Thoái hóa khớp háng: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Thoái hóa khớp háng: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
thoái hóa khớp háng
Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị thoái hóa khớp hàng - Ảnh: BookingCare

Thoái hóa khớp háng: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 15/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Thoái hóa khớp háng chủ yếu gặp ở người cao tuổi, nhất là người trên 60 tuổi. Bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn bệnh tiến triển nặng, giảm triệu chứng và biến chứng tàn phế.

Thoái hóa khớp háng là bệnh lý Cơ xương khớp khá nguy hiểm vì bệnh thường tiến triển chậm, khó phát hiện và có thể gây tàn phế nếu không điều trị sớm. Bạn đọc đang tìm hiểu bệnh lý, tham khảo thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, cách thức chẩn đoán, điều trị thoái hóa khớp háng,... trong bài viết dưới đây. 

Thoái hóa khớp háng là gì?

Thoái hóa khớp háng là tình trạng xảy ra khi lớp sụn khớp háng bị bào mòn, dần mất đi tính đàn hồi, dẫn đến mòn xương, gây nên những cơn đau dai dẳng và ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống thường ngày của bệnh nhân.

Triệu chứng thoái hóa khớp háng

Triệu chứng cơ bản nhất của thoái hóa khớp háng là gây đau và biến đổi cấu trúc của khớp, dần dần dẫn đến tàn phế. Người bệnh nên để ý đến những triệu chứng sau và thăm khám kịp thời: 

  • Đau có tính chất cơ học, đau tăng lên khi vận động
  • Đau cả khi nghỉ ngơi
  • Hạn chế vận động, đi lại khó khăn
  • Bệnh nhân thường đau vùng bẹn, sau đó lan xuống đùi, đau tăng lên khi cử động hay đứng lâu và thường đi khập khiễng.
  • Thường xuyên mỏi và tê cứng khi vận động đi bộ hoặc co duỗi khớp đùi háng.
  • Giai đoạn tiếp theo, xuất hiện những cơn đau nhói mỗi khi vận động xoay người, gập người hoặc dạng háng, nhưng khi nghỉ ngơi sẽ hết đau. Về sau, những cơn đau xuất hiện dồn dập vào buổi sáng khi mới thức dậy và trở nên đau mỏi hơn về chiều tối.
  • Cơn đau xuất hiện khi người bệnh đột ngột đổi tư thế từ ngồi sang đứng và đau nhiều khi đi lại, dần dần đau tăng lên ngay cả khi nghỉ ngơi và ban đêm, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa (nóng, lạnh đột ngột).
Cơn đau ở người bệnh thoái hóa khớp háng
Đau vùng bẹn ở người bệnh thoái hóa khớp háng - Ảnh: Canva

Thoái hóa khớp háng thường xảy ra với người cao tuổi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người trẻ được chẩn đoán thoái hóa khớp háng ở độ tuổi 30.

Nhiều người trẻ gặp các triệu chứng, xuất hiện các cơn đau nhưng thường chủ quan “còn trẻ, còn khỏe”, tự ý sử dụng thuốc giảm đau mà không thăm khám. Khi những cơn đau quá mức chịu đựng, cơ thể chịu ảnh hưởng nặng nề mới đi thăm khám. Cũng bởi vậy mà đa số người trẻ bị thoái hóa khớp khi vào bệnh viện thì bệnh đã nặng. 

Thoái hóa khớp cũng có thể gặp ở người trẻ. Nhiều bạn khi gặp những cơn đau tương tự thường chủ quan, không thăm khám mà tự ý sử dụng thuốc giảm đau. Khi cơ thể chịu ảnh hưởng nặng nề mới thăm khám thì bệnh đã nặng. 

Nguyên nhân thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp háng liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm: 

  • Do tuổi tác ngày càng cao: Thoái hóa khớp háng chủ yếu gặp ở người cao tuổi, người trên 60 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. 
  • Giới tính: Phụ nữ sau mãn kinh có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp háng hơn nam giới.
  • Vận động cường độ cao liên tục: Các công việc và môn thể thao đòi hỏi các chuyển động thể chất lặp đi lặp lại gây căng thẳng cho hông có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm xương khớp. 
  • Thoái hoá khớp háng sau chấn thương như gãy cổ xương đùi, vỡ ổ cối hoặc trật khớp háng
  • Thoái hoá khớp háng sau biến dạng mắc phải: coxa plana hoặc sau hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi
  • Thoái hoá khớp háng trên nền dị dạng cũ: thiểu sản khớp háng, trật khớp háng,… có thể dẫn đến áp lực bất thường lên sụn.

Phương pháp chẩn đoán thoái hóa khớp háng

Sau khi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh để cho thấy các đặc điểm đặc trưng như khớp bị hẹp và mép khớp bị nhô ra:

  • Chụp X-quang
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cộng hưởng (MRI)

Điều trị thoái hóa khớp háng

Cách điều trị thoái hóa khớp háng phụ thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh, bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.

Điều trị nội khoa

  • Các thuốc giảm đau, chống viêm
  • Tập vật lý triệu liệu, tham gia các hoạt động thể dục: Các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện sức mạnh ở hông. Lựa chọn các bài tập và hoạt động ít tác động, chẳng hạn như bơi lội và đạp xe, đồng thời duy trì hoạt động thể chất là chìa khóa để kiểm soát các triệu chứng thoái hóa khớp háng. 
  • Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, giữ cân nặng cơ thể hợp lý
Tập vật lý trị liệu điều trị thoái hóa khớp háng
Tập vật lý trị liệu giúp cải thiện tình trạng bệnh - Ảnh: Canva

Điều trị ngoại khoa

Khi các phương pháp điều trị nội khoa không có tác dụng, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị ngoại khoa. Trong đó, thay toàn bộ khớp háng được chỉ định với những trường hợp thoái hoá khớp háng nặng, đau nhiều, thường gặp ở bệnh nhân trên 60 tuổi.

Chăm sóc điều trị thoái hóa khớp háng tại nhà

  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, bổ sung canxi, vitamin,... 
  • Tập luyện thể dục thể thao: Tập thể dục giúp tăng cường cơ bắp xung quanh khớp. Việc tăng cường như vậy có thể giúp ngăn ngừa hao mòn sụn ở khớp. 
  • Duy trì tinh thần thoải mái, không căng thẳng, lo âu
  • Đi ngủ sớm, thức dậy sớm

Sống chung với bệnh thoái hóa khớp háng

  • Để sống chung với bệnh, việc sửa đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày có thể có tác dụng. Ví dụ, bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng cần phải tránh các loại ghế mềm sâu và ghế tựa có tư thế xấu và khó đứng dậy. Việc sử dụng thường xuyên gối dưới khoeo trong khi ngồi làm tăng co gấp và nên tránh. Tuy nhiên, để gối nằm giữa hai khớp gối thường có thể làm giảm đau lưng.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức thích hợp: Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thoái hóa khớp sớm. Nên duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Ước tính người trẻ bị thừa cân nếu giảm được 5kg cân nặng thì sẽ giảm được khoảng 50% nguy cơ thoái hóa khớp về sau.
  • Cần giữ cơ thể luôn thẳng, sẽ bảo vệ các khớp tránh sự đè ép không cân đối.
  • Người bị thoái hóa khớp không nên đi giày cao gót, giày có đế cứng và cao mà nên sử dụng các loại giày có đế thấp. 

Thoái hóa khớp háng cũng như các bệnh lý Cơ Xương Khớp khác cần được điều trị sớm để giảm nguy cơ gây biến chứng, ảnh hưởng tới chất lượng sống của bệnh nhân. Trong quá trình thăm khám, điều trị người bệnh nên tuân theo chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết