Tắc vòi trứng có chữa khỏi được không? Các phương pháp điều trị tắc vòi trứng hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 18/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 18/10/2023
Tắc vòi trứng có chữa được không?
Tắc vòi trứng có chữa được không? - Ảnh: BookingCare
Tắc vòi trứng có chữa được không là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Tắc vòi trứng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng vô sinh, hiếm muộn khiến rất nhiều chị em phụ nữ mắc phải căn bệnh này cảm thấy hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, điều trị dứt điểm tắc vòi trứng là điều khả thi.

Dưới đây là các phương pháp điều trị tắc vòi trứng 

Điều trị tình trạng tắc và ứ dịch vòi trứng chủ yếu là ngoại khoa. Điều trị ngoại khoa nhằm mục  tiêu giải quyết nguyên nhân gây tắc và ứ dịch vòi trứng, bảo tồn vòi trứng ở các trường hợp nhẹ. Ở các trường hợp tắc và ứ dịch vòi trứng nặng, điều trị bảo tồn thường không có hiệu quả và cần cắt bỏ ống dẫn trứng bị tắc và ứ dịch để phòng ngừa viêm nhiễm, áp xe vùng chậu, thai ngoài tử cung và cải thiện kết cục điều trị hỗ trợ sinh sản ở bệnh nhân.

  • Phương pháp phẫu thuật nội soi buồng tử cung, nội soi ổ bụng chẩn đoán, bơm thông ống dẫn trứng 

Phương pháp nội soi buồng tử cung và nội soi ổ bụng chẩn đoán bơm thông ống dẫn trứng  thường áp dụng trong trường hợp vòi trứng bị tắc ở mức độ nhẹ. Phương pháp này này dựa trên nguyên tắc sử dụng các dụng cụ phẫu thuật nội soi để quan sát buồng tử cung và nội soi ổ bụng để phát hiện tình trạng tắc và ứ dịch nhẹ ống dẫn trứng. 

Phẫu thuật viên tỉ mỉ gỡ dính các sang thương viêm dính trên ống dẫn trứng, có thể kèm tái tạo loa vòi. Sau đó bơm dung dịch xanh Methylen vào buồng tử cung, qua 2 lỗ ống dẫn trứng. Áp lực từ dung dịch xanh Methylen sẽ làm thông ống dẫn trứng tắc và ứ dịch nhẹ.  

Ưu điểm của phương pháp này là xâm lấn và can thiệp tối thiểu trên ống dẫn trứng, tuy nhiên không đảm bảo phục hồi được chức năng ống dẫn trứng. Do đó ống dẫn trứng có thể bị tắc lại và nguy cơ thai ngoài tử cung trên ống dẫn trứng bị tổn thương.

  • Phẫu thuật nội soi ổ bụng nối vòi trứng

Phương pháp này thường được tiến hành trên những bệnh nhân có tiền căn phẫu thuật thắt hay cắt ống dẫn trứng triệt sản trước đó. Đặc biệt trên những bệnh nhân chưa có điều kiện thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản.

Các đầu tận của vết cắt cũ trên ống dẫn trứng được cắt lọc, sau đó được may lại để phục hồi cấu trúc giải phẫu thông thường của ống dẫn trứng. Đây là kĩ thuật phẫu thuật nội soi đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, phẫu thuật viên có kinh nghiệm, tỉ mỉ.

Dù phục hồi được cấu trúc giải phẫu bình thường, tỉ lệ mang thai tự nhiên sau phẫu thuật nối ống dẫn trứng thường không cao.

  • Phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng

Trên những bệnh nhân ống dẫn trứng tắc, ứ dịch nặng, không thể bảo tồn, hoặc tiên lượng bảo tồn được nhưng không còn chức năng vận chuyển nang noãn và phôi thì lựa chọn ưu tiên là cắt ống dẫn trứng.

Đây là phương pháp triệt để giải quyết tình trạng tắc và ứ dịch ống dẫn trứng. Tuy nhiên nếu bệnh nhân cắt cả 2 ống dẫn trứng thì bệnh nhân nếu mong con chỉ còn lựa chọn làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Bị tắc vòi trứng có mang thai tự nhiên được không?

Đây là câu hỏi cũng như nỗi băn khoăn của rất nhiều chị em phụ nữ khi không may mắc phải căn bệnh này. Bị tắc vòi trứng có mang thai tự nhiên được hay không còn tùy thuộc vào người bệnh bị tắc một bên hay cả hai bên của vòi trứng.

Phụ nữ có 2 buồng trứng bên trái và bên phải, mỗi bên buồng trứng sẽ có 1 vòi trứng riêng biệt, nếu vòi trứng bị tắc sẽ gây cản trở đến việc trứng và tinh trùng gặp gỡ để thụ tinh và làm tổ.

  • Trường hợp người phụ nữ chỉ tắc một bên vòi trứng và bên còn lại vẫn bình thường thì khả năng cao vẫn có thể mang thai tự nhiên. Trường hợp cả 2 vòi trứng bị tắc hoàn toàn thì người bệnh không có khả năng thụ thai tự nhiên. Vì vậy, để có thể mang thai, người bệnh cần làm một số can thiệp như phẫu thuật thông vòi trứng hoặc sử dụng đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Các triệu chứng của tắc vòi trứng đôi khi không rõ ràng hoặc có thể gây nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Người bệnh nên đi khám phụ khoa định kỳ hoặc khám ngay khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nhìn chung, tắc vòi trứng không phải là một bệnh khó chữa. Người bệnh không nên quá hoang mang và lo lắng gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý. Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kì 6 tháng một lần để có thể theo dõi và chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết