Sơ cứu người bệnh động kinh: Nên làm và tuyệt đối tránh những điều sau

Tác giả: - Xuất bản: 16/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 27/10/2023
Sơ cứu người bệnh động kinh
Sơ cứu người bệnh động kinh: nên làm và tuyệt đối tránh - Ảnh: BookingCare
Động kinh là bệnh lý khá phổ biến, trong đó người bệnh động kinh có xu hướng bị các cơn động kinh tái phát vô cớ. Tìm hiểu cách sơ cứu người bệnh động kinh đúng cách trong bài viết dưới đây.

Bệnh động kinh có những triệu chứng đặc trưng như co giật cơ không kiểm soát, mất ý thức, lú lẫn, co cứng người,.... Động kinh là một tình trạng phổ biến của não, trong đó người bệnh có xu hướng bị các cơn động kinh tái phát vô cớ.

Cơn động kinh thường kéo dài khoảng 2 - 3 phút. Sau cơn cơ giật bệnh nhân có thể hồi phục dần. Do vậy, khi gặp người bệnh lên cơn động kinh bạn cần bình tĩnh quan sát và hỗ trợ người bệnh, không nên hoảng loạn vì bạn không thể ngăn được cơn động kinh khi nó đang diễn ra.

Những điều nên làm để sơ cứu người bệnh lên cơn động kinh

Nếu đang ở cùng với người bị co cứng - co giật (khi cơ thể cứng đờ, sau đó là giật cơ nói chung), bạn cần:

  • Giữ bình tĩnh và ở bên cạnh trợ giúp người bệnh.

  • Giữ an toàn cho người bệnh, giúp người bệnh tránh khỏi các vật sắc nhọn hay vật cứng xung quanh có thể gây nguy hiểm .
  • Đặt vật mềm như gối, chăn mềm gấp gọn, áo khoác dưới đầu người bệnh và nới lỏng quần áo chật.
  • Đặt người bệnh xoay nghiêng sang một bên để dễ thở hơn.
  • Xem đồng hồ, tính thời gian cho cơn động kinh (nếu có thể).

Trong một số trường hợp đặc biệt hơn, bạn đọc có thể tham khảo một số hướng dẫn sau:

Nếu người bệnh bị co giật khi đang ngồi trên xe lăn

Nếu một người bị co giật khi ngồi trên xe lăn, ghế ô tô hoặc xe đẩy, điều bạn cần làm là:

  • Để người ngồi và thắt dây an toàn .
  • Cài phanh xe lăn lại.
  • Bảo vệ đầu của bệnh nhân cho đến khi cơn động kinh kết thúc.
  • Nghiêng người sang một bên để giúp thoát dịch trong miệng.

Nếu cơn động kinh diễn ra khi người bệnh ở dưới nước

Nếu cơn động kinh xảy ra trong nước bạn cần làm những điều sau:

  • Đỡ phần đầu, để phần đầu và mặt của người bệnh nhô lên khỏi mặt nước.
  • Nghiêng đầu bệnh nhân ra sau để đảm bảo đường thở thông thoáng.
  • Nếu người đó đang ở trong hồ bơi, hãy đưa họ ra khỏi nước khi hiện tượng giật đã dừng lại. Lưu ý: Trong một số trường hợp hiếm gặp, hiện tượng co giật không dừng lại, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác nếu có thể và đưa người đó ra khỏi vùng nước ở đầu nông nhất của hồ bơi.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ nếu có thể.

Sau khi đưa người bệnh ra khỏi nước:

  • Gọi cứu thương ngay lập tức.
  • Kiểm tra xem người bệnh có thở không.
  • Nếu người bệnh không thở hoặc thở không bình thường, hãy đặt người bệnh nằm ngửa và bắt đầu hồi sức tim phổi.

Những điều không nên làm khi sơ cứu người bệnh động kinh

Khi gặp người bệnh đang lên cơn động kinh không nên làm những việc sau đây:

  • Không cố gắng giữ người bệnh xuống hoặc ngăn chặn chuyển động, có thể gây trật khớp, gãy xương.
  • Không cho bất cứ vật gì vào miệng người bệnh vì bệnh nhân có thể cắn gãy, hoặc gãy răng, rơi vào đường thở.
  • Không hô hấp nhân tạo cho người bệnh, người đang co giật vẫn có thể tự thở được.
  • Không cho người bệnh uống nước, uống thuốc hay ăn bất kỳ thứ gì cho đến khi tỉnh lại. Việc cho người bệnh ăn hay uống thứ gì đều có thể dẫn tới tắc nghẽn đường thở.