Sơ cứu trật mắt cá chân
Sơ cứu trật mắt cá chân
Trật mắt cá chân gây sưng nề cổ chân
Trật mắt cá chân gây sưng nề cổ chân - Ảnh: BookingCare

Sơ cứu trật mắt cá chân

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 24/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 25/04/2024
Trật mắt cá chân (hay thường gọi là bong gân) là một chấn thương dây chằng do dây chằng bị kéo căng quá mức hoặc bị rách. Dây chằng có thể bị rách một phần hoặc toàn bộ. Sơ cứu trật mắt cá chân được tóm gọn trong bốn bước cơ bản được viết tắt là RICE.

Trật mắt cá chân hay gặp trong hoạt động thể thao như: chạy, nhảy, hay đơn giản bước hụt chân khi xuống cầu thang. Đây là một tổn thương cấp tính, mang đến cảm giác đau đớn, sưng, nề bao quanh khớp một cách nhanh chóng, khớp mất vững chắc và hạn chế vận động.

Sơ cứu trật mắt cá chân rất đơn giản nhưng quyết định khả năng hồi phục của tổn thương. 

Trật mắt cá chân biểu hiện như thế nào? 

Cấu trúc của một khớp được giữ vững nhờ hệ thống các dây chằng bao quanh khớp. Trật mắt cá chân là một tình trạng tổn thương đứt hoàn toàn hoặc đứt bán phần các sợi dây chằng ở khớp cổ chân. Hậu quả làm cho khớp lỏng lẻo, hạn chế vận động. 

Mức độ hồi phục của trật mắt cá chân phụ thuộc rất nhiều vào bước sơ cứu đầu tiên. Tổn thương có thể được hồi phục cũng như giảm các triệu chứng đau, sưng nề cho khớp. 

Cách sơ cứu trật mắt cá chân 

Bốn bước cơ bản nhất trong sơ cứu trật mắt cá chân được các bác sĩ khuyến cáo là: R.I.C.E, đây là viết tắt của cụm từ Rest – Ice – Compression – Elevation, cụ thể dưới đây: 

Rest – Nghỉ ngơi

Cần cho khớp cổ chân được bất động hoàn toàn. Bạn nên nghỉ ngơi tại chỗ trong ít nhất 48 giờ đầu, hạn chế áp lực lên cổ chân. Dùng nạng để đi lại khi cần thiết. 

Ice – Chườm mát 

Chườm mát bằng túi chườm chuyên nghiệp, hoặc có thể bọc đá vào khăn rồi đặt lên vị trí trật. Nhiệt độ lạnh có tác dụng làm giảm sưng nề đáng kể do giảm thoát dịch từ huyết tương ra mô mềm.

Trong 48 giờ đầu, bạn có thể chườm mát tích cực, 6 - 8 lần một ngày. Lưu ý, không nên dùng nhiệt quá lạnh có thể làm tổn thương thêm mô mềm 

Compression – Quấn băng

Quấn băng thun xung quanh khớp bị đau để cố định khớp tránh sự di lệch của khớp khi dây chằng đang bị tổn thương. Không nhất thiết phải quấn băng cả ngày, bạn có thể bỏ băng khi nghỉ ngơi. 

Elevation – Gác chân cao lên

Gác chân cao lên để hạn chế phù nề, có thể đặt gối ở dưới rồi gác chân lên. Các chuyên gia giải thích rằng, khi gác chân lên cao hơn so với tim, máu tĩnh mạch về tim dễ hơn, tuần hoàn máu quanh vị trí tổn thương sẽ tốt hơn, tránh tình trạng ứ máu tăng thêm phù nề. 

Ngoài biện pháp hỗ trợ này, nếu tình trạng phù nề nhiều, bác sĩ có thể kê thêm thuốc để giảm phù nề nhanh hơn trong mấy ngày đầu.

chườm mát vị trí trật mắt cá
Chườm mát vị trí trật mắt cá chân giảm đau, sưng nề - Ảnh: Istock 

Các dấu hiệu bạn nên đi khám bác sĩ ngay 

Nếu trật mắt cá chân nhẹ, thì vết thương có thể tự phục hồi nếu áp dụng nguyên tắc RICE. Nhưng bạn cần đi khám bác sĩ NGAY nếu:

  • Cảm giác đau đớn kèm không cử động được ngón chân: Nếu chỉ có trật mắt cá chân, bạn có thể hạn chế động tác của cổ chân do đau, nhưng các ngón chân vẫn có thể cử động được bình thường. Lúc này có thể có tổn thương khác ngoài trật mắt cá. 
  • Vị trí tổn thương nề đỏ, sưng nóng, biến đổi màu sắc da từng vệt đỏ, có thể là biểu hiện của nhiễm trùng. 
  • Nếu khớp bị trật tái đi tái lại nhiều lần cũng là chỉ định cần đi khám bác sĩ 
  • Loại trừ các tổn thương nguy hiểm khác như gãy xương nếu cơ chế chấn thương mạnh. 
  • Bạn có hệ miễn dịch yếu, tiểu đường hoặc các bệnh lý mãn tính khác.

Trật mắt cá chân có thể tự phục hồi sau vài tuần nếu được sơ cứu đúng cách. Ngoài ra, sau giai đoạn cấp, bác sĩ khuyên bạn nên tập phục hồi chức năng cho dây chằng nhanh chóng hồi phục, tăng sức mạnh của các dây chằng. Điều này giúp hạn chế được trật khớp tái phát sau này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare