Phương pháp điều trị người bệnh suy tim
Các phương pháp điều trị bệnh suy tim - Ảnh: BookingCare
Các phương pháp điều trị bệnh suy tim - Ảnh: BookingCare

Phương pháp điều trị người bệnh suy tim

Tác giả: - Xuất bản: 14/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Tùy thuộc vào tình trạng người bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm: thay đổi lối sống kết hợp dùng thuốc và can thiệp phẫu thuật hoặc đặt các thiết bị chuyên dụng.

Để điều trị suy tim, cần phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các phương pháp điều trị suy tim thường được áp dụng bao gồm thay đổi lối sống kết hợp với dùng thuốc, một số trường hợp nặng sẽ cần can thiệp phẫu thuật. Nếu nguyên nhân gây suy tim là do một bệnh lý đặc thù khác, việc điều trị khỏi bệnh đó có thể chữa khỏi tình trạng suy tim.

Điều trị kết hợp sử dụng thuốc và thay đổi lối sống

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây suy tim mà bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng kết hợp các loại thuốc khác nhau để cải thiện triệu chứng bệnh. Một số các loại thuốc điều trị thường được sử dụng như:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE): Những loại thuốc này làm giãn mạch máu để hạ huyết áp, cải thiện lưu lượng máu và giảm căng thẳng cho tim. Một số loại thuốc thuộc nhóm này: enalapril (Vasotec, Epaned), lisinopril (Zestril, Qbrelis) và captopril.
  • Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (ARB)” Có tác dụng  tương tự như thuốc ức chế ACE do tác dụng phụ gây ho, sử dụng thay thế cho một số người bệnh không sử dụng được ACE. Các loại thuốc bao gồm: losartan (Cozaar), valsartan (Diovan) và candesartan (Atacand).
  • Thuốc chẹn beta: Những loại thuốc này làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp giúp tim có thêm thời gian nghỉ ngơi hơn. Chúng làm giảm các triệu chứng suy tim và giúp tim hoạt động tốt hơn. Các loại thuốc trong nhóm này gồm: carvedilol (Coreg), metoprolol (Lopressor, Toprol-XL, Kaspargo Sprinkle) và bisoprolol.
  • Thuốc lợi tiểu: Có tác dụng khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên hơn, giúp ngăn ngừa sự tích tụ chất lỏng trong cơ thể. Các loại thuốc lợi tiểu thường được sử dụng như: furosemide (Lasix, Furoscix), spironolactone (Aldactone, Carospir) và eplerenone (Inspra)
  • Thuốc ức chế natri-glucose cotransporter-2 (SGLT2): Những loại thuốc này làm giảm lượng đường trong máu. Chúng vốn được kê đơn kèm theo chế độ ăn kiêng và tập thể dục để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng chúng cũng là một trong những phương pháp điều trị suy tim
  • Digoxin (hay còn gọi là digitalis, giúp tim co bóp tốt hơn để bơm máu, thường được kê cho người bệnh có vấn đề về nhịp tim, chẳng hạn như rung tâm nhĩ
  • Hydralazine và isosorbide dinitrate (BiDil): Sự kết hợp hai loại thuốc này giúp làm giãn mạch máu, thường được kê thêm nếu người bệnh có triệu chứng suy tim nghiêm trọng đã sử dụng thuốc ức chế ACE hoặc thuốc chẹn beta nhưng không hiệu quả
  • Một số loại thuốc khác: Các bác sĩ Tim mạch có thể kê thêm nhiều loại thuốc để điều trị các loại thuốc cụ thể, chẳng hạn, một số người có thể dùng nitrat để giảm đau ngực, statin để giảm cholesterol hoặc thuốc làm loãng máu để giúp ngăn ngừa cục máu đông

Bên cạnh việc dùng thuốc, các bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân thực hiện các thay đổi trong lối sống để hỗ trợ việc điều trị bệnh đạt hiệu quả tốt nhất, bao gồm:

  • Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho tim mạch, bao gồm rau củ quả, trái cây, các loại cá, hạt dinh dưỡng, dầu thực vật, hải sản, thịt nạc,... 
  • Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa như đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, mỡ động vật, đường và muối
  • Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày
  • Hạn chế hút thuốc, hạn chế sử dụng rượu bia

Điều trị can thiệp phẫu thuật

Một số phẫu thuật tim hoặc can thiệp đặt thiết bị có thể được khuyến nghị để điều trị vấn đề dẫn đến suy tim, bao gồm:

  • Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Phẫu thuật này cần thực hiện nếu động mạch bị tắc nghẽn nghiêm trọng gây ra suy tim. Để tiến hành phẫu thuật, cần lấy một mạch máu khỏe mạnh từ chân, cánh tay hoặc ngực để nối với động mạch bị tắc nghẽn. Nhờ đó, giúp cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim
  • Phẫu thuật van tim: Nếu van tim bị tổn thương là nguyên nhân gây ra suy tim ở người bệnh, sẽ cần phải tiến hành phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế van tim
  • Máy khử rung tim cấy ghép (ICD): ICD là một thiết bị được cấy trong cơ thể người bệnh có rối loạn nhịp tim nguy hiểm ( rung thất, nhịp nhanh thất). Máy hoạt động nhu 1 thiết bị sốc điện tự động mỗi khi bệnh nhân xuất hiện các cơn rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Ngoài ra, máy còn có chức năng tạo nhịp tim hiệu quả nếu tim của bệnh nhân có vấn đề về nhịp tim chậm bệnh lý.
  • Thiết bị trị liệu tái đồng bộ nhịp tim (CRT): Còn được gọi là máy tạo nhịp hai tâm thất, CRT là phương pháp điều trị suy tim ở những người có 2 buồng tim dưới bơm không đồng bộ với nhau. Máy sẽ tạo ra các tín hiệu thích hợp để các buồng tim có thể bơm máu đồng bộ với nhau hơn
  • Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VAD): VAD giúp bơm máu từ các buồng dưới của tim đến phần còn lại của cơ thể

Suy tim là bệnh lý tim mạch nghiêm trọng, không chỉ gây suy giảm sức khỏe nặng nề mà còn có nguy cơ dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng bởi hiện nay,  có rất nhiều phương án điều trị hiệu quả.

Chỉ định về phương pháp điều trị cụ thể sẽ dựa vào tình trạng và cơ địa của bệnh nhân và  thường được đưa ra sau một quá trình đánh giá kỹ lưỡng bởi các bác sĩ Tim mạch. Điều quan trọng là hãy luôn tham khảo và tuân thủ ý kiến của bác sĩ để có kế hoạch điều trị phù hợp, đạt hiệu quả tốt nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết