (Theo ESC 2014) - Ảnh: benhviennfuyentriphuong

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa, hay dễ hiểu hơn, là điều trị triệu chứng và biến chứng bằng việc sử dụng thuốc. Phương pháp này thường được áp dụng cho người bệnh siêu âm gắng sức có kết quả chênh áp đường ra thất trái <50mmHg.

Các loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị nội khoa bệnh lý phì đại cơ tim bao gồm:

  • Thuốc chẹn beta như metoprolol (Lopressor, Toprol-XL), propranolol (Inderal, Innopran XL) hoặc atenolol (Tenormin) giúp điều trị triệu chứng đau thắt ngực và khó thở
  • Thuốc chẹn kênh canxi như verapamil (Verelan, Calan SR) hoặc diltiazem (Cardizem, Tiazac) có tác dụng tương tự như thuốc chẹn beta, thường được chỉ định cho những bệnh nhân không dung nạp hoặc có chống chỉ định với thuốc chẹn beta giao cảm.
  • Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim như amiodarone (Pacerone) hoặc disopyramide (Norpace)
  • Thuốc làm loãng máu như warfarin (Jantoven), dabigatran (Pradaxa), rivaroxaban (Xarelto) hoặc apixaban (Eliquis) để ngăn ngừa cục máu đông hình thành 

Điều trị tắc nghẽn đường ra tâm thất trái

Điều trị tắc nghẽn đường ra tâm thất trái có thể sử dụng các loại thuốc gồm chẹn beta giao cảm và verapamil. Nếu việc điều trị nội khoa không hiệu quả cần thiết, sẽ cần thực hiện can thiệp phẫu thuật.

Hai phương pháp can thiệp thường được sử dụng nhiều nhất để điều trị tắc nghẽn đường ra tâm thất trái là phẫu thuật cắt gọt vách liên thất và tiêm cồn để làm mỏng vách liên thất:

  • Phẫu thuật cắt gọt vách liên thất: Phẫu thuật này trực tiếp làm mỏng đoạn gần của vách liên thất. Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào vị trí của cơ tim dày lên. Tuy nhiên, phẫu thuật này có nguy cơ gây các biến chứng mạn tính hoặc gây block nhĩ thất độ cao.
  • Can thiệp làm mỏng vách liên thất bằng cồn: Cồn được tiêm vào nhánh vách thứ nhất hoặc thứ hai của động mạch liên thất trước để gây nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân bị block nhĩ thất hoàn toàn và phải cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn. Hiện nay ít được sử dụng.

Dự phòng đột tử tim

Một số trường hợp người bệnh có nguy cơ đột tử tim do bệnh cơ tim phì đại gây ra, thường bắt gặp các triệu chứng như:

  • Ngất đột ngột
  • Tiền sử gia đình đột tử do bệnh cơ tim phì đại
  • Phì đại thất trái nặng (>30 mm)
  • Nhịp nhanh thất không bền vỉ trên Holter điện tâm đồ
  • Đáp ứng huyết áp bất thường với gắng sức (không tăng hoặc tụt huyết áp)

Biện pháp duy nhất được sử dụng để dự phòng nguy cơ đột tử do bệnh cơ tim phì đại là cấy máy phá rung tự động (ICD). Đây là một thiết bị được cấy vào ngực,hoạt động như máy điều hòa nhịp tim. Nếu xảy ra tình trạng rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng, ICD sẽ cung cấp những cú sốc điện được hiệu chỉnh chính xác để phục hồi nhịp tim. Việc sử dụng ICD đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa đột tử do tim, xảy ra ở một số người mắc bệnh cơ tim phì đại.