Phình động mạch chủ bụng: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh

Tác giả: - Xuất bản: 25/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Phình động mạch chủ bụng: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh
Phình động mạch chủ bụng: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh - Ảnh: BookingCare
Tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh phình động mạch chủ trong bài viết dưới đây từ BookingCare.

Phình động mạch chủ bụng là hiện tượng một phần phình ra ở phần động mạch chủ chạy qua bụng của bạn. Bệnh lý thông thường không gây ra triệu chứng cho đến khi chúng phình to dẫn đến bị vỡ. Các chuyên gia Tim mạch sẽ đánh giá kích thước đoạn bị phình, nếu  chúng lớn và có nguy cơ bị vỡ, bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật.

Phình động mạch chủ bụng là gì?

Cơ thể chúng ta có phần động mạch chiếm diện tích lớn nhất trên cơ thể gọi là động mạch chủ, có vai trò đưa máu đi nuôi toàn bộ cơ thể. Động mạch chủ chạy từ tim qua ngực, sau đó đến bụng, phần động mạch đi đến bụng được gọi là động mạch chủ bụng. 

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thành động mạch chủ bụng bị suy yếu, do đó, dưới áp lực máu chảy qua khiến chúng bị phình to ra và không trở lại được trạng thái ban đầu, gây ra hiện tượng phình động mạch chủ bung. 

Các chuyên gia Tim mạch sẽ chẩn đoán bạn mắc bệnh phình động mạch chủ bụng nếu một đoạn động mạch chủ của bạn phình to ra ít nhất 50% so với đường kính trung bình, con số cụ thể thường là vào khoảng 5-5,5 cm.

Phình động mạch chủ bụng - Ảnh: Healthline
Phình động mạch chủ bụng - Ảnh: Healthline

Nguyên nhân gây ra phình động mạch chủ bụng

Chứng phình động mạch có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào dọc theo động mạch chủ, tuy nhiên, vị trí thường xảy ra nhất là ở phần động mạch chủ vùng bụng. 

Một số nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của chứng phình động mạch chủ bụng, bao gồm:

  • Xơ cứng động mạch, được gọi là xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch xảy ra khi chất béo và các chất khác tích tụ trên niêm mạc mạch máu, làm thu hẹp thành động mạch, khiến áp lực máu lên thành động mạch ngày một lớn.
  • Huyết áp cao. Huyết áp cao có thể làm hỏng và làm suy yếu thành động mạch chủ.
  • Viêm động mạch chủ: Thành động mạch chủ bị nhiễm trùng do một số vi khuẩn hoặc nấm nhất định có thể gây ra chứng phình động mạch chủ bụng.
  • Tổn thương: ví dụ, bị thương trong một vụ tai nạn ô tô có thể gây ra chứng phình động mạch chủ bụng.

Bệnh lý này cũng phổ biến hơn ở cánh mày râu hơn, theo MSD Manual, tỷ lệ mắc phình động mạch chủ bụng ở nam giới cao gấp 3 lần. Ngoài ra, các yếu tố về  tuổi tác, thói quen hút thuốc, tiền sử gia đình,... cũng làm tăng nguy cơ gây ra phình động mạch chủ bụng.

Triệu chứng biểu hiện phình động mạch chủ bụng

Hầu hết các trường hợp phình động mạch chủ bụng đều không có triệu chứng cho đến khi chúng phình to hơn, lóc tách hoặc dọa vỡ và nặng nhất là vỡ. Khi đó, bệnh sẽ phát triển một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Đau đột ngột ở bụng hoặc lưng
  • Cơn đau lan từ bụng hoặc lưng đến xương chậu, chân hoặc mông tùy vào hướng lan lóc tách của phình
  • Đổ mồ hôi nhiều
  • Nhịp tim nhanh
  • Choáng váng, có thể ngất xỉu, mất ý thức

Tuy nhiên, khi động mạch chủ bị vỡ chắc chắn sẽ đe dọa đến tính mạng người bệnh. Do đó, nếu nhận thấy bản thân hoặc người thân xung quanh gặp một trong những biểu hiện trên, cần tìm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Cũng tương tự như khi thực hiện chẩn đoán các bệnh lý tim mạch khác, trước tiên, các bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát tình trạng sức khỏe người bệnh cũng như đặt các câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh.

Dựa vào đó, các bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp chẩn đoán chuyên sâu hơn, bao gồm:

  • Siêu âm bụng. Đây là xét nghiệm phổ biến nhất để chẩn đoán chứng phình động mạch chủ bụng. Sóng âm thanh được sử dụng để hiển thị cách máu chảy qua các cấu trúc ở vùng bụng, bao gồm cả động mạch chủ nhằm phát hiện những bất thường ở vùng động mạch chủ bụng
  • Chụp CT bụng: Phương pháp này sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh cắt ngang của các cấu trúc bên trong vùng bụng, bao gồm cả động mạch chủ. Phương pháp còn có thể xác định được kích thước và hình dạng của chứng phình động mạch
  • MRI bụng: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng từ trường và sóng vô tuyến do máy tính tạo ra để tạo ra hình ảnh chi tiết về các cấu trúc bên trong vùng bụng, bao gồm  cả tình trạng động mạch chủ bụng

Phương pháp điều trị bệnh

Phương pháp điều trị chứng phình động mạch chủ bụng sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý mà bệnh nhân đang gặp phải, cụ thể bao gồm: vị trí động mạch chủ bị phình, tốc độ phát triển và loại chứng phình động mạch.

Các phương pháp điều trị bệnh bao gồm;

  • Phẫu thuật mở bụng: Phẫu thuật này được sử dụng để loại bỏ các phần bị tổn thương trên động mạch chủ. Đây là hình thức phẫu thuật xâm lấn mất nhiều thời gian hồi phục, thường sẽ được chỉ định nếu phình động mạch quá lớn hoặc đã vỡ
  • Phẫu thuật nội mạch: Hình thức phẫu thuật ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật mở bụng, được thực hiện trong lòng mạch bằng các ông thông dài, mảnh, nhằm mục đích ổn định các thành động mạch bị suy yếu
  • Theo dõi và kiểm soát: Đối với trường hợp phình động mạch chủ bụng có chiều rộng dưới 5,5 cm, bác sĩ có thể quyết định theo dõi thường xuyên bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thay vì thực hiện phẫu thuật

 Phình động mạch chủ bụng là một bệnh lý phổ biến, có thể bắt gặp cả ở những người trẻ tuổi. Phình động mạch chủ bụng sẽ đặc biệt nguy hiểm và cần phải cấp cứu nếu chúng bị vỡ ra. Do đó, việc nằm được các thông tin cần thiết về bệnh cũng như thực hiện lối sống lành mạnh là cực kỳ quan trọng giúp phòng ngừa bệnh.