Tăng huyết áp thứ phát: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 28/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 29/11/2023
Tăng huyết áp thứ phát: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị - Ảnh: BookingCare
Tăng huyết áp thứ phát: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị - Ảnh: BookingCare
Ngược lại với tăng huyết áp vô căn là tình trạng tăng huyết áp thứ phát. Điều trị tình trạng này sẽ phức tạp hơn bởi ngoài việc kiểm soát chỉ số huyết áp còn phải điều trị các bệnh lý đi kèm.

Tăng huyết áp thứ phát là tình trạng huyết áp cao được xác định rõ nguyên nhân, do một bệnh lý hoặc một vấn đề y tế khác gây ra. Các bệnh có thể gây tăng huyết áp thứ phát bao gồm bệnh thận, bệnh tuyến thượng thận, các vấn đề về tuyến giáp và chứng ngưng thở khi ngủ…

Tăng huyết áp thứ phát là gì?

Ngược lại với tình trạng tăng huyết áp vô căn (nguyên phát) không xác định được rõ nguyên nhân gây ra bệnh thì với bệnh tăng huyết áp thứ phát, bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân trực tiếp khiến áp lực máu lên thành mạch cao hơn bình thường. 

Nguyên nhân gây ra bệnh tăng huyết áp thứ phát thường liên quan đến các bệnh lý về tim mạch hoặc thận hay do tác dụng phụ của thuốc. Tăng huyết áp thứ phát cũng có thể xảy ra trong thai kỳ.

Hầu hết các trường bệnh tăng huyết áp được xác định là tăng huyết áp vô căn, tăng huyết áp thứ phát chỉ xảy ra ở khoảng 10% số người bị huyết áp cao.

Nguyên nhân gây ra tăng huyết áp thứ phát

Nhiều tình trạng sức khỏe có thể gây tăng huyết áp thứ phát, trong đó, tương đối phổ biến là các vấn đề liên quan đến thận gồm các tổn thương nhu mô thận hay mạch máu thận

  • Bệnh thận đái tháo đường: Bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương cầu thận, hệ thống lọc của thận, dẫn đến huyết áp cao
  • Bệnh thận đa nang: Các nang trong thận cản trở chức năng thận và có thể làm tăng huyết áp
  • Bệnh cầu thận: Thận loại bỏ chất thải và natri bằng cách sử dụng các bộ lọc nhỏ gọi là cầu thận. Trong bệnh cầu thận, các bộ lọc này bị sưng lên dẫn đến tình trạng tăng huyết áp
  • Loạn sản xơ vơ mạch thận gây hẹp, tắc nghẽn dòng máu tới thận, làm ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận dẫn đến tăng tiết hooc mon gây tăng huyết áp.

Ngoài ra, còn một số tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến nồng độ hormone cũng có thể gây tăng huyết áp thứ phát, có thể kể đến như:

  • Hội chứng Cushing: Do khối u tuyến yên hoặc các yếu tố khác khiến tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hormone cortisol, gây tăng huyết áp thứ phát
  • Chứng Aldosteron. Tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hormone aldosterone, khiến thận giữ muối, nước và mất quá nhiều kali, làm tăng huyết áp
  • U tủy thượng thận: Khối u hiếm gặp này thường được tìm thấy ở tuyến thượng thận, sản sinh ra quá nhiều hormone adrenaline và noradrenaline, có thể dẫn đến huyết áp cao lâu dài hoặc huyết áp tăng đột biến trong thời gian ngắn
  • Các vấn đề về tuyến giáp: Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp (suy giáp) hoặc sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp) làm rối loạn quá trình chuyển hóa chất và tăng lipid máu, cũng sẽ dẫn đến tình trạng huyết áp cao
  • Co thắt động mạch chủ: Động mạch chính (động mạch chủ) của cơ thể bị thu hẹp, do đó, tim buộc phải bơm mạnh hơn để đưa máu qua động mạch chủ và phân phối đến khắp cơ thể. Kết quả là huyết áp tăng lên - đặc biệt là ở cánh tay
  • Béo phì: Khi trọng lượng cơ thể tăng lên, lượng máu chảy qua cơ thể cũng tăng lên. Sự gia tăng lưu lượng máu này gây thêm áp lực lên thành động mạch, làm tăng huyết áp
  • Tăng huyết áp thai kỳ: tình trạng tăng huyết áp được phát hiện và tiến tiển từ tuần thứ 20 của thời kỳ mang thai do thay đổi các hooc mon trong cơ thể trong quá trình thai nghén có thể dẫn đến tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, sản giật

Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thuốc - chẳng hạn như thuốc giảm đau, thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm và thuốc dùng sau khi cấy ghép nội tạng - có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng huyết áp cao ở một số người.

Triệu chứng tăng huyết áp thứ phát

Tương tự như tăng huyết áp nguyên phát, tăng huyết áp thứ phát thường không có triệu chứng cụ thể. Đối với những người được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp, nếu xuất hiện bất kỳ một trong các dấu hiệu sau đây có thể đang mắc tăng huyết áp thứ phát:

  • Mắc các bệnh lý nội khoa như bệnh thận, u tủy thượng thận, cường aldosterol, có thai, dùng thuốc nhóm steroid, ….
  • Huyết áp cao không đáp ứng với thuốc điều trị huyết áp (tăng huyết áp kháng thuốc)
  • Huyết áp rất cao – huyết áp tâm thu trên 180 mm thủy ngân (mmHg) hoặc huyết áp tâm trương trên 120 mm thủy ngân (mmHg)
  • Tăng huyết áp đột ngột trước 30 tuổi hoặc sau 55 tuổi
  • Gia đình không có tiền sử cao huyết áp

Các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp thứ phát

Nếu tăng huyết áp thứ phát kéo dài và không được điều trị kịp thời sẽ  dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như:

  • Tổn thương động mạch: Những thương tổn ở thành động mạch có thể dẫn đến xơ vữa động mạch, từ đó tăng nguy cơ gây ra đau tim, đột quỵ
  • Phình động mạch: Huyết áp tăng có thể khiến mạch máu yếu đi và phình ra. Hai dạng bệnh lý phình động mạch hay gặp nhất là phình động mạch chủ ngực và phình động mạch chủ bụng. Nếu chứng phình động mạch vỡ, có thể đe dọa tính mạng
  • Suy tim. Để bơm máu chống lại áp lực cao hơn trong mạch, cơ tim sẽ dày lên. Thành cơ tim dày lên khiến tim gặp khó khăn hơn trong việc bơm đủ máu đáp ứng nhu cầu của cơ thể, dẫn đến suy tim
  • Suy thận: Áp lực máu cao khiến mạch máu ở thận bị suy yếu, từ đó, khiến chức năng lọc máu ở thận cũng bị suy giảm
  • Tiền sản giật, sản giật, tử vong mẹ, suy thai ở người tăng huyết áp thai kỳ

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán tăng huyết áp, bác sĩ sẽ sử dụng máy đo để đo huyết áp của người bệnh,. Tuy nhiên một lần đo cho kết quả cao hơn bình thường là không đủ để kết luận người bệnh bị tăng huyết áp thứ phát mà có thể cần 3-6 lần đo trong những lần khám khác nhau.

Một số các xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán cũng sẽ được chỉ định để bác sĩ xác định rõ hơn nguyên nhân gây ra bệnh:

  • Xét nghiệm máu, bao gồm các chỉ số natri, kali, tổng cholesterol và chất béo trung tính,...
  • Một số xét nghiệm hooc mon tìm nguyên nhân tăng huyết áp do bệnh lý nội tiết
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Siêu âm thận, động mạch thận, siêu âm tim, cắt lớp vi tính ổ bụng,...
  • Điện tâm đồ (ECG)

Phương pháp điều trị bệnh

Để điều trị tăng huyết áp thứ phát, cần điều bị bệnh lý cơ bản gây ra tình trạng này. Thông thường, việc điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật các bệnh gây ra tăng huyết áp thì tình trạng bệnh có thể trở lại bình thường. 

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị tăng huyết áp cũng sẽ phụ thuộc vào tình bệnh lý gây ra. Một số loại thuốc thường được chỉ định sử dụng như:

  • Thuốc lợi tiểu thiazid
  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc ức chế men chuyển ACE
  • Thuốc chặn thụ thể Angiotensin II
  • Thuốc chẹn kênh Canxi

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, việc duy trì lối sống lành mạnh -  chẳng hạn như ăn thức ăn lành mạnh, tăng hoạt động thể lực và duy trì một trọng lượng khỏe mạnh, có ý nghĩa rất nhiều trong kiểm soát huyết áp. Cụ thể:

  • Ăn thực phẩm lành mạnh:  Thực hiện chế độ ăn DASH, bổ sung nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm từ sữa ít béo. Ngoài ra, nạp thêm kali, có trong các loại trái cây và rau quả như khoai tây, rau bina, chuối và mơ, để giúp ngăn ngừa và kiểm soát huyết áp cao.
  • Giảm muối trong khẩu phần ăn: Lượng natri thấp hơn 1.500 miligam (mg) trong khẩu phần ăn mỗi ngày
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Nếu bạn bị thừa cân, hãy cố gắng giảm cân xuống mức cân nặng khỏe mạnh theo BMI nhằm giảm áp lực máu lên thành mạch
  • Tăng cường hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất thường xuyên, khoảng 30 phút mỗi ngày có thể giúp giảm huyết áp và kiểm soát cân nặng.
  • Dừng hút thuốc: Thuốc lá làm tổn thương thành mạch máu và đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch. Do đó, nếu bạn đang hút thuốc lá hãy sử dụng các biện pháp để bỏ thuốc hoặc kể cả bạn không hút, hãy hạn chế việc hít phải khói thuốc lá thụ động
  • Hạn chế sử dụng rượu bia: Ngay cả khi bạn khỏe mạnh, đồ uống có cồn vẫn có thể làm tăng huyết áp. Thực hiện khuyến cáo sử dụng rượu bia: tối đa một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam giới