Sốt co giật ở trẻ em: Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách xử trí
Sốt co giật ở trẻ em: Nguyên nhân, Biến chứng và Điều trị
Sốt co giật ở trẻ em: Nguyên nhân, Biến chứng và Điều trị - Ảnh: BookingCare

Sốt co giật ở trẻ em: Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách xử trí

Tác giả: - Xuất bản: 23/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 23/12/2023
Sốt co giật ở trẻ có triệu chứng như thế nào? Nguyên nhân là gì? Cách xử trí cho trẻ ra sao để đảm bảo an toàn? Mời phụ huynh tham khảo nội dung bài viết dưới đây.

Co giật do sốt được chẩn đoán ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi bị sốt > 38,5 độ C, sau khi đã loại trừ các bệnh lý tổn thương hệ thống thần kinh trung ương như nhiễm trùng, xuất huyết, chấn thương, lỵ....

Triệu chứng sốt co giật ở trẻ

Hầu hết các cơn co giật do sốt ở trẻ em xảy ra trong vài giờ đầu tiên của cơn sốt, trong thời gian đầu nhiệt độ cơ thể tăng lên. Thông thường, trẻ bị co giật do sốt (sốt co giật lành tính) sẽ co gồng co cứng toàn thân, đơn thuần và sau cơn bé tỉnh, không yếu liệt. 

Trẻ bị co giật do sốt thường có triệu chứng:

  • Sốt cao, đa phần trên 38,5 độ C
  • Mất tỉnh táo
  • Co gồng hoặc co cứng toàn thân 
  • Trợn mắt, tím môi

Phân loại co giật do sốt gồm 2 nhóm chính:  đơn giản và phức tạp.

  • Sốt co giật đơn giản: kéo dài < 15 phút, co giật toàn thể, không lặp lại trong vòng 24 giờ và sau cơn bé tỉnh, không có dấu thần kinh định vị. Nguyên nhân này chiếm hơn 90% các trường hợp co giật do sốt.
  • Sốt co giật phức tạp: kéo dài ≥ 15 phút, xảy ra nhiều lần trong vòng 24 giờ, co giật cục bộ hoặc kèm theo dấu thần kinh định vị.

Nguyên nhân sốt co giật

Thông thường, trẻ sốt trên 38,5 độ C sẽ có nguy cơ cao bị co giật do sốt. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có thể bị co giật mặc dù sốt dưới ngưỡng nhiệt độ này. Một vài yếu tố nguy cơ gây sốt co giật ở trẻ gồm:

  • Nhiễm trùng: Co giật do sốt thường do nhiễm virus và ít gặp hơn do trường hợp nhiễm vi khuẩn. Virus cúm (cúm) và virus gây phát ban thường kèm theo sốt cao, liên quan đến co giật do sốt nhiều nhất.
  • Co giật sau tiêm chủng: Nguy cơ sốt co giật có thể tăng lên sau khi trẻ tiêm chủng. Một số loại vắc xin có thể gây sốt như: bạch hầu, uốn ván, ho gà và vắc xin sởi-quai bị-rubella (MMR). Trẻ có thể bị sốt nhẹ và co giật sau khi tiêm vắc xin. Bản thân vắc xin không gây ra co giật cho trẻ.

Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ khiến trẻ bị sốt co giật gồm:

  • Độ tuổi: Hầu hết các cơn co giật do sốt xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, với nguy cơ cao nhất là từ 12 đến 36 tháng tuổi.
  • Tiền sử gia đình: Một số trẻ em có nguy cơ cao bị co giật do sốt nếu trong gia đình có người từng mắc phải vấn đề này.

Biến chứng sốt co giật ở trẻ em 

Tỷ lệ tái phát chung của cơn co giật do sốt là khoảng 35%. Nguy cơ tái phát cao hơn nếu trẻ dưới 1 tuổi bị sốt co giật hoặc có người trong gia đình từng bị co giật do sốt.

Co giật do sốt đơn thuần không gây bất thường về thần kinh. Tuy nhiên, ở một số trẻ em, co giật do sốt có thể là biểu hiện đầu tiên của động kinh hoặc bệnh lý thần kinh.

Điều trị sốt co giật ở trẻ

Điều trị co giật do sốt là điều trị hỗ trợ nếu cơn co giật kéo dài < 5 phút. Trước hết, phụ huynh hoặc người chăm sóc cần bình tĩnh và theo dõi cơn co giật. Tiếp theo thực hiện các biện pháp hỗ trợ tại nhà cho trẻ sốt co giật: 

  • Để trẻ nằm yên tránh kích thích nhiều.
  • Trong cơn co giật để trẻ nằm ngửa đầu hơi nghiêng sang 1 bên, cởi bỏ hết quần áo để trẻ dễ thở và hạ thân nhiệt.
  • Giữ chặt trẻ để tránh té ngã, chấn thương
  • Khi ngưng cơn co giật phải đưa trẻ về tư thế an toàn (lật nghiêng trẻ sang 1 bên, đầu hơi ngửa ra sau) để nếu có nôn thì chất nôn không trào ngược vào đường hô hấp.
  • Dùng khăn nhúng nước ấm lau ngừơi trẻ nhiều lần vùng trán, nách và bẹn để hạ nhiệt, làm mát môi trường xung quanh, hạn chế người quanh trẻ, mở thông thoáng cửa sổ.
  • Dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn.

Đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất khi:

  • Trẻ tím tái
  • Co giật kéo dài > 5 phút hoặc nhiều cơn liên tục
  • Sau co giật trẻ không hồi phục hoặc yếu liệt hoặc có biểu hiện bất thường
  • Trẻ chấn thương khi co giật.

Sau khi trẻ hết co giật, cha mẹ vẫn phải đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, đánh giá và đưa ra phương án điều trị phù hợp cho trẻ.

Những việc không nên làm khi trẻ bị sốt co giật

Khi trẻ co giật do sốt, không nên làm những điều sau đây:

  • Để trẻ nằm một mình, tập trung người quá đông xung quanh trẻ
  • Di chuyển hoặc đặt trẻ vào bồn tắm khi trẻ đang co giật
  • Đè trẻ hoặc cố gắng kiềm chế cơn co giật
  • Cho bất cứ vật gì vào miệng hoặc cố gắng nạy răng trẻ
  • Nặn chanh hoặc cho trẻ uống bất kỳ thuốc gì
  • Sau cơn co giật, trẻ có thể buồn ngủ, chưa tỉnh, do đó không cho trẻ ăn uống cho đến khi trẻ tỉnh táo hẳn.

Phòng ngừa co giật do sốt ở trẻ em

Các cơn co giật thường xảy ra vào thời điểm trẻ bắt đầu sốt, thân nhiệt bắt đầu tăng. Phụ huynh cần lưu ý những điều sau đây:

  • Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt (acetaminophen hay còn gọi paracetamol) khi nhiệt độ trên 38,5 độ C, nhưng sẽ không ngăn ngừa được hoàn toàn nguy cơ xảy ra co giật. Đối với trẻ có tiền căn sốt co giật, cha mẹ nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt sớm hơn, khi nhiệt độ bắt đầu trên 38 độ C. 
  • Thuốc chống co giật: Chỉ sử dụng thuốc này khi được bác sĩ chỉ định, bởi thuốc có thể gây ra tác dụng phụ cho trẻ. Phụ huynh không nên tự ý mua và sử dụng cho trẻ.

Ngoài ra, cần đảm bảo giữ trẻ thoáng mát, uống đủ nước và điện giải. Việc theo dõi sát nhiệt độ cơ thể của trẻ và các triệu chứng nặng để đưa trẻ đi khám sớm là hết sức cần thiết.

Trong tình huống sốt co giật ở trẻ em, việc cha mẹ nhận diện sớm triệu chứng, xử trí hạ sốt, các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ và đưa trẻ đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất là điều cực kỳ quan trọng. Sốt co giật có thể gây lo lắng, nhưng với sự chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời, hầu hết trẻ em sẽ hồi phục mà không để lại hậu quả lâu dài.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết