- Xuất bản: 15/03/2021 - Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Run sợ, hoảng loạn khi phải đối mặt với những đối tượng cụ thể khiến họ khiếp sợ (Ảnh minh họa: pexels.com)
Lo âu ám ảnh sợ là một loại rối loạn lo âu, đặc trưng bởi nỗi sợ hãi cực độ với một đối tượng hay tình huống nào đó mà bình thường không gây nguy hiểm.
Nỗi sợ hãi tệ đến mức nó giới hạn hoạt động và cuộc sống của một người. Nhiều người mắc hội chứng này thậm chí còn không ra đường để tránh những điều họ sợ.
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ
(Bao gồm ám ảnh sợ khoảng trống, ám ảnh sợ xã hội, ám ảnh sợ biệt định...)
Lo âu ám ảnh sợ là một loại rối loạn lo âu, đặc trưng bởi nỗi sợ hãi cực độ với một đối tượng hay tình huống nào đó mà bình thường không gây nguy hiểm. Người mắc chứng ám ảnh sợ nhìn chung không cảm thấy lo lắng, họ chỉ trở nên hoảng loạn khi phải đối mặt với những đối tượng cụ thể khiến họ khiếp sợ.
Theo các chuyên gia, có thể chia các rối loạn lo âu ám ảnh sợ thành các rối loạn như: ám ảnh sợ khoảng trống, ám ảnh sợ xã hội, ám ảnh sợ đặc hiệu (riêng lẻ),ám ảnh cưỡng bức và các rối loạn lo âu ám ảnh sợ khác...
Các tình huống gây sợ hãi thường gặp
Sợ ở nhà một mình.
Sợ các vị trí mở.
Sợ nói trước công chúng.
Sợ đám đông hoặc nơi công cộng.
Sợ đi du lịch trong xe buýt, ô tô con, tàu điện hoặc trên máy bay.
Sợ các sự kiện xã hội.
Bệnh nhân có thể không dám rời khỏi nhà một mình do sợ hãi.
Một số biểu hiện của chứng lo âu ám ảnh sợ
Các triệu chứng về tâm lý, hành vi hoặc thần kinh tự trị như hoảng sợ, căng thẳng, bồn chồn, run... là những biểu hiện xuất hiện sau của một cơn lo âu. Những đối tượng này thường có sự sợ hãi mãnh liệt trước những tác nhân gây sợ. Họ thường né tránh các tình huống gây ám ảnh.
Nỗi sợ hãi quá mức và phi lí kéo dài khi người bệnh phải đối mặt với đối tượng, hoạt động hay tình huống cụ thể nào đó, thậm chí chỉ cần suy nghĩ về việc phải đối mặt với những đối tượng đó cũng khiến họ cảm thấy căng thẳng.
Tránh né các tình huống phải đối diện với các tác nhân khiến nỗi sợ bùng lên, hoặc có thể khóc lóc, nổi giận để tránh phải gặp các tác nhân đó. Và nếu là tình huống không thể tránh né được, điều đó có nghĩa là người đó buộc phải chịu đựng sự sợ hãi một cách khổ sở. Khi đó, người bệnh có triệu chứng cơ thể: run rẩy, chóng mặt, vã mồ hôi, chóng mặt, tức cổ họng, khó khăn khi nuốt…
Nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn lo âu ám ảnh sợ
Yếu tố di truyền
Trong gia đình có những người mắc bệnh về rối loạn lo âu hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Khuynh hướng lo âu có thể di truyền từ cha mẹ mắc một loại tâm thần nào đó.
Do sự kiện sang chấn
Những người từng chứng kiến hoặc từng trải qua một sự kiện sang chấn trong quá khứ (như bị kẹt trong một không gian kín, hẹp, hay bị một con vật nào đó cắn) có thể cảm thấy vô cùng sợ hãi khi phải đối mặt với các tình huống hay đối tượng có liên quan đến sự kiện đó.
Yếu tố tâm lý, xã hội
Một bệnh nhân có lo âu ám ảnh sợ hoặc ám ảnh cưỡng chế thường trải qua một giai đoạn stress trầm trọng, hoặc một biến cố xã hội quan trọng nào đó trong cuộc đời.
Các nguyên nhân khác
Lo âu ám ảnh sợ có liên quan đến các yếu tố giải phẫu thần kinh, các chất trung gian thần kinh. Bên cạnh đó, các bệnh nhân thường là những người có nhân cách yếu, ít trải qua những biến cố và khó tự mình giải quyết những nỗi sợ hãi. Đây chính là điều kiện thuận lợi khiến họ dễ rơi vào trạng thái rối loạn lo âu ám ảnh sợ.
Phương pháp điều trị hội chứng ám ảnh sợ
Chương trình điều trị cho hội chứng lo âu ám ảnh sợ chủ yếu tập trung vào các liệu pháp tâm lý và thường không chỉ định trị liệu bằng thuốc.
Tâm lý trị liệu
Liệu pháp tâm lý dùng trong điều trị ám ảnh sợ cụ thể là liệu pháp hành vi. Đây là một phương pháp điển hình có liên quan đến quá trình tiếp xúc lặp đi lặp lại dần dần với đối tượng, sự kiện hay tình huống gây sợ hãi.
Ngoài ra, các phương pháp của liệu pháp nhận thức - hành vi còn hướng đến mục đích dạy những chiến lược ứng phó với các suy nghĩ sợ hãi và lo âu để người bệnh kiểm soát tình trạng của mình hiệu quả hơn.
Sử dụng thuốc
Thuốc thường không được chỉ định điều trị các ám ảnh sợ, bởi vì liệu pháp hành vi có thể đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong trị liệu rối loạn này. Tuy nhiên trong những trường hợp có biểu hiện lo âu cực độ thì bác sĩ sẽ kê toa thuốc để giúp người bệnh ổn định khi tham gia vào liệu pháp hành vi.