Phương pháp điều trị viêm tai giữa theo y học cổ truyền
điều trị viêm tai giữa bằng đông y
Tìm hiểu điều trị viêm tai giữa bằng đông y - Ảnh: BookingCare

Phương pháp điều trị viêm tai giữa theo y học cổ truyền

Tác giả: - Xuất bản: 05/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 24/02/2024
Viêm tai giữa là hiện tượng viêm cấu trúc tai giữa nằm ngay sau màng nhĩ. Điều trị viêm tai giữa bằng y học cổ truyền có tác dụng tốt trong hỗ trợ giảm triệu đau nhức tai, chảy mủ tai, giúp giảm đau và giảm khó chịu cho người bệnh, đặc biệt trong trường hợp viêm tai giữa mạn tính.

Viêm tai giữa là tình trạng viêm cấp hoặc mãn tính của tai giữa. Ngày nay có rất nhiều phương pháp chữa viêm tai giữa nhưng các biện pháp đông y vẫn được nhiều người tin dùng bởi tính an toàn, ít tác dụng phụ, phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. 

Viêm tai giữa theo y học cổ truyền

Để nhận biết viêm tai giữa ở trẻ em, các triệu chứng thường gặp là đau tai, đặc biệt khi trẻ ở tư thế nằm, khó ngủ, khóc nhiều, chảy dịch từ tai nghe kém hoặc phản ứng kém với âm thanh, mất thăng bằng, có thể sốt 38 độ trở lên, đau đầu hoặc ăn/bú kém. 

Trong khi đó, người lớn lại thường sốt, đau tai, dịch chảy ra từ tai, khó nghe hoặc đôi khi ù tai. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác viêm tai giữa, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa Tai mũi họng với sự hỗ trợ của các thiết bị, máy móc và xét nghiệm chuyên sâu như nội soi tai mũi họng, đo thính lực của tai.

Viêm tai giữa theo y học hiện đại chia thành các thể viêm tai giữa cấp tính, thường là một biến chứng của rối loạn chức năng vòi nhĩ thường do một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus và vi khuẩn (H.influenzae, Streptoccocus pneumoniae/ phế cầu); viêm tai giữa ứ dịch khi niêm mạc của tai giữa bị viêm và tiết dịch, nhưng dịch này không chảy ra ngoài tai mà ứ lại phía sau màng tai, dịch ứ có thể ở dạng thanh dịch, dịch nhày hoặc keo dính; và viêm tai giữa mạn tính khi tình trạng viêm kéo dài mà không được điều trị triệt để, bị chảy mủ lâu ngày, thường là trên 12 tuần.

Theo Y học cổ truyền viêm tai giữa có một số bệnh danh để miêu tả triệu chứng viêm tai giữa như nhĩ ung, Nùng nhĩ, Nhĩ cam, bệnh do phong nhiệt hoặc nhiệt độc gây nên. Bệnh lúc đầu là cấp tính, nếu không điều trị kịp thời và triệt để có thể dẫn đến viêm tai giữa mạn tính hay tái phát

viêm tai giữa trẻ em
Viêm tai giữa thường gặp ở trẻ em - Ảnh: Canva

Lợi ích khi chữa viêm tai giữa bằng đông y

Y học hiện đại chủ yếu điều trị viêm tai giữa bằng thuốc giảm đau hoặc các thuốc kháng sinh nhỏ tại chỗ hoặc đường toàn thân.

Mặc dù các nhóm thuốc được sử dụng cho kết quả nhanh chóng, có tác dụng giảm viêm, giảm phù nề nhưng các triệu chứng khó chịu khi viêm tai giữa, đặc biệt trong viêm tai giữa mạn tính có thể kéo dài và khó điều trị dứt điểm. 

Việc sử dụng y học cổ truyền, đặc biệt là các dược liệu để điều trị bệnh có thể là một giải pháp hỗ trợ điều trị các triệu chứng của viêm tai giữa mà không gây ra các tác dụng không mong muốn ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh.

Chữa viêm tai giữa bằng đông y

Các bài thuốc chữa viêm tai giữa

Đông y chia bệnh viêm tai giữa làm 2 thể, tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà điều trị. 

  • Thể cấp tính: Thường do phong nhiệt, nhiệt độc xâm phạm vào kinh can, đởm gây ra, với triệu chứng rầm rộ như sốt, sợ lạnh, đau đầu, ù tai, đau trong tai, có thể chảy mủ tai vàng đặc, mùi hôi thối, có khi lẫn máu, mạch huyền sác, rêu lưỡi vàng. 

Điều trị thể bệnh cấp tính dùng pháp sơ phong thanh nhiệt hoặc trừ thấp nhiệt ở kinh can đởm. Bài thuốc cổ phương điều trị thể này thường dùng Sài hồ thanh can thang hoặc Long đởm tả can thang gia giảm. Nếu chảy máu, mủ gia Sinh địa, Đan bì; nếu sốt cao gia Kim ngân hoa, Liên kiều.

  • Thể mạn tính: Là tình trạng viêm tai giữa kéo dài, không khỏi hẳn, có khi xuất hiện đợt cấp. Các thể bệnh viêm tai giữa chia làm 3 thể theo nguyên nhân bệnh: do thấp nhiệt ở can kinh, hư hỏa tại thận hoặc do tỳ hư thấp nhiệt.
    • Thể can kinh thấp nhiệt: Là đợt cấp của viêm tai giữa mạn tính. Triệu chứng: Bệnh nhân thường xuyên chảy mủ tai, mủ đặc dính, mùi hôi, lượng nhiều, tai đau nhức.                              

Pháp điều trị: Thanh can lợi thấp. Bài thuốc: Long đởm tả can thang, tương tự như điều trị viêm tai giữa cấp tính.

    • Thể thận hư hay âm hư hư hỏa thượng viêm: Thường gặp ở người lớn tuổi, bệnh lâu ngày ảnh hưởng tới chức năng nghe. Triệu chứng: Mủ ra thường xuyên, mủ loãng, tai ù, nghe kém, hoa mắt chóng mặt, ngủ ít, lưng gối mỏi đau, lưỡi khô, ít rêu, mạch tế sác.

Pháp điều trị: Dưỡng âm thanh nhiệt, bổ thận thông khiếu, thường dùng bài Tri bá địa hoàng thang gia giảm hoặc Đại bổ âm hoàn.

    • Thể tỳ hư thấp nhiệt: Thường gặp ở trẻ em viêm tai giữa mạn tính với tình trạng nổi bật là tỳ mất kiện vận. Triệu chứng: Chảy mủ loãng kéo dài, sắc mặt vàng bủng, ăn kém chậm tiêu, đại tiện loãng, mệt mỏi, mạch hoãn nhược.                                                              

Pháp điều trị: Kiện tỳ hóa thấp. Bài thuốc thường dùng là Thanh tỳ thang gia giảm. Ngoài ra có thể sử dụng các bài thuốc Sâm linh bạch truật tán hoặc Bổ trung ích khí thang gia giảm.

Ngoài các thuốc uống trong như vừa nêu, cần kết hợp điều trị bằng các thuốc dùng ngoài tại vị trí tai bị bệnh. Các bài thuốc có thể áp dụng như:

  • Bài 1: Hoàng liên 16g; Băng phiến 0,6g; Bằng sa 1,2g. Tất cả tán bột mịn, rắc vào vị trí tai viêm ngày 1 lần sau khi rửa sạch tai bằng nước muối.
  • Bài 2: Phèn phi 16g; Băng phiến 0,6g; Xác rắn đốt 04g. Cách dùng tương tự như bài 1: Tất cả tán bột mịn, rắc vào vị trí tai viêm ngày 1 lần sau khi rửa sạch tai bằng nước muối.

Chữa viêm tai giữa bằng các phương pháp không dùng thuốc

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, y học cổ truyền cũng có những biện pháp không dùng thuốc hỗ trợ điều trị viêm tai giữa hiệu quả. 

  • Châm cứu kích thích các huyệt vị: Ế phong, Thính hội, Thính cung.
  • Tùy theo thể bệnh, nếu nhiệt nhiều thêm Hợp cốc, Phong trì, nếu thận hư thêm Thận du, nếu tỳ hư thêm Túc tam lý. Ngoài ra có thể kết hợp Nhĩ châm các điểm Tai, Tai trong, Nội tiết.
  • Luyện tập khí công, yoga giúp nâng cao thể trạng người bệnh cũng là các phương pháp được khuyên dùng.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về các phương pháp điều trị viêm tai giữa theo y học cổ truyền.

 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết