Sâu răng: Giải đáp 5 câu hỏi phổ biến, nhiều người thắc mắc
Giải đáp những câu hỏi về sâu răng
Giải đáp những câu hỏi về sâu răng - Ảnh: BookingCare

Sâu răng: Giải đáp 5 câu hỏi phổ biến, nhiều người thắc mắc

Người kiểm duyệt: - Cố vấn y khoa: - Xuất bản: 31/07/2023 - Cập nhật lần cuối: 22/03/2024
Sâu răng là bệnh lý răng miệng có thể gặp ở bất kỳ ai, bất kỳ đối tượng nào. Vậy dấu hiệu sâu răng là gì, điều trị sâu răng ra sao? Các câu hỏi sẽ được giải đáp trong bài viết.

Sâu răng là bệnh lý nha khoa gây "ám ảnh" ở hầu hết các độ tuổi. Sự đau nhức, khó chịu do sâu răng gây ra thường âm ỉ, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Nếu không phát hiện nguyên nhân và chủ động phòng ngừa, sâu răng có thể gây nên những biến chứng nặng nề hơn.

Trong bài viết dưới đây, Dental Health sẽ tổng hợp và giải đáp 5 câu hỏi mọi người thường thắc mắc về vấn đề sâu răng, bạn đọc có thể tham khảo và "bỏ túi" những lưu ý cần thiết để chủ động phòng ngừa sâu răng.

Dấu hiệu sâu răng là gì?

Sâu răng là bệnh lý nha khoa có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Đây là tình trạng răng bị tổn thương do vi khuẩn tấn công và phá hủy chất khoáng làm mất đi lớp mô cứng của răng. Theo thời gian, vi khuẩn hình thành các lỗ nhỏ bên trong răng và lây lan theo thời gian.

Thời gian đầu, các dấu hiệu sâu răng chỉ xuất hiện ở men răng và không có triệu chứng. Các cơn đau bất chợt từng cơn có thể dữ dội và dai dẳng khi tủy bị ảnh hưởng. Nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến viêm tủy.

Cac giai doan sau rang
Nếu không điều trị kịp thời, sâu răng sẽ ngày càng nghiêm trọng và gây ra biến chứng - Ảnh: tudienbenhhoc.com

Các triệu chứng như đau, nhạy cảm thường xuất hiện muộn nên nhiều bệnh nhân thường chủ quan, không để ý. Đôi khi những dấu hiệu đau bị lầm tưởng là mọc răng khôn và nếu không kiểm tra kỹ sẽ không phát hiện những lỗ hổng sâu răng đang dần hình thành.

Một vài dấu hiện đau nhức do sâu răng bạn cần lưu ý như:

  • Xuất hiện các cơn đau tự phát, không rõ nguyên nhân
  • Răng trở nên nhạy cảm hơn khi sử dụng đồ uống nóng/ lạnh
  • Xuất hiện các mảng bám, lỗ hổng màu đen, nâu trên răng.
  • Có thể cảm nhận mùi hôi từ vị trí răng bị sâu.
  • Khi cắn, nghiến, cảm giác răng đau nhiều hơn.

Đối tượng nào dễ bị sâu răng? Có nguy hiểm không?

Theo thống kê của bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương, hơn 90% người Việt Nam đang mắc các vấn đề về răng miệng. Trong đó, trên 80% người trưởng thành và cao tuổi có răng sâu vĩnh viễn.

sau rang o nguoi lon
Sâu răng là bệnh lý răng miệng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào - Ảnh: Google

Mặc dù sâu răng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng một số nhóm đối tượng dễ bị các nguyên nhân gây sâu răng hơn những người khác. Các đối tượng dễ bị sâu răng nhất có thể kể đến:

  • Trẻ em: Trẻ em thường dễ bị sâu răng hơn vì các bé không biết đánh răng đúng cách và thích ăn những thực phẩm có nhiều đường. Răng sữa của trẻ cũng mỏng và yếu hơn, dễ bị vi khuẩn và axit tác động hơn.
  • Người cao tuổi: Người cao tuổi thường bị giảm tiết nước bọt, làm giảm khả năng tự làm sạch của miệng và giảm khả năng chống lại vi khuẩn gây sâu răng. Ngoài ra, men răng của người lớn tuổi cũng có xu hướng mỏng và yếu đi theo thời gian, làm tăng nguy cơ sâu răng.
  • Những người có chế độ ăn uống không lành mạnh: Những người thường xuyên tiêu thụ thức ăn và đồ uống có đường, đồ ăn nhanh, chế biến nhiều dầu mỡ, gia vị sẽ gây nên các mảng bám tại các kẽ hở răng, khó làm sạch.
  • Người sử dụng thuốc lá: Hút thuốc và sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác có thể làm hỏng răng và tăng nguy cơ sâu răng.
  • Người mắc các bệnh về răng miệng, rối loạn chức năng hệ thống răng miệng: Những người mắc các vấn đề về răng miệng như nướu bị co cứng, viêm nha chu hay thiếu hụt men amylase cũng có nguy cơ bị sâu răng cao.
  • Người có răng bị tổn thương, có lỗ hổng trên men răng: Răng có dị dạng, có lỗ hổng hoặc vết nứt trên men răng là vùng dễ bị vi khuẩn và axit tấn công, dễ dẫn đến sâu răng.

Đối với bất kỳ đối tượng nào, việc chăm sóc răng miệng đúng cách và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh đều là yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa sâu răng và bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Bên cạnh sự đau nhức khó chịu, nếu những vết sâu răng không được điều trị kịp thời sẽ xảy ra các biến chứng răng miệng không mong muốn và ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày như:

  • Nếu vị trí sâu răng là các răng mặt ngoài sẽ ảnh hưởng phần nào đến tính thẩm mỹ, dẫn đến mất tự tin trong giao tiếp.
  • Sâu răng gây hôi miệng, hơi thở có mùi khó chịu
  • Răng bị sâu quá nặng còn có thể gây gãy, mẻ và mất răng kéo dài.
  • Sâu răng lâu ngày không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng mòn chân răng, lớp men răng yếu đi khiến chân răng bị đen.
  • Nếu không được can thiệp kịp thời, sâu răng không chỉ cố định tại một chỗ mà còn lan sang các răng bên cạnh. Răng cửa hoặc răng hàm bị sâu nặng cần phải nhổ sẽ dẫn đến một số biến chứng mất răng như: hàm lệch lạc, lệch lạc, tiêu xương hàm,…

Nguyên nhân gây sâu răng là gì?

Tùy từng đối tượng sẽ có những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sâu răng khác nhau. Tuy nhiên, các nguyên nhân sâu răng đều xuất phát từ 2 yếu tố: vệ sinh răng miệng không đúng cách và thói quen ăn uống không lành mạnh.

Nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ nhỏ

Theo thống kê, tỷ lệ sâu răng ở trẻ trong độ tuổi từ 6 - 8 tuổi lên đến 85%. Sâu răng trẻ em là một vấn đề phổ biến hiện nay và có nhiều nguyên nhân gây ra. Dưới đây là một số nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ:

  • Mảng bám trên răng: Một trong những nguyên nhân chính gây sâu răng ở trẻ em cũng là mảng bám, một lớp mờ trên bề mặt răng có chứa vi khuẩn. Vi khuẩn này sẽ tiếp tục ăn đường và tạo ra axit, phá vỡ mô men bảo vệ bên ngoài của răng.

  • Thói quen ăn đồ ngọt: Bánh, kẹo, kem, nước có ga, ... là những thực phẩm chứa nhiều đường, chất tạo ngọt mà các bạn nhỏ rất thích, thường xuyên sử dụng. Việc tiêu thụ thức ăn này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây sâu răng phát triển và gây tổn hại lớp men răng.

  • Kỹ thuật vệ sinh răng miệng không đúng: Trẻ nhỏ thường chưa biết đánh răng đúng cách hoặc không thực hiện đúng kỹ thuật vệ sinh răng miệng. Điều này dẫn đến việc không loại bỏ đủ mảng bám và vi khuẩn, khiến răng dễ bị sâu hơn.

  • Răng yếu, răng nhạy cảm: Khi răng của trẻ mới mọc, chúng thường mỏng yếu hơn, dễ bị tác động bởi vi khuẩn và axit, dẫn đến tình trạng sâu răng.

  • Dị dạng răng và các vấn đề về miệng: Các dị dạng răng, lỗ hổng hay nứt trong men răng, hoặc những vấn đề về miệng khác cũng có thể làm tăng nguy cơ sâu răng ở trẻ nhỏ.

Để phòng ngừa sâu răng ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần hướng dẫn và giám sát việc vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng kỹ thuật từ khi còn bé.

nguyen nhan sau rang
Một số nguyên nhân gây sâu răng phổ biến - Ảnh: Nha khoa Trồng răng Sài Gòn

Nguyên nhân gây sâu răng ở người lớn

Không chỉ trẻ nhỏ, tình trạng sâu răng vẫn có thể xuất hiện ở người lớn nếu chế độ sinh hoạt và vệ sinh răng miệng không hợp lý. Có rất nhiều yếu tố gây sâu răng ở người lớn, có thể kể đến như:

  • Mảng bám lâu ngày trên răng: Một trong những nguyên nhân chính gây sâu răng là mảng bám, một lớp trong mờ chứa vi khuẩn bám trên bề mặt răng. Những vi khuẩn này tiếp tục ăn đường và tạo ra axit phá hủy mô men bảo vệ bên ngoài răng của bạn.
  • Ăn đồ ngọt: Ăn nhiều đồ ngọt, đặc biệt là đường tinh luyện và các đồ ngọt khác có thể tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn hình thành sâu răng và làm hỏng men răng.
  • Thói quen hút thuốc và ăn uống không đúng cách: Hút thuốc và sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác có thể làm hỏng răng của bạn và khiến chúng dễ bị sâu hơn. Ngoài ra, thói quen ăn uống không tốt như ăn vặt quá nhiều, ăn nhiều đường, uống nước có ga cũng có thể làm tăng nguy cơ sâu răng.
  • Răng sứt mẻ hoặc nứt: Răng bị vỡ hoặc nứt tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào men răng và gây sâu răng.
  • Các bệnh và rối loạn về răng miệng: Một số bệnh về răng miệng như co thắt nướu, viêm răng, thiếu men amylase cũng có thể làm tăng nguy cơ sâu răng.
  • Chưa lưu ý về phương pháp vệ sinh răng miệng đúng cách: Đánh răng thường xuyên, sử dụng chỉ nha khoa sắc nhọn và chăm sóc răng miệng không tốt cũng làm tăng nguy cơ sâu răng.

Điều trị sâu răng như thế nào?

Để khắc phục tức thời những cơn đau do sâu răng gây ra, người lớn và trẻ nhỏ có thể sử dụng một số mẹo điều trị sâu răng tại nhà như chườm đá, súc miệng nước muỗi loãng, hay sử dụng các thực phẩm có tính kháng sinh như chanh, gừng, tỏi,...

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, men răng không thể tự phục hồi sau những tổn thương do sâu răng gây ra. Do đó, những khu vực răng bị sâu không thể tự xử lý triệt để, điều trị răng sâu tại nhà là không có hiệu quả hoàn toàn. Bạn vẫn cần đến nha sĩ để thăm khám và hướng dẫn cách điều trị hợp lý.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị sâu răng được thực hiện tại các phòng nha uy tín bạn đọc có thể tham khảo:

  • Điều trị tủy răng: Khi tình trạng sâu răng trở nên nghiêm trọng, áp xe răng hoặc nhiễm trùng lan rộng đến tủy răng, lúc này điều trị tủy là việc cần thiết. Nha sĩ sẽ lần lượt lấy sạch phần cùi răng bị sâu, làm sạch bên trong răng, chân răng trước khi trám hoặc bọc sứ để bảo vệ chiếc răng này.
  • Trám răng: Trám răng là phương pháp điều trị sâu răng có thể sử dụng cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Đối với răng bị hư tổn, bạn nên đến gặp bác sĩ để phục hồi hoặc trám bít lại phần răng bị hư tổn. Trám răng không chỉ giúp phục hồi chức năng răng mà còn có tính thẩm mỹ cao.
  • Nhổ răng và trồng răng: Khi tình trạng răng sâu có dấu hiệu nhiễm trùng nặng, răng rất khó để giữ lại và phục hồi. Với tình trạng này, bác sĩ sẽ khuyên nhổ bỏ và thay thế hoàn toàn răng mới bằng phương pháp trồng răng.
dieu tri sau rang
Hàn/ trám răng hoặc nhổ răng, trồng răng mới là các phương pháp điều trị sâu răng phổ biến hiện nay - Ảnh: Google

Cách phòng tránh sâu răng sao cho hiệu quả?

Ngoài việc điều trị sâu răng, chúng ta nên lưu ý hơn về các biện pháp phòng tránh sâu răng ngay từ sớm. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, ba mẹ cần giáo dục trẻ về tầm quan trọng của vệ sinh răng miệng đúng cách, thường xuyên.

Để chủ động phòng tránh sâu răng hiệu quả, các bác sĩ nha khoa đưa ra lời khuyên về một số thói quen cần lưu ý như:

  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều đường: Việc ăn uống lành mạnh và hạn chế tiêu thụ đường đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sâu răng.
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách: đánh răng 2 lần/ ngày, sử dụng nước súc miệng, chỉ nha khoa,... là những phương pháp làm sạch răng miệng hàng ngày được bác sĩ gợi ý để hạn chế tối đa các mảng bám, vi khuẩn tích tụ. Lưu ý, nên sử dụng kem đánh răng có chứa chất fluoride sẽ giúp lấp đầy những lỗ sâu li ti do sâu răng gây ra.
  • Khám nha khoa định kỳ: Kiểm tra răng miệng định kỳ cùng nha sĩ 6 tháng/ lần sẽ giúp bảo đảm các vấn đề răng miệng được phát hiện kịp thời. Bác sĩ sẽ thăm khám kỹ lưỡng tình trạng răng miệng và sử dụng dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ hoàn toàn các mảng bám cao răng giúp răng miệng sạch sẽ, chắc khỏe, sáng bóng, ngăn ngừa tốt nhất tình trạng hôi miệng và các bệnh lý.
kham nha khoa dinh ky
Khám nha khoa định kỳ sẽ phòng ngừa tối đa tình trạng sâu răng - Ảnh: Google

Các bác sĩ Nha khoa khuyến cáo, cần lưu ý hơn trong vấn đề vệ sinh răng miệng hàng ngày và nên điều trị sớm khi nhận thấy dấu hiệu sâu răng.

Sâu răng là bệnh lý răng miệng gây nên nhiều phiền toái, ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ về nguyên nhân, cách phòng tránh sâu răng thì việc chủ động phòng ngừa sâu răng sẽ nhẹ nhàng hơn.

Trên đây, Dental Health đã giải đáp 5 thắc mắc khi gặp tình trạng sâu răng của mọi người như triệu chứng thường gặp, đối tượng dễ bị sâu răng, nguyên nhân, cách điều trị và phương pháp phòng tránh sâu răng hiệu quả. Mong rằng bài viết sẽ hữu ích tới bạn đọc.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng