Thông thường, phương pháp điều trị bệnh viêm màng tim phổ biến nhất vẫn là điều trị bằng thuốc. Trường hợp viêm màng ngoài tim cấp độ nặng dẫn đến tràn dịch màng tim sẽ cần phải can thiệp phẫu thuật để dẫn lưu dịch ra ngoài.
Điều trị bằng thuốc
Phương pháp điều trị viêm màng ngoài tim phổ biến nhất là điều trị bằng thuốc để giảm triệu chứng và giảm tình trạng viêm bên trong cơ thể. Các loại thuốc thường được chỉ định bao gồm:
- Thuốc giảm đau, chống viêm NSAID : Đau do viêm màng ngoài tim thường có thể được điều trị bằng thuốc giảm, chống viêm như aspirin hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB,...)
- Colchicine (Colcrys, Mitigare): Thuốc này làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể, thường được sử dụng phối hợp với NSAID để điều trị viêm màng ngoài tim cấp tính hoặc nếu các triệu chứng có xu hướng quay trở lại, giảm tỷ lệ viêm màng ngoài tim tái phát. Tuy nhiên, loại thuốc này không được khuyến cáo sử dụng nếu người bệnh mắc bệnh gan hoặc thận
- Corticosteroid: Đây là loại thuốc chống viêm rất mạnh, hư prednisone có thể được kê đơn nếu các triệu chứng viêm màng ngoài tim không thuyên giảm khi dùng NSAID hoặc nếu viêm màng ngoài tim tái phát
- Ngoài ra, nếu viêm màng ngoài tim do vi khuẩn, việc điều trị có thể bao gồm dùng kháng sinh nếu cần thiết
Điều trị bằng can thiệp phẫu thuật
Nếu viêm màng ngoài tim gây ra sự tích tụ chất lỏng xung quanh tim, có thể cần phải phẫu thuật hoặc can thiệp một số thủ thuật khác để dẫn lưu chất lỏng.
- học dẫn lưu dịch màng ngoài tim: Khi lượng dịch trong khoang màng tim quá nhiều gây chèn ép tim dẫn đến khó thở, tụt huyết áp thì cần dẫn lưu nhằm loại bỏ bớt lượng dịch dư thừa khỏi khoang màng tim. Thủ thuật này được tiến hành bằng một kim vô trùng hoặc một ống nhỏ (ống thông) được sử dụng để loại bỏ và dẫn lưu dịch ra khỏi khoang màng ngoài tim
- Phẫu thuật cắt bỏ màng ngoài tim: Toàn bộ màng ngoài tim có thể cần phải được phẫu thuật cắt bỏ nếu lớp màng ngoài tim trở thành một túi bao cứng quanh tim làm hạn chế khả năng giãn nở của quả tim, thường gọi là màng ngoài tim co thắt.
Sống chung với bệnh hiệu quả
Với những người bệnh chưa cần điều trị bằng can thiệp phẫu thuật mà chỉ điều trị bằng thuốc thì điều quan trọng nhất là cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ về loại và liều lượng thuốc. Một số trường hợp người bệnh cần nhập viện để theo dõi và điều trị. Ngoài ra, cần thực hiện một số biện pháp sau để duy trì lối sống tích cực, đảm bảo hiệu quả điều trị:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế những loại thực phẩm ảnh hưởng xấu đến tim mạch như: đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều muối, nhiều đường
- Hạn chế uống rượu bia, dừng hút thuốc lá nếu có thể, đồng thời cũng hạn chế việc hít phải khói thuốc lá một cách thụ động
- Tập thể dục thường xuyên, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ về hình thức tập luyện phù hợp với thể trạng bệnh
- Tiêm phòng cúm hàng năm ngăn ngừa viêm màng ngoài tim, cơ tim
Trường hợp người bệnh sau khi phẫu thuật cần lưu ý một số điều sau để sớm hồi phục:
Sau khi phẫu thuật màng ngoài tim, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
- Nghỉ ngơi đủ, tránh vận động quá sức hoặc làm việc nặng trong vòng 6 tuần sau phẫu thuật
- Vệ sinh, thay băng hàng ngày và luôn giữ vết mổ sạch sẽ, khô ráo để ngăn ngừa nhiễm trùng
- Theo dõi sức khỏe và các triệu chứng của mình. Nếu có dấu hiệu sốt cao, đau ngực, khó thở, hoặc vết mổ sưng tấy, mủ hoặc chảy máu, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức
Dù đang áp dụng phương pháp nào để điều trị viêm màng ngoài tim, người bệnh cũng cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ kết hợp thay đổi lối sống theo hướng tích cực để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.