Suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu do đâu? Điều trị như thế nào hiệu quả?

Tác giả: - Xuất bản: 20/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
suy giãn tĩnh mạch khi mang thai
Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai - Ảnh: BookingCare
Suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu là một trong những nỗi lo ở phụ nữ khi mang thai và sau sinh. Hiểu đúng về căn bệnh này giúp thai phụ có một thai kỳ khỏe mạnh, phòng ngừa biến chứng không mong muốn. 

Suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu là một tình trạng thường gặp do sự thay đổi nội tiết tố ở nữ giới khi mang thai và sự lớn dần của thai nhi. Tuy nhiên, liệu tình trạng này có nguy hiểm không và có điều trị được không? Để có câu trả lời chi tiết, bạn đọc cần hiểu rõ về nguyên nhân, phương pháp điều trị và phòng ngừa của bệnh. 

Dấu hiệu nhận biết suy giãn tĩnh mạch khi mang thai

Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là tình trạng các mạch máu sưng lên, nổi gồ. Dễ dàng nhìn thấy trên da những đường mạch máu màu tím, xanh ngoằn ngoèo, vị trí thường thấy là mặt trong và mặt sau của bắp chân. 

Ngoài triệu chứng các mạch máu lên, phụ nữ mang thai bị suy giãn tĩnh mạch còn có thể kèm theo các triệu chứng như:

  • Bàn chân sưng phù
  • Đau nhức và khó chịu ở chân
  • Cảm giác nặng nề vùng chân.

Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch khi mang thai?

Khi mang thai, sự thay đổi hormone và cân nặng của thai nhi khiến mẹ bầu dễ bị suy giãn tĩnh mạch hơn. Tình trạng suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu xảy ra bởi:

  • Nồng độ hormone progesterone ở phụ nữ mang thai cao hơn, làm suy giảm chức năng các van tĩnh mạch và giãn thành mạch máu.
  • Tăng lưu lượng máu trong cơ thể: Khi mang thai, lưu lượng máu trong cơ thể thay đổi để nuôi dưỡng em bé, sự thay đổi này tạo áp lực với hệ tĩnh mạch và tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch. 
  • Áp lực từ cân nặng thai nhi, đặc biệt khi thai nhi lớn lên các mạch máu ở xương chậu có thể làm thay đổi lưu lượng máu đến vùng xương chậu và chân của bà bầu. 

Những nguyên nhân này khiến máu ở tĩnh mạch khó di chuyển và chống lại trọng lực từ chân đến tim. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị suy giãn tĩnh mạch chân. 

Bất cứ thai phụ nào cũng có nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, những thai phụ sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác: 

  • Chế độ ăn uống: Thai phụ ăn quá nhiều natri, không đủ chất xơ hoặc nhiều nước có thể khiến cơ thể giữ nước và làm tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch.
  • Di truyền: Phụ nữ có nhiều khả năng bị suy giãn tĩnh mạch khi mang thai nếu trong gia đình có người cũng mắc bệnh này.
  • Cân nặng: Suy giãn tĩnh mạch sẽ phổ biến hơn nếu phụ nữ mang thai tăng cân quá nhanh.
suy giãn tĩnh mạch khi mang thai
Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch khi mang thai - Ảnh: myupchar.com

Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai có nguy hiểm không?

Hầu hết các trường hợp suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu đều chỉ gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt của thai phụ. Chưa có nghiên cứu rõ ràng về tình trạng suy giãn tĩnh mạch có ảnh hưởng đến thai nhi. 

Trong một số trường hợp rất hiếm gặp, thai phụ bị suy giãn tĩnh mạch có thể gặp biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc phổi. 

Điều trị giãn tĩnh mạch khi mang thai

Tùy vào tình trạng suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm:

  • Điều trị nội khoa không dùng thuốc
  • Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)
  • Điều trị bổ trợ khác.

Trong hầu hết các trường hợp, chứng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là vô hại và tự thuyên giảm sau khi thai phụ sinh. Chính vì vậy, các bác sĩ sẽ khuyên người bệnh thực hiện các lưu ý sau để giảm triệu chứng hoặc ngăn bệnh trở nên trầm trọng hơn: 

  • Tránh đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài để giúp máu lưu thông.
  • Tập thể dục thường xuyên (đảm bảo các bài tập thể dục là an toàn cho thai phụ và thai nhi).
  • Hạn chế lượng natri trong chế độ ăn uống của thai phụ, có thể gây sưng tấy. Tăng cường bổ sung chất xơ, uống lượng nước hợp lý. 
  • Thường xuyên nâng chân lên để giúp máu chảy về tim.
  • Ngủ nghiêng về bên trái để giảm áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới. Đây là tĩnh mạch lớn mang máu từ chân đến tim.
  • Bỏ chéo chân khi ngồi để cải thiện tuần hoàn.
  • Đi vớ y khoa (tất y khoa) để ngăn máu tụ lại ở chân.

Nếu chứng giãn tĩnh mạch ở bà bầu không tự khỏi sau khi sinh con, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn điều trị. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm liệu pháp xơ cứng, liệu pháp laser và phẫu thuật .

Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch khi mang thai

Thai phụ có thể giúp ngăn ngừa chứng suy giãn tĩnh mạch bằng cách cải thiện lưu thông máu, ví dụ:

  • Thường xuyên đi lại nhẹ nhàng để tránh ngồi hoặc đứng trong thời gian dài.
  • Nâng chân lên nhiều lần trong ngày.
  • Ngủ nghiêng về bên trái của bạn.
  • Chú ý chế độ dinh dưỡng để cân bằng dinh dưỡng hợp lý, tốt cho cả thai phụ và thai nhi, tránh nguy cơ suy giãn tĩnh mạch. 
  • Duy trì cân nặng ở mức hợp lý khi mang thai, hạn chế tăng cân quá nhanh. 

Bài viết đã tổng hợp các thông tin về suy giãn tĩnh mạch ở bà bầu. Hy vọng những thông tin này giúp bạn đọc hiểu hơn về một vấn đề thường gặp khi mang thai. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết