Phối hợp 5 cách sau để chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 hiệu quả
5 phương pháp chữa tiểu đường tuýp 2
5 phương pháp chữa tiểu đường tuýp 2 - Ảnh: BookingCare

Phối hợp 5 cách sau để chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 09/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
5 phương pháp chìa khóa trong chữa trị bệnh tiểu đường tuýp 2 bao gồm: chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với hoạt động thể chất, giảm cân khoa học, theo dõi đường huyết kết hợp với sử dụng thuốc.

Để chữa tiểu đường hiệu quả không chỉ phụ thuộc riêng một phương pháp mà cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau và cần liên tục điều chỉnh nhằm đạt được mức đường huyết mục tiêu. 

Để bạn đọc tham khảo thông tin tin cậy, hữu ích trong phòng ngừa đái tháo đường tuýp 2, BookingCare chia sẻ tới bạn đọc cẩm nang "Các bước phòng ngừa đái tháo đường tuýp 2". Tìm hiểu ngay!

1, Ăn uống lành mạnh

Thức ăn, nước uống bạn nạp vào cơ thể ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết trong cơ thể. Tùy vào tình trạng của người bệnh mắc tiểu đường tuýp 2, sẽ cần xây dựng chế độ ăn riêng phù hợp với thể trạng của mỗi người. Tuy nhiên, bạn cần ghi nhớ những nguyên tắc sau khi xây dựng thực đơn hàng ngày:

  • Chia nhỏ các bữa ăn thay vì chỉ ăn 2-3 bữa lớn, các bữa ăn nhẹ cũng nên chọn thực phẩm lành mạnh, ít ảnh hưởng đến đường huyết
  • Nạp nhiều thực phẩm chứa chất xơ hơn, đặc biệt là các loại rau lá xanh.
  • Ưu tiên các loại ngũ cốc nguyên hạt và sản phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch, kiều mạch, bánh mì đen,...) thay vì ngũ cốc tinh chế và sản phẩm từ ngũ cốc tinh chế (gạo trắng, bánh mì trắng, mì ống,....)
  • Hạn chế các thức ăn đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, nước ngọt, bánh kẹo và các thực phẩm chứa nhiều đường thay thế khác
  • Tăng cường nạp chất béo tốt từ sữa ít béo, thịt ít béo và các loại cá béo
  • Bổ sung thêm trong khẩu phần ăn các loại dầu ăn tốt cho sức khỏe có nguồn gốc thực vật như dầu ô liu, dầu hạt cải

2, Hoạt động thể chất

Việc tập thể dục rất quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết, giúp cải thiện tình trạng kháng insulin ở người bệnh tiểu đường tuýp 2. Một số hình thức tập luyện được các chuyên gia khuyến cáo thực hiện khi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2:

  • Đi bộ: Hình thức tập luyện đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện, mỗi ngày bạn nên dành ra 30 phút hoặc ít nhất 150 phút mỗi tuần để đi bộ
  • Bài tập luyện sức đề kháng: Đây là các bài tập có tác dụng tăng sức mạnh, tăng sự dẻo dai và cân bằng cho cơ thể. Một số bài tập rèn luyện sức đề kháng phổ biến như: chống đẩy, nâng tạ, yoga, uốn dẻo,... Người trưởng thành mắc tiểu đường tuýp 2 nên duy trì tập các bài tập này từ 2-3 buổi mỗi tuần (tuỳ khả năng gắng sức mỗi người)
  • Tập aerobic: Các bài tập thể dục nhịp điệu cũng dễ dàng để thực hiện không kém. Bạn có thể tìm tập theo các bài tập trên mạng hoặc tham gia các đội nhóm để duy trì động lực tập thể dục. Trường hợp tự tập luyện, bạn nên bắt đầu từ các bài tập đơn giản trước rồi tăng dần độ khó hoặc tìm một huấn luyện viên online hỗ trợ đảm bảo thực hiện đúng các động tác

Việc rèn luyện thể chất cần đảm bảo hiệu quả và an toàn, do đó, người bệnh tiểu đường tuýp 2, đặc biệt là những người đang gặp các biến chứng liên quan đến tim mạch, thần kinh, cơ xương khớp,... cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về hình thức và cường độ tập luyện hợp lý.

3, Giảm cân khoa học

Trường hợp bạn đang thừa cân thì việc giảm ít nhất 5% trọng lượng cơ thể có thể giúp bạn kiểm soát được các vấn đề liên quan đến đường huyết, cholesterol và huyết áp. 

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng bạn nên thực hiện các phương pháp giảm cân không an toàn để đạt được hiệu quả điều trị bệnh. Khi thực hiện giảm cân, bạn nên thực hiện theo các biện pháp khoa học sau:

  • Đặt mục tiêu giảm cân ngắn hạn theo tuần hoặc theo tháng giúp dễ dàng thực hiện và duy trì động lực
  • Kết hợp ăn uống và vận động hợp lý đảm bảo lượng calo out> calo in
  • Tránh sử dụng các sản phẩm hỗ trợ giảm cân cấp tốc hay phương pháp nhịn ăn để giảm cân bởi chúng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến lượng đường trong máu, mọi sản phẩm bổ trợ đều nên nhận được tham vấn từ bác sĩ điều trị.

4, Theo dõi đường huyết

Tùy vào tình trạng của người bệnh sau khi đi khám mà các bác sĩ sẽ tư vấn về tần suất và thời điểm hợp lý để theo dõi đường huyết. Thông thường, các thời điểm thường hay được bác sĩ khuyên nên kiểm tra đường huyết gồm: buổi sáng sau khi thức dậy, trước bữa ăn trưa và tối, sau khi ăn 1-2 tiếng và trước khi đi ngủ.

Trường hợp người bệnh tiểu đường tuýp 2 phải sử dụng đến insulin sẽ cần kiểm tra đường huyết nhiều lần trong ngày hơn để đảm bảo đường huyết luôn ở mức cho phép.

Trường hợp người bệnh được yêu cầu kiểm tra đường huyết một vài lần trong ngày thì có thể sử dụng máy đo đường huyết lấy máu và ghi lại số đo cũng như thời điểm đo tương ứng. Với người bệnh nặng hơn, cần kiểm tra đường huyết nhiều lần trong ngày, có thể tham khảo thiết bị theo dõi đường huyết liên rục (CGM - Continuous Glucose Monitoring) giúp ghi lại số đo đường huyết tự động mà không cần lấy máu.

5, Sử dụng thuốc hiệu quả

Trường hợp người bệnh tiểu đường không thể đạt được mức đường huyết mong muốn bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục, các bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc hỗ trợ.

Các loại thuốc dành cho bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 thường thuộc các nhóm: Metformin; Sulfonylurea; Thiazolidinediones;...

Các loại thuốc này đều có tác dụng phụ, vì vậy, người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng mà bác sĩ chỉ định, tránh trường hợp lạm dụng thuốc gây nên ảnh hưởng xấu đến cơ thể.

Trên đây là 5 phương pháp chủ chốt trong quá trình chữa trị tiểu đường tuýp 2, người bệnh nên phối hợp nhịp nhàng các phương pháp và tuân theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ để đạt được hiệu quả chữa trị tốt nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết