Tiêu chảy cấp ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 05/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 05/03/2024
tiêu chảy cấp ở trẻ em
Tổng quan về tiêu chảy cấp ở trẻ em - Ảnh: BookingCare
Tiêu chảy cấp ở trẻ em đề cập đến việc trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước, tần suất đi ngoài tăng lên và xảy ra ở một thời điểm nhất định. 

Tiêu chảy cấp ở trẻ nếu không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến mất nước, làm thay đổi sự cân bằng nước tự nhiên của trẻ và mất cân bằng điện giải (natri, kali, clorua). Hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp giúp cha mẹ xử lý kịp thời khi trẻ mắc bệnh.

Tiêu chảy cấp ở trẻ em là gì?

Tiêu chảy cấp ở trẻ em thể hiện sự bất thường về tần suất đi đại tiện, độ đặc và màu sắc của phân và thời gian tiêu chảy. 

  • Tần suất:
    • Bình thường Trẻ sơ sinh đi đại tiện từ 3 đến 10 lần mỗi ngày và thay đổi tùy theo chế độ ăn của trẻ (sữa mẹ so với sữa công thức, trong đó trẻ bú sữa mẹ thường đi tiêu nhiều hơn). Với trẻ lớn hơn, trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ thường đi đại tiện từ một đến hai lần mỗi ngày. 
    • Tiêu chảy cấp ở trẻ thường được định nghĩa là sự gia tăng số lần đi tiêu lên gấp đôi số lượng thông thường mỗi ngày ở trẻ sơ sinh hoặc ba lần trở lên phân lỏng hoặc chảy nước mỗi ngày ở trẻ lớn. 
  • Độ đặc và màu sắc: Độ đặc và màu sắc của phân trẻ thường thay đổi theo độ tuổi. 
    • Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ đang bú mẹ, thường có phân mềm. Phân của chúng có thể có màu vàng, xanh lá cây hoặc nâu và/hoặc có chứa hạt hoặc sữa đông nhỏ.
    • Với trẻ lớn hơn, dấu hiệu phổ biến là phân lỏng, nhiều nước hoặc có chất nhầy.
  • Thời gian: Thời gian tiêu chảy cấp ở trẻ ≤ 14 ngày.

Nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ là nhiễm virus. Các nguyên nhân khác bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn, tác dụng phụ của kháng sinh và nhiễm trùng không liên quan đến hệ thống đường tiêu hóa (GI). Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy ít gặp hơn.

Trẻ bị tiêu chảy do nhiễm trùng đường ruột, được gây ra bởi các tác nhân gây bệnh, bao gồm:

  • Virus: Rotavirus là tác nhân gây tiêu chảy cấp phổ biến và nguy hiểm nhất - thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ nếu chưa được phòng ngừa bằng vaccine. Ngoài ra còn có Astroviruses, Adenoviruses, Norwalk Virus, Parvoviruses, Noroviruses, Caliciviruses
  • Vi khuẩn gây nhiễm trùng: Bacillus, Campylobacter jejuni, lỵ trực khuẩn, thương hàn, Clostridium botulinum, E. coli, Listeria monocytogenes, Salmonella spp, Shigella spp, Staphylococcus aureus, Vibrio cholerae, Yersinia enterocolitica,…
  • Ký sinh trùng: Cryptosporidium, Entamoeba histolytica, Giardia lamblia, Toxoplasma gondii,…

Trẻ bị tiêu chảy cấp do nhiễm trùng ngoài ruột: nhiễm trùng đường hô hấp, tiết niệu, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa, viêm não, viêm màng não, tay chân miệng, sởi,…

Một số nguyên nhân khác: dị ứng thức ăn (thường là sữa bò, lạc, hải sản, trứng,…), tác dụng phụ của thuốc (thường là các loại thuốc kháng sinh, nhuận tràng hay thuốc kháng virus), hóa trị, xạ trị, rối loạn khả năng tiêu hóa và hấp thu, suy giảm miễn dịch, thiếu vitamin hoặc một số bệnh lý ngoại khoa khác,…

Cách điều trị bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ

Điều trị bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em bù nước, điện giải là quan trọng nhất để hạn chế tình trạng mất nước, điện giải ở trẻ. Ngoài ra, trẻ có thể được chỉ định một số loại thuốc hỗ trợ (theo đơn kê của bác sĩ).

Bù nước điện giải 

Bù nước điện giải bằng dung dịch Oresol là dung dịch bù nước điện giải tốt nhất, nếu không có Oresol có thể dùng các dung dịch pha chế tại nhà như nước cháo muối, nước gạo rang,...

Cách cho uống:

  • Trẻ< 2 tuổi cho uống từng thìa mỗi 1-2 phút cho uống 1 thìa . Trẻ lớn có thể cho uống từng ngụm bằng cốc
  • Nếu trẻ nôn đợi 10 phút rồi tiếp tục cho uống oresol nhưng cho uống chậm hơn 2-3 phút cho uống 1 thìa 
  • Số lượng nước uống sau mỗi lần đi ngoài phân lỏng

Tuổi

Lượng ORS cho uống sau mỗi lần đi ngoài

Lượng ORS cần cung cấp để dùng tại nhà

< 24 tháng

50-100ml

500ml/ ngày

2-10 tuổi

100-200ml

1000ml/ ngày

> 10 tuổi

uống cho đến khi hết khát

2000ml/ ngày

Đôi khi trẻ có thể cần phải nhập viện để điều trị nếu trẻ có dấu hiệu mất nước. Điều trị tại bệnh viện thường bao gồm truyền dung dịch bù nước qua đường tĩnh mạch và bổ sung điện giải qua đường uống ngay khi trẻ uống được. 

Bổ sung kẽm cho trẻ bị tiêu chảy cấp

Kẽm được dùng trong phác đồ điều trị trẻ bị tiêu chảy cấp kết hợp cùng nước điện giải. Bổ sung kẽm mất đi do tiêu chảy cấp rất quan trọng giúp trẻ sớm hồi phục bệnh ( giảm thời gian, mức độ nặng tiêu chảy ), đồng thời tăng cường sức khỏe, tăng quá trình hấp thu, tăng biệt hóa niêm mạc ruột.

Lượng kẽm bổ sung cho trẻ tiêu chảy cấp theo khuyến nghị của WHO là:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi được chỉ định uống 10mg kẽm nguyên tố/ngày x 14 ngày.
  • Trẻ trên 6 tháng tuổi được chỉ định uống 20mg kẽm nguyên tố/ngày x 14 ngày.

Một số loại thuốc hỗ trợ cho trẻ bị tiêu chảy cấp

Bổ sung probiotics

Probiotics củng cố sự cân bằng của các vi khuẩn chí ở ruột, kích thích sự phát triển và trưởng thành của cơ chế đáp ứng miễn dịch niêm mạc ruột, cạnh tranh thức ăn của các loại vi khuẩn gây bệnh

Thuốc chống nôn, cầm tiêu chảy

Thông thường không nên tự ý dùng thuốc để cầm tiêu chảy cho trẻ dưới 12 tuổi.  Hiện tại chưa có bằng chứng lâm sàng để sử dụng các thuốc này trong điều trị tiêu chảy cấp trẻ em

Kháng sinh

Không dùng kháng sinh cho mọi trường hợp tiêu chảy nếu không đúng chỉ định sẽ gây tiêu chảy kéo dài, nếu nguyên nhân tiêu chảy cấp do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh phù hợp với trẻ. 

Trẻ nên tiếp tục chế độ ăn bình thường sau khi hết nôn trớ và tình trạng mất nước đã được điều trị. Tuy nhiên cha mẹ cần tránh nước ép trái cây và đồ uống có ga vì chúng có thể làm bệnh tiêu chảy nặng hơn.

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp tại nhà

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp tại nhà bao gồm việc bù nước, chú ý đến chế độ dinh dưỡng và theo dõi các dấu hiệu bất thường để cho trẻ đến bệnh viện trong một số trường hợp. 

Cho trẻ uống đủ nước để tránh mất nước

Trẻ bị tiêu chảy cần tiếp tục uống đủ lượng nước để tránh mất nước.

  • Với trẻ đang bú mẹ, hãy tiếp tục cho bú mẹ theo nhu cầu. 
  • Với trẻ khác, hãy cho trẻ uống nhiều nước hơn theo khả năng của bé, uống chậm và từng ngụm nhỏ.
  • Bổ sung thêm nước điện giải theo hướng dẫn của bác sĩ. Pha điện giải oresol cần tuân theo quy định của nhà sản xuất, cha mẹ không tự ý pha đặc/loãng hơn so với hướng dẫn. 
  • Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, cha mẹ cần tránh bổ sung cho trẻ các loại nước giải khát, nước ép trái cây, thức uống có ga... bởi đây là những loại nước có lượng đường cao có thể khiến tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn. 

Chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy cấp

Đối với trẻ bị tiêu chảy, việc thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học và đủ chất là điều vô cùng quan trọng, là yếu tố góp phần quyết định thời gian khỏi bệnh cho trẻ. 

Nếu trẻ vẫn được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, mẹ nên chú ý ăn uống đủ chất và nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo chất lượng nguồn sữa cho trẻ. Theo chia sẻ của các chuyên gia, sữa mẹ là nguồn dưỡng chất hoàn hảo, dễ hấp thu, bổ sung đủ nước và đủ chất cho sự phát triển của mẹ. 

Đối với trẻ lớn hơn, chế độ dinh dưỡng của trẻ sẽ được xây dựng dựa vào độ tuổi và nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ. Mẹ nên ưu tiên cho trẻ dùng những loại thực phẩm mềm, lỏng, chứa nhiều chất xơ như cháo, súp… và chia thành nhiều bữa nhỏ.

Lưu ý, trẻ bị tiêu chảy nên tránh ăn rau sợi thô, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nhiều gân xơ, thực phẩm nhiều đường vì điều này sẽ tăng áp lực lên hệ tiêu hóa, khiến tình trạng tiêu chảy trở nên tồi tệ hơn.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi bị tiêu chảy có dấu hiệu mất nước, đặc biệt là tiêu chảy cấp, cần đưa trẻ đến viện ngay vì trẻ tuổi này rất dễ bị mất nước và trở nặng bệnh mà người nhà có thể không nhận biết được. Ở trẻ lớn hơn, nên đưa trẻ đến viện ngay khi có các dấu hiệu sau đây:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi phải luôn được đưa đến bác sĩ.
  • Trẻ sinh non hoặc đang có vấn đề về sức khỏe
  • Trẻ có dấu hiệu mất nước, da khô, môi khô, phân có lẫn máu.
  • Trẻ nôn ói nhiều, không chịu ăn uống.
  • Tiêu chảy ra nước lượng nhiều, liên tục, không đỡ
  • Không thể uống đủ chất lỏng
  • Trẻ mệt mỏi, quấy khóc liên tục, lờ đờ, ngủ nhiều, khó đánh thức
  • Tiêu chảy không hết sau 7 ngày.
  • Trẻ co giật, sốt cao.

Tiêu chảy kéo dài hơn 2 tuần không được coi là tiêu chảy cấp tính. Liên hệ với bác sĩ của con bạn nếu trường hợp này xảy ra.

Tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp ở trẻ và hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được điều trị đúng cách. Lưu ý, cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn về điện giải và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.