Tăng động: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Hoạt động liên tục, chạy nhảy, leo trèo là một biểu hiện của trẻ tăng động
Hoạt động liên tục, chạy nhảy, leo trèo là một biểu hiện của trẻ tăng động (Ảnh minh họa:pixabay.com)

Tăng động: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 02/04/2021 - Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Tăng động giảm chú ý là một rối loanj tâm lý thường gặp ở một số trẻ em có biểu hiện hiếu động hơn bình thường đi kèm giảm khả năng tập trung chú ý. Rối loạn này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ với mọi người.

Rối loạn tăng động giảm chú ý hay còn gọi tắt là tăng động đang trở thành mối lo của rất nhiều người, đặc biệt là những người có con nhỏ. Rối loạn tăng động xuất hiện ở khoảng 3-6% trẻ em và một nửa trong số đó vẫn còn triệu chứng khi lớn lên. Độ tuổi dễ phát hiện bệnh là từ 6 đến 12 tuổi, mặc dù nhiều trường hợp bệnh đã xuất hiện từ nhiều năm trước.

Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa biết hoặc chưa hiểu rõ về chứng bệnh rối loạn tăng động, hy vọng bài viết này sẽ cung cấp thêm thông tin để giúp bố mẹ có thể đánh giá được tình trạng của con mình và có những chế độ chăm sóc phù hợp.

Rối loạn tăng động là gì

Tăng động giảm chú ý là một rối loạn phát triển thần kinh được xác định bởi sự suy yếu các mức độ giảm chú ý, hành vi không có quy tắc, có sự tăng động/xung động. Giảm chú ý được thể hiện thông qua hành vi ở tăng động giảm chú ý như sao nhãng khỏi nhiệm vụ, thiếu kiên trì, khó khăn duy trì sự tập trung, và bị phá vỡ tổ chức/ nhóm không bởi có sự tác động bên ngoài như thách thức hoặc cá nhân thiếu hiểu biết.

Tăng động ở đây là các hoạt động vận động quá mức như chạy nhảy xung quanh liên tục không phù hợp hoàn cảnh, hoặc bồn chồn quá mức, nói to và liên tục. Xung động được biểu hiện quan việc làm hành động một cách vội vàng mà không có sự đắn đo suy nghĩ và có khả năng cao gây hại đến cá nhân mà những hành động này xảy ra đột ngột và trong khoảng thời gian ngắn như vội lao ra đường mà không nhìn.

Lứa tuổi hay mắc là từ 8 đến 11 tuổi, bé trai có khả năng mắc cao gấp 3 lần bé gái, khi trưởng thành bệnh có xu hướng giảm.

Dấu hiệu nhận biết trẻ có bị tăng động hay không

Hoạt động thái quá:

  • Trẻ hoạt động liên tục, múa tay chân, chạy nhảy, leo trèo.
  • Trẻ không có ý thức tổ chức sắp xếp. Mọi vật xung quanh trẻ đều ngổn ngang, không theo một thứ tự nào cả.
  • Trẻ thường rất khó khăn khi đi vào giấc ngủ vì không ngừng cử động tay chân.

Tập trung kém:

  • Trẻ tăng động gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sự chú ý trong vui chơi, học tập, sinh hoạt hàng ngày.
  • Ít khi lắng nghe người khác nói.
  • Dễ dàng bị phân tâm bởi các kích thích xung quanh.
  • Thường hay quên và để thất lạc đồ đạc.

Phối hợp, kiểm soát động tác kém:

  • Trẻ hoạt động mang tính chất xung động tức thì.
  •  Phối hợp động tác kém.
  • Chơi mạnh tay, bạo lực, thường hay gây ra các tai nạn cho chính bản thân cũng như cho người khác.
  • Trẻ rất thích gây ồn ào và thường hay làm phiền người khác.

Ngoài ra, còn xuất hiện những rối loạn kèm theo như: rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, trầm cảm,…

Bệnh tăng động là do đâu

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa xác định được rõ ràng và thông thường thì trẻ em trai có nguy cơ mắc bệnh hơn trẻ em gái. Nhiều chuyên gia tin rằng bệnh tăng động có thể được gây ra bởi các nguyên nhân sau:

Yếu tố di truyền

  • Tăng động là một rối loạn phát triển có tính chất gia đình. Nhiều trường hợp trẻ thừa hưởng gen từ cha mẹ.

Rối loạn các chất hóa học trong não bộ

Sự mất cân bằng giữa các chất dẫn truyền thần kinh nằm trong vỏ não có thể góp phần gây ra chứng rối loạn tăng động.

Các yếu tố nguy cơ 

  • Độc tố môi trường: thói quen sử dụng rượu, ma túy và thuốc lá của người mẹ trong khi mang thai, có tiền sử lạm dụng, bỏ bê trẻ em, nuôi dưỡng trẻ ở nhiều nơi, nhiễm trùng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của trẻ. Hoặc trẻ sống trong môi trường nhiễm chì trước 6 tuổi cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Chế độ dinh dưỡng: một số yếu tố dinh dưỡng như nhạy cảm với hóa chất trong thực phẩm, thiếu acid béo, kẽm và nhạy cảm với đường có thể liên quan đến chứng rối loạn tăng động.

Rối loạn tăng động ảnh hưởng đến trẻ như thế nào

Nếu không điều trị, bệnh tăng động có thể ảnh hưởng tới sự phát triển về mặt xã hội và trình độ học vấn của trẻ.

  • Trẻ không thể tập trung trong công việc và học tập thường dẫn tới quá trình học không tốt ở trường.
  • Trẻ bị hiếu động thái quá, hay cắt ngang việc người khác có thể gây rắc rối trong việc kết bạn và giữ bạn.
  • Chứng tăng động giảm chú ý cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm và các rối loạn lo âu ở trẻ.
  • Trẻ bị rối loạn tăng động dễ bị bạn bè xa lánh, bỏ rơi, cô lập, kết quả học tập kém... làm cho trẻ thiếu tự tin, cảm xúc không ổn định.
  • Trẻ có khả năng đáng kể phát triển lên rối loạn hành vi cư xử ở tuổi vị thành niên và rối loạn nhân cách chống đối xã hội ở tuổi trưởng thành, từ đó có thể làm tăng rối loạn sử dụng chất gây nghiện và bỏ tù. Tai nạn và vi phạm giao thông thường xảy ra với người lái xe có ADHD.

Điều trị bệnh rối loạn tăng động

Khi thấy trẻ có những biểu hiện của rối loạn tăng động, cha mẹ nên đưa trẻ tới các chuyên khoa tâm thần để được khám và tư vấn điều trị đúng hướng. Mặt khác, gia đình và nhà trường cần hiểu rõ tâm lý của trẻ để có cách giáo dục, hướng dẫn trẻ, tránh gây áp lực không cần thiết.

Việc điều trị hiện nay gồm can thiệp về tâm lý và hành vi như cải thiện môi trường học tập, làm việc; việc dùng thuốc cũng có cơ sở khoa học nhưng vì là bệnh có tính gia đình và trên não bộ của người bệnh có những bất thường về cấu trúc và hoạt động nên việc dùng thuốc điều trị cần có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết