Polyp túi mật: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 29/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Polyp túi mật: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Polyp túi mật: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa - Ảnh: BookingCare
Bài viết sẽ cung cấp thông tin về bệnh polyp túi mật, từ nguyên nhân, triệu chứng đến phương pháp điều trị hiện đại. Mời bạn đọc cùng tham khảo.

Bệnh polyp túi mật là một vấn đề phổ biến trong hệ tiêu hóa, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh polyp túi mật, từ nguyên nhân phát sinh, triệu chứng đến những phương pháp điều trị hiện đại và những biện pháp phòng ngừa.

Nguyên nhân gây polyp túi mật

Nguyên nhân gây ra polyp túi mật vẫn chưa được xác định chính xác. Túi mật là một cơ quan có kích thước bằng quả lê, nằm bên dưới gan, thực hiện chức năng lưu trữ và cô đặc mật (muối mật, cholesterol, chất béo và sắc tố mật). Sau đó, cơ thể sử dụng mật để phân hủy và hấp thụ chất béo có trong thức ăn. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc polyp túi mật là:

  • Sỏi mật.
  • Viêm túi mật.
  • Viêm đường mật .
  • Bệnh viêm gan B.
  • Bệnh đa polyp tuyến gia đình (FAP).
  • Hội chứng Peutz-Jeghers .
  • Cholesterol cao .
  • Trên 50 tuổi.

Triệu chứng polyp túi mật

Polyp túi mật thường không gây ra triệu chứng. Chúng thường được phát hiện khi bệnh nhân được siêu âm bụng trong các trường hợp đi khám sức khoẻ. Polyp phát triển trong ống túi mật có thể cản trở dòng mật đi vào trong túi mật, gây viêm thành túi mật khu trú (viêm túi mật).

Trong một số trường hợp, Các mảnh viêm có thể bong tróc ra gây tắc nghẽn, cản trở dòng mật ra khỏi túi mật, gây viêm đường mật hoặc viêm tụy.

Các triệu chứng viêm có thể bao gồm:

  • Đau bụng.
  • Sốt.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Vàng da.
Người mắc polyp túi mật cảm thấy đau bụng, buồn nôn. - Ảnh: Canva

Nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng trên hãy đi khám ngay lập tức vì có thể tình trạng polyp túi mật của bạn đã trở nên trầm trọng hơn.

Biến chứng polyp túi mật

Biến chứng polyp túi mật có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như viêm  túi mật, viêm đường mật và viêm tụy, đặc biệt trong trường hợp có kèm theo sỏi túi mật. Một số polyp túi mật có khả năng tiến triển thành ung thư túi mật. Để đảm bảo sức khỏe, việc tìm hiểu và điều trị biến chứng polyp túi mật là rất quan trọng.

Chẩn đoán polyp túi mật

Các phương pháp chẩn đoán polyp túi mật bao gồm:

  • Siêu âm bụng: Siêu âm giúp xác định polyp, vị trí, kích thước và hình dạng polyp (có cuống hay không cuống), đồng thời giúp theo dõi tiến triển để có phương pháp điều trị phù hợp. Tỷ lệ chẩn đoán chính xác của siêu âm đối với polyp túi mật là trên 90%. Ngoài ra, siêu âm có thể giúp đánh giá các tổn thương khác ở gan và các cơ quan trong ổ bụng,...
  • Chụp mật cản quang qua đường uống (ít sử dụng): Hình ảnh polyp sẽ hiển thị dưới dạng hình khuyết cản quang ở túi mật sau khi uống thuốc.
  • Chụp mật ngược dòng qua nội soi (ít sử dụng): Thường chỉ được chỉ định khi siêu âm đường mật thất bại.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner – MSCT scanner): Được sử dụng trong các trường hợp polyp lớn có nguy cơ ác tính. CT có thể sử dụng chất cản quang để chẩn đoán chính xác gần 90%.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chỉ được chỉ định khi nghi ngờ polyp có tính ác tính.
  • Sinh hóa: Đánh giá chức năng gan thận, kiểm tra virus viêm gan (HCV, HbsAg,...), miễn dịch u (CEA, CA 19-9).

Điều trị polyp túi mật

Hầu hết các polyp túi mật sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào hoặc không cần điều trị, nhưng bác sĩ vẫn sẽ tiếp tục theo dõi để đảm bảo chúng không phát triển quá lớn, quá nhanh hoặc tạo ra bất kỳ triệu chứng mới nào. Để theo dõi tình hình bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm siêu âm định kỳ. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu đáng lo ngại nào, bác sĩ sẽ đề nghị cắt bỏ túi mật.

Polyp túi mật sẽ không tự biến mất nếu không can thiệp phẫu thuật. - Ảnh: Canva

Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là phương pháp điều trị thường được sử dụng trong các bệnh lý về túi mật. Nếu polyp của bạn bị viêm hoặc kèm theo sỏi mật, bạn sẽ được khuyến khích nên cắt bỏ để ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn.

Lưu ý rằng, bạn vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường mà không cần túi mật.

Có hai loại phẫu thuật cắt bỏ túi mật.

  • Phẫu thuật cắt túi mật nội soi phương pháp nội soi thường được sử dụng vì nó ít gây ra biến chứng hơn và thời gian hồi phục ngắn hơn (khoảng hai tuần).
  • Phẫu thuật cắt túi mật mở có thể được yêu cầu khi bác sĩ nghi ngờ ung thư. Đây là một thủ tục dài hơn với thời gian phục hồi lâu hơn (khoảng sáu đến tám tuần).

Tuy nhiên, phẫu thuật luôn tiềm ẩn một số rủi ro, bao gồm chảy máu, biến chứng do gây mê và tổn thương các cơ quan lân cận. Những rủi ro này là thấp so với nguy cơ ung thư tiềm ẩn. Không có tác dụng phụ lâu dài sau khi cắt bỏ túi mật.

Phòng ngừa polyp túi mật

Để ngăn ngừa tối đa tình trạng hình thành polyp túi mật, một số lời khuyên dưới đây có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng quát và giảm nguy cơ hình thành polyp túi mật. Bạn có thể áp dụng những phương pháp đơn giản sau:

  • Tránh thức đồ chiên nướng hoặc chứa nhiều chất béo: Hạn chế tiêu thụ thức ăn chiên nướng và thực phẩm chứa nhiều chất béo, vì chúng có thể gây ra tăng cân và tăng nguy cơ hình thành polyp túi mật.
  • Tránh ăn thực phẩm giàu cholesterol và thực phẩm chế biến sẵn: Cố gắng giảm thiểu ăn thực phẩm giàu cholesterol như thịt đỏ, trứng và sản phẩm từ sữa béo. Thay vào đó, ưu tiên các loại thực phẩm tươi ngon và không chứa chất béo bão hòa.
  • Tránh uống sữa có nhiều chất béo và đồ uống có gas: Hạn chế tiêu thụ sữa có nhiều chất béo và đồ uống có gas, vì chúng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành polyp túi mật.
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả: Tăng cường tiêu thụ trái cây và rau quả giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất, giúp cơ thể duy trì sức khỏe tốt và giảm nguy cơ hình thành polyp túi mật.
  • Tăng cường bổ sung axit béo Omega-3: Bổ sung axit béo Omega-3 từ các nguồn như cá hồi, hạt chia, và hạt lanh để hỗ trợ sức khỏe tim mạch và giảm viêm nhiễm trong cơ thể.
  • Thêm gừng và nghệ vào thực đơn hàng ngày: Gừng và nghệ có tính chất chống viêm và chống ô nhiễm, giúp tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ gan khỏi các tác động có hại.

Việc hiểu rõ về bệnh polyp túi mật sẽ giúp chúng ta nhận biết và phòng tránh tốt hơn. Hãy chăm sóc sức khỏe của mình bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh và định kỳ kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến túi mật.