Tăng huyết áp độ 1 được xem là tình trạng tăng huyết áp mức độ vừa mà trước nó là giai đoạn tiền tăng huyết áp, sau nó là tăng huyết áp độ hai (mức độ nặng hơn) trong phân độ tăng huyết áp. Thông thường điều trị tăng huyết áp độ 1 ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ không cao nên khởi đầu bằng việc thay đổi lối sống trước.
Tăng huyết áp độ 1 được xác định như thế nào?
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg.. Các chuyên gia Tim mạch sẽ dựa vào khoảng chỉ số của huyết áp để phân độ tăng huyết áp.
Tăng huyết áp độ 1 được xác định khi đo huyết áp tâm thu trong khoảng giá trị từ 140-159 mmHg và huyết áp tâm trương nằm trong khoảng 90-99 mmHg.
Tăng huyết áp độ 1 được đánh giá là tình trạng tăng huyết áp mức độ vừa nhưng nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, sẽ khiến bệnh phát triển và chuyển sang giai đoạn tiếp theo độ 2 và gây các biến chứng gây ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể.
Các triệu chứng của tăng huyết áp độ 1 cũng chưa rõ ràng, bao gồm các biểu hiện của bệnh tăng huyết áp nói chung như:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
- Đau ngực
- Khó thở
- Nhức đầu
- Chảy máu cam
Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp độ 1
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp độ 1 bao gồm:
- Tuổi: tuổi càng cao, nguy cơ mắc tăng huyết áp càng cao
- Tiền sử gia đình có người cùng huyết thống bị tăng huyết áp
- Chế độ ăn uống không lành mạnh, nhiều muối
- Hút thuốc lá
- Rối loạn lipid máu
- Mắc bệnh tiểu đường
- Béo phì (BMI ≥ 23kg/m2 )
- Lối sống ít vận động thể chất
Những người tăng huyết áp độ 1 sẽ được chỉ định sử dụng thuốc nếu có từ 2 nguy cơ trên trở lên ) hoặc người không có nguy cơ nào đã thay đổi lối sống 3 đến 6 tháng nhưng không đưa huyết áp về mức bình thường.
Cách điều trị tăng huyết áp độ 1
Với tăng huyết áp độ 1, việc thay đổi lối sống được ưu tiên để kiểm soát tình trạng huyết áp cao. Một số biện pháp giúp thay đổi lối sống được các chuyên gia khuyến cáo thực hiện bao gồm:
- Ăn một chế độ ăn có lợi cho tim với ít muối (< 6 gam muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày)
- Hoạt động thể chất thường xuyên
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh với chỉ số khối cơ thể (BMI: body mass index) từ 18,5 đến 22,9 kg/m2.
- Hạn chế uống rượu
- Không hút thuốc
- Ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi ngày, tránh lo âu, căng thẳng thần kinh
Nếu việc thay đổi lối sống là không đủ để đưa huyết áp về lại chỉ số bình thường, các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng 1 hoặc ít nhất là hai loại thuốc hỗ trợ sau:
- Thuốc lợi tiểu: có tác dụng đào thải nước và chất thải qua đường nước tiểu để giảm khối lượng tuần hoàn, giảm áp lực cho tim. Từ đó, cũng giúp hạ huyết áp. Cac loại thuốc thường được sử dụng như: thiazid (hypothiazid), aldosterone
- Thuốc chẹn kênh Canxi: có tác dụng giảm nồng độ ion Canxi đi vào nội bào để giảm sự co bóp của tim, đồng thời, giảm cả huyết áp. Một số thuốc nhóm này bao gồm: Amlodipin, Felodipine, Nifedipin, . . .
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE): loại thuốc này làm cho mạch máu tránh sự có thắt và mở rộng hoặc giãn ra dẫn đến giảm huyết áp. Các loại thuốc thuộc nhóm này như: enalapril, perindopril, captopril, Lisinopril, Trandolapril...
- Thuốc chẹn beta: Có tác dụng ngăn sự ảnh hưởng của chất dẫn truyền thần kinh, cụ thể là norepinephrine và epinephrine - các chất gắn làm cho mạch máu bị thu hẹp, hoạt động tim suy yếu, tăng nhịp tim. Một số thuốc thường dùng nhóm này gồm: Atenolol (Tenormin), Betaxolol, Bisoprolol fumarate (Zebeta),...
- Một số nhóm thuốc khác gồm: thuốc chẹn alpha giao cảm, thuốc chẹn alpha-beta, thuốc ức chế renin,.. cũng sẽ được chỉ định để điều trị tăng huyết áp độ 1 nếu cần thiết