Tăng huyết áp ẩn giấu: Tất cả những điều bạn cần biết

Tác giả: - Xuất bản: 28/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Tăng huyết áp ẩn giấu: Tất cả những điều bạn cần biết
Tăng huyết áp ẩn giấu: Tất cả những điều bạn cần biết - Ảnh: BookingCare
Tăng huyết áp ẩn giấu có thể gây nguy hiểm bởi chúng khó nhận biết và không thể phát hiện khi khám sức khỏe. Bài viết này sẽ đề cập đến nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách tự chủ động kiểm soát bệnh để hạn chế ảnh hưởng của tình trạng tăng huyết áp ẩn giấu.

Bạn có thể nhận thấy mình bị tăng huyết áp ẩn giấu nếu kết quả đo huyết áp ở phòng khám bình thường, tuy nhiên lại tăng cao khi tiến hành đo ở nhà. Do đó, tăng huyết áp ẩn giấu rất khó để phát hiện khi đi khám sức khỏe, bạn cần theo dõi huyết áp tại nhà thường xuyên để nhận biết được tình trạng này.

Định nghĩa

Tăng huyết áp ẩn giấu là hiện tượng chỉ số huyết áp đo được tại các cơ sở y tế bình thường , tuy nhiên, chỉ số huyết áp đo tại nhà lại ở ngưỡng tăng huyết áp.

Cụ thể, tăng huyết áp ẩn giấu được chẩn đoán khi huyết áp đo tại phòng khám < 140/90 (hoặc 130/80 ở đái tháo đường hoặc suy tim mạn) ) tuy nhiên holter huyết áp 24 giờ lại thuộc mức sau:

  • Huyết áp trung bình khi thức dậy đo với ABPM ≥ 135/85 (125/75 ở đái tháo đường hoặc suy tim mạn)
  • Hoặc huyết áp trung bình 24h với ABPM ≥ 130/80 (120/70 ở ĐTĐ hoặc suy tim mạn)

(ABPM - Ambulatory Blood Pressure Values: là chỉ số từ thiết bị theo dõi huyết áp lưu động, một công cụ chẩn đoán và theo dõi huyết áp trong vòng 24hhay còn gọi là holter huyết áp 24 giờ)

Cần phân biệt hiện tượng tăng huyết áp ẩn giấu với tăng huyết áp thường xuyên hoặc tăng huyết áp áo choàng trắng. Tăng huyết áp thường xuyên là hiện tượng huyết áp cao xảy ra trong nhiều tình huống, bất kể ở đâu - kể cả tại phòng khám của bác sĩ hay tự theo dõi. 

Ngược lại với tăng huyết áp ẩn giấu thì tăng huyết áp áo choàng trắng là hiện tượng kết quả đo huyết áp không chính xác tại các cơ sở y tế và chỉ số huyết áp bình thường khi ở nơi khác.

Nguyên nhân gây ra tăng huyết áp ẩn giấu

Các nhà nghiên cứu không biết nguyên nhân chính xác của tăng huyết áp ẩn giấu. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng những người hút thuốc, uống quá nhiều rượu và gặp căng thẳng trong công việc có nhiều khả năng mắc bệnh hơn.

Tổng hợp các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp ẩn giấu:

  • Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới
  • Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng cao
  • Hút thuốc lá
  • Lạm dụng bia rượu
  • Căng thẳng công việc
  • Béo phì
  • Mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, mỡ máu cao,..
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ, là một loại rối loạn giấc ngủ mà người bệnh có những cơn ngưng thở hoàn toàn trong ít nhất 10 lần trong giấc ngủ và lập đi lập lại nhiều lần trong đêm

Triệu chứng bệnh tăng huyết áp ẩn giấu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người bị huyết áp rất cao có thể gặp các triệu chứng như:

  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Mờ mắt
  • Chóng mặt
  • Stress, lo lắng
  • Đau đầu dữ dội
  • Đau ngực
  • Lú lẫn
  • Khó thở
  • Nhịp tim bất thường

Các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp của mình vì tăng huyết áp thường không gây ra các triệu chứng cho đến khi ai đó gặp phải các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe, chẳng hạn như đột quỵ hoặc suy tim.

Phương pháp chẩn đoán

Với những người nghi ngờ mắc huyết áp cao, bạn nên kiểm tra theo dõi huyết áp của mình bằng các thiết bị theo dõi cá nhân. Từ đó, giúp người bệnh xác định được huyết áp có cao hay không so với kết quả đo tại các cơ sở y tế.

Nếu máy đo huyết áp tại nhà cho thấy chỉ số huyết áp cao hơn so với khi khám sức khỏe, bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp cận lâm sàng để xác nhận chẩn đoán. Các biện pháp đó thường bao gồm:

  • Theo dõi huyết áp lưu động (Holter huyết áp 24 giờ): Phương pháp này đo huyết áp liên tục trong 24 giờ, ngay cả khi đang ngủ. Dữ liệu này giúp các bác sĩ biết được tình trạng tổng quan  về chỉ số huyết áp của một người, từ đó, đưa ra chẩn đoán chính xác hơn
  • Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu: Các bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra các tình trạng có thể gây tăng huyết áp hoặc làm bệnh nặng hơn, bao gồm đường huyết, mức cholesterol trong máu, chỉ số chức năng thận, gan và tuyến giáp
  • Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim để xác định các biến chứng thường gặp liên quan đến tăng huyết áp, chẳng hạn như dày thành tim, rối loạn vận động vùng thành tim, tổn thương cơ tim

Phương pháp điều trị

Các bác sĩ có thể đề nghị thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và dùng thuốc để giúp kiểm soát bệnh cao huyết áp.

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể bao gồm:

  • Lựa chọn chế độ ăn có lợi cho tim như chế độ ăn DASH (giảm muối, chất béo bão hòa, cholesterol và thịt đỏ; tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cố, thực phẩm giàu kali, magie…)
  • Hoạt động thể chất thường xuyên
  • Duy trì cân nặng vừa phải
  • Hạn chế uống rượu
  • Bỏ hút thuốc
  • Quản lý căng thẳng
  • Ngủ đủ giấc

Đối với những bệnh nhân tăng huyết áp ẩn giấu sau khi được chẩn đoán tăng huyết áp thực sự, bên cạnh thay đổi lối sống, người bệnh cần dùng thuốc hạ áp theo chỉ định của bác sĩ và tái khám thường xuyên, định kỳ nhằm giảm các biến cố tim mạch, các nhóm thuốc hạ áp:

  • Thuốc lợi tiểu, chẳng hạn như chlorthalidone và hydrochlorothiazide (Microzide)
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), chẳng hạn như lisinopril (Prinivil), benazepril (Lotensin) và captopril
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB), như candesartan (Atacand) và losartan (Cozaar)
  • Thuốc chẹn kênh canxi, chẳng hạn như amlodipine (Norvasc) và diltiazem (Cardizem)
  • Thuốc chẹn beta, chẳng hạn như atenolol (Tenormin) và metoprolol (Lopressor)

Xu hướng hiện nay bác sĩ thường kết hợp hai nhóm thuốc hạ áp khác nhau để đạt đích điều trị hiệu quả hơn.

Tăng huyết áp ẩn giấu là một thể tăng huyết áp khó nhận biết, ví thế cũng khó kiểm soát khiến chúng phát triển âm thầm và ngày một trở nên nặng hơn. Việc chủ động theo dõi sức khỏe tại nhà, đặc biệt là đo huyết áp thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và nhận biết bệnh.