Sinh thiết cổ tử cung: ưu điểm, hạn chế và các lưu ý cần thiết
Sinh thiết cổ tử cung: ưu điểm, hạn chế và các lưu ý cần thiết
cover-sinh-thiet-co-tu-cung
Sinh thiết cổ tử cung là phương pháp đánh giá nhanh và chính xác về chức năng cơ quan sinh sản của phụ nữ - ảnh: BookingCare

Sinh thiết cổ tử cung: ưu điểm, hạn chế và các lưu ý cần thiết

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 20/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 27/11/2023
Sinh thiết cổ tử cung là cách lấy mô từ tử cung để xét nghiệm các dấu hiệu bất thường liên quan đến tử cung. Kết quả sinh thiết là căn cứ quan trọng để bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.

Sinh thiết cổ tử cung là phương pháp chẩn đoán quan trọng đối với phụ nữ để chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa các bệnh phụ khoa. Việc thực hiện sinh thiết cung cấp thêm thông tin để đánh giá tình trạng sức khỏe sinh sản và có định hướng chăm sóc phù hợp.

Sinh thiết cổ tử cung là gì? Mục đích thực hiện

Sinh thiết cổ tử cung là phương pháp y tế nhằm tách lấy một mẫu nhỏ mô từ tử cung để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán chi tiết hơn. Phương pháp này được sử dụng để chẩn đoán các vấn đề phụ khoa, đặc biệt là các bệnh liên quan đến cổ tử cung hoặc tiền ung thư cổ tử cung.

Các trường hợp cần làm sinh thiết cổ tử cung

Một số chị em phụ nữ có thể cần thực hiện sinh thiết cổ tử cung nếu như xuất hiện một trong các triệu chứng sau:

  • Phát hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình khám âm đạo.
  • Phát hiện các tế bào bất thường trong kết quả xét nghiệm Pap
  • Dương tính với virus HPV, bệnh polyp cổ tử cung.
  • Nổi mụn sinh dục hoặc có các hiện tượng ngứa rát bộ phận sinh dục.
  • Sử dụng thuốc chứa diethylstilbestrol (DES) trong quá trình mang thai.

Quy trình và các phương pháp sinh thiết

Người làm sinh thiết sẽ được khám và tư vấn các vấn đề liên quan đến xét nghiệm. Sinh thiết cổ tử cung có thể được thực hiện sau kỳ kinh nguyệt khoảng 1 tuần. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xét nghiệm dựa vào tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Có 3 phương pháp phổ biến trong sinh thiết cổ tử cung bao gồm:

  • Bấm sinh thiết: phương pháp lấy mẫu mô bằng một lưỡi dao tròn trên các vùng khác nhau của cổ tử cung.
  • Sinh thiết chóp cổ tử cung: sinh thiết chóp sử dụng tia laser, vòng điện hoặc dao mổ để tách một mảnh mô khỏi cổ tử cung.
  • Nạo nội tiết cổ tử cung (ECC): bác sĩ sử dụng nạo để cạo lớp lót của ống nội tiết ở bên trong cổ tử cung.

Ưu điểm và hạn chế của sinh thiết cổ tử cung

Sinh thiết cổ tử cung là xét nghiệm khá phổ biến ở phụ nữ có nhu cầu chẩn đoán các bệnh liên quan đến cơ quan sinh dục và chức năng sinh sản. Bên cạnh những ưu điểm, sinh thiết cổ tử cung cũng có những yếu tố rủi ro để người bệnh và bác sĩ cân nhắc lựa chọn thực hiện.

Ưu điểm của sinh thiết tử cung

  • Sinh thiết là cách chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của cổ tử cung. Phương pháp này có thể phát hiện các nguy cơ bệnh lý hoặc các dấu hiệu bất thường liên quan đến tử cung cũng như nguy cơ phát triển ung thư.
  • Phương pháp sinh thiết tương đối nhanh gọn, không phải thực hiện phẫu thuật phức tạp.
  • Kết quả sinh thiết cổ tử cung là căn cứ xác định phương pháp điều trị phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân khác nhau.

Hạn chế của sinh thiết cổ tử cung

  • Quy trình sinh thiết có thể gây ra một số khó chịu trong khoảng vài ngày sau sinh thiết, người bệnh có thể phải sử dụng thuốc để kiểm soát cơn đau.
  • Một số trường hợp có thể xảy ra biến chứng nhiễm trùng, chảy máu hay tăng nguy cơ vô sinh do sẹo.
  • Kết quả sinh thiết có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác: kỳ kinh nguyệt, các bệnh viêm vùng chậu, viêm tử cung…

Những điều cần lưu ý khi làm sinh thiết cổ tử cung

Khi thực hiện sinh thiết cổ tử cung, người bệnh cần lưu ý một số điều như sau:

  • Thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng hay các vấn đề sức khỏe khác để được đánh giá chi tiết và hướng dẫn cụ thể về việc ngừng thuốc hoặc nhịn ăn trước khi thực hiện sinh thiết.
  • Tránh thụt rửa, sử dụng các loại thuốc âm đạo hoặc quan hệ tình dục trong vòng 24 giờ trước sinh thiết.
  • Sau quá trình xét nghiệm, người bệnh cần nghỉ ngơi hợp lý, có thể dùng thuốc giảm đau cũng như hạn chế tác động hoặc quan hệ tình dục đến khi vết thương lành hẳn.
  • Trường hợp xảy ra các biến chứng nặng, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.

Trên đây là những vấn đề liên quan đến sinh thiết cổ tử cung. Hy vọng những lưu ý trên sẽ giúp bạn đọc chuẩn bị tốt hơn cho quá trình thực hiện sinh thiết cổ tử cung.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết