Sốt khi mang thai: Nguyên nhân và biện pháp phòng tránh sốt khi mang thai
Sốt trong khi mang thai
Sốt khi mang thai: Nguyên nhân và biện pháp phòng tránh sốt khi mang thai - Ảnh: BookingCare

Sốt khi mang thai: Nguyên nhân và biện pháp phòng tránh sốt khi mang thai

Tác giả: - Xuất bản: 27/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 15/02/2024
Khi nhiệt độ của sản phụ trên 38 độ C cần phải được thăm khám kĩ lưỡng bởi bản thân sốt có thể không phải là nguyên nhân - nó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý khác cần chẩn đoán và điều trị.

Trong thời kì mang thai có khá nhiều sản phụ lo lắng khi bị sốt bởi sốt có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình mang thai cũng như nguy cơ gây ra các bất thường tới quá trình phát triển các cơ quan bộ phận của thai.

Thông thường sản phụ có thể xuất hiện triệu chứng sốt đơn độc nhưng cũng có khi kèm theo các dấu hiệu của cảm cúm như hắt hơi, ngạt mũi, ho, vướng họng gây khó chịu tới chất lượng cuộc sống cũng như sinh hoạt.

Nguyên nhân gây sốt ở phụ nữ mang thai

Có rất nhiều nguyên nhân gây sốt, có thể kể đến là sốt do nhiễm khuẩn, do nhiễm virus, do các bệnh lý nội ngoại khoa,...

Tuỳ vào thời điểm xuất hiện các triệu chứng kèm theo cũng như mức độ sốt, thời gian kéo dài của sốt sẽ gây ra những hậu quả như:

  • Bất thường ở thai nếu sốt xuất hiện trong quý đầu thai kì.
  • Sốt xuất huyết nguy cơ gây sảy thai, thai lưu.
  • Sốt do nhiễm khuẩn nặng gây thiểu ối, ối vỡ non, ối vỡ sớm.

Thông thường sốt hay xuất hiện cùng các triệu chứng cảm cúm do khi mang thai mẹ dễ bị các tác nhân virus tấn công và chính sự suy giảm miễn dịch khi mang thai cũng khiến mẹ dễ mắc các bệnh lý mũi họng.

Việc tăng lưu lượng tuần hoàn cũng như tăng khả năng tái hoạt động của virus trong quá trình mang thai có thể dẫn đến các triệu chứng chóng mặt, ù tai, điếc đột ngột và liệt mặt.

Thêm vào đó việc tăng nồng độ hormon nội tiết, đặc biệt là estrogen làm kích thích phù nề niêm mạc mũi, giãn mạch, tăng sinh mạch dễ dẫn đến tình trạng viêm mũi thai kỳ và chảy máu mũi trong thai kỳ, hoặc làm tăng nặng các triệu chứng viêm mũi dị ứng ở các mẹ bầu có tiền sử viêm mũi dị ứng trước đó.

Trong các tháng cuối của thai kỳ, việc tăng nồng độ progesterone và áp lực ổ bụng khi thai phát triển lớn làm tăng nguy cơ trào ngược họng - thanh quản ở mẹ bầu. Các sản phụ có thể thấy các dấu hiệu như ợ hơi, ợ chua, ho kéo dài, đặc biệt khi nằm xuống, cảm giác vướng đờm hoặc nghẹn ở vùng cổ, rát vùng họng miệng, nhiệt miệng kéo dài,…

Mẹ bầu đau đầu, sốt
Thông thường mẹ bầu sốt sốt hay xuất hiện cùng các triệu chứng cảm cúm - Ảnh: Freepik

Các biện pháp phòng tránh sốt khi mang thai

  • Tiêm đầy đủ các mũi vacxin trước khi mang bầu
  • Uống đầy đủ nước, tập thể dục nhẹ nhàng, tăng cường vitamin trong thai kỳ để cơ thể khoẻ mạnh
  • Thường xuyên vệ sinh vùng mũi họng: rửa mũi, súc họng hàng ngày bằng nước muối. Đeo khẩu trang khi ra đường. Giữ ấm vùng mũi họng
  • Tránh khói, bụi, thuốc lá
  • Có thể xông tinh dầu làm giảm các triệu chứng ngạt chảy mũi
  • Chia nhỏ khẩu phần ăn, ăn đồ dễ tiêu, ăn chậm, nhai kỹ. Không ăn bữa tối quá muộn. Ăn xong ngồi nghỉ ngơi, sau đó đi lại nhẹ nhàng - tránh nằm ngay sau khi ăn
  • Tư thế nằm đầu cao, nghiêng sang trái hoặc đặt gối dưới vai khi ngủ để hạn chế tình trạng trào ngược
  • Thăm khám các bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu bất thường

Sốt được coi là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể cho thấy bộ phận bảo vệ của cơ thể làm việc khá tốt. Tuy nhiên, khi mẹ tăng lên một độ C thì bên trong nhiệt độ bao quanh thai nhi tăng lên khá cao khiến thai rất dễ bị ảnh hưởng nếu không kịp thời hạ nhiệt độ. Vì vậy, khi nhiệt độ của sản phụ trên 38 độ C cần phải được thăm khám kĩ lưỡng bởi bản thân sốt có thể không phải là nguyên nhân - nó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý khác cần chẩn đoán và điều trị.

Hạ sốt ở phụ nữ mang thai, dùng thuốc nào?

Mẹ bầu sốt khi mang thai ngoài việc sử dụng các thuốc hạ sốt theo hướng dẫn thì việc cân nhắc sử dụng kháng sinh cũng sẽ được xem xét tuỳ theo từng nguyên nhân để điều trị được cả nguyên nhân.

Hiện nay việc sử dụng kháng sinh ở phụ nữ mang thai không bị coi là nghiêm cấm bởi có nhiều trường hợp bắt buộc phải sử dụng như nhiễm khuẩn đường tiết niệu nặng, viêm phổi, viêm thận bể thận. Nhiều trường hợp khi không cắt được sốt, buộc phải làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu tìm nguyên nhân cũng như đưa ra các cân nhắc để ưu tiên bảo vệ mẹ có chiếu cố tới thai.

Do đó, việc điều trị sớm, cắt được cơn sốt, xử trí đúng nguyên nhân sẽ giúp mẹ và thai có được một hành trình mang thai an toàn.

Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết